Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

PGS.TS Phạm Thế Anh: Tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 134% là chỉ báo đáng lưu tâm

Thứ ba, 08/07/2025 13:02 (GMT+7)

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức 134% vào cuối năm 2024 là một chỉ báo đáng lưu tâm.

Dù đồng đô la Mỹ (USD) suy yếu so với nhiều đồng tiền chủ chốt, tiền đồng (VNĐ) Việt Nam vẫn giảm giá mạnh từ đầu năm 2025 đến nay. Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế quốc dân, nguyên nhân chủ yếu không nằm ở bên ngoài, mà đến từ chính sách điều hành trong nước: Tín dụng tăng nhanh, lãi suất thấp, cung tiền dồi dào, tất cả khiến VNĐ “rẻ hơn” và tỷ giá ngày càng căng thẳng.

PGS.TS Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế quốc dân.

Thưa ông, từ đầu năm 2025 đến nay, tiền Việt Nam đồng vẫn liên tục mất giá so với đô la Mỹ, nhưng điều đáng chú ý là nó còn yếu đi so với euro, bảng Anh, đô la Úc. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng căng thẳng tỷ giá hiện nay?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Điều này thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn, bởi từ đầu năm, chỉ số DXY - thước đo sức mạnh của USD lại giảm, từ hơn 108 điểm cuối năm ngoái về mức 97,4 điểm vào cuối tháng 6/2025. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn như châu Âu, Anh, Úc đều đang hạ lãi suất, chứ không thắt chặt chính sách tiền tệ. Thế nên, nói tỷ giá VNĐ/USD căng thẳng vì đồng USD mạnh lên là không chính xác.

Áp lực tỷ giá hiện tại phản ánh rõ rệt các yếu tố nội tại của Việt Nam. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán đã tăng gần 3%, còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng tới hơn 15%. Cùng lúc, tín dụng tính đến 30/5/2025 đã tăng gần 5,6% so với cuối năm 2024 và hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Nghĩa là, cung tiền và tín dụng đều đang được bơm ra rất nhanh.

Khi Chính phủ theo đuổi tăng trưởng cao, duy trì lãi suất thấp, hệ quả là tiền đồng “rẻ hơn”. Và một khi VNĐ yếu đi, tất cả những gì định giá bằng tiền đồng, từ hàng hóa, dịch vụ, tài sản đến ngoại tệ, đều trở nên đắt đỏ hơn. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia có đồng tiền mạnh lên sẽ bị đội giá. Giá vàng, bất động sản, chứng khoán, thậm chí là tiền mã hóa cũng tăng theo, gây thêm sức ép lên tỷ giá.

Vừa qua, Thống đốc NHNN đã nhấn mạnh tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức 134% vào cuối năm 2024, một con số khá cao. Ông nhìn nhận gì về điều này?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Đó là một chỉ báo đáng lưu tâm. Hãy nhớ rằng vào năm 2019, Tổng cục Thống kê đã điều chỉnh lại quy mô GDP, tăng thêm hơn 25% mỗi năm trong giai đoạn 2007 - 2017. Nhưng chỉ vài năm sau, tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn tiếp tục tăng mạnh. Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào tín dụng để tăng trưởng, thay vì dựa trên năng suất thực chất hay đổi mới công nghệ.

Vậy theo ông, từ nay đến cuối năm 2025, tỷ giá sẽ diễn biến theo xu hướng nào? Còn điều gì cần đặc biệt chú ý?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Tỷ giá chắc chắn vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, chẳng hạn như chính sách lãi suất của Fed hay Ngân hàng Trung ương châu Âu. Nếu lạm phát ở các nền kinh tế lớn hạ nhiệt và họ bắt đầu cắt giảm lãi suất, thì áp lực lên tỷ giá có thể giảm bớt. Nhưng các yếu tố địa chính trị và chính sách thuế quan lại đang làm điều đó khó thành hiện thực.

Tuy nhiên, tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là điều hành chính sách trong nước. Nếu cung tiền, tín dụng tiếp tục tăng nhanh như hiện nay, thì dù lãi suất thế giới có hạ hay không, tiền đồng vẫn sẽ mất giá. Đây là câu chuyện nội tại, không thể đổ cho yếu tố bên ngoài.

Dù đồng USD suy yếu, tiền đồng VNĐ vẫn giảm giá mạnh từ đầu năm 2025, gây căng thẳng tỷ giá và lo ngại lạm phát. Ảnh: Tùng Đoàn

Xu hướng giảm giá của VNĐ có thể tác động gì đến lạm phát và hoạt động xuất nhập khẩu?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Tôi lo lắng về lạm phát, nhưng còn lo hơn về giá tài sản tăng quá nhanh. Khi giá bất động sản, vàng, ngoại tệ… tăng liên tục, dòng tiền sẽ chảy vào các kênh này thay vì vào sản xuất. Điều đó làm méo mó nền kinh tế, nới rộng khoảng cách giàu nghèo, và tiềm ẩn bất ổn xã hội.

Hiện nay, dù cung tiền tăng nhanh, nhưng lạm phát vẫn được kiềm chế phần nào là nhờ sức mua trong dân còn yếu. Thu nhập không tăng nhiều, người dân chủ yếu chi tiêu thiết yếu. Trong khi đó, cung hàng hóa lại cải thiện, cả nhờ năng lực sản xuất trong nước và do hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào. Nhưng nếu tình trạng tăng giá tài sản tiếp diễn, rất có thể bong bóng sẽ hình thành, và khi vỡ, hậu quả là vô cùng lớn.

Về xuất khẩu, đúng là tiền đồng yếu đi giúp hàng Việt rẻ hơn ở thị trường quốc tế. Nhưng nên nhớ, khả năng hưởng lợi là có giới hạn. Nếu thị trường Mỹ, EU áp thêm rào cản kỹ thuật, hay tăng thuế quan, thì việc giảm giá hàng hóa cũng không cứu được lượng hàng xuất khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp nhập khẩu lại phải trả giá cao hơn do tỷ giá tăng, chi phí sản xuất theo đó cũng đội lên.

Với bối cảnh này, theo ông, đâu là thách thức lớn nhất trong điều hành tài chính - tiền tệ nửa cuối năm 2025?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Thách thức lớn nhất là bài toán ba biến số: Lạm phát - tỷ giá - lãi suất. Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để giữ cả ba ở mức thấp mà vẫn bảo đảm tăng trưởng cao.

Nếu chúng ta chọn giữ lãi suất thấp để kích cầu, đẩy mạnh tín dụng, thì phải chấp nhận rủi ro tỷ giá tăng, lạm phát leo thang và giá tài sản “nóng”. Điều này đang diễn ra rồi và Ngân hàng Nhà nước rõ ràng đang đứng trước một bài toán cực kỳ khó.

Một số giải pháp như hút bớt thanh khoản qua kênh tín phiếu, siết tín dụng vào bất động sản, hay khuyến khích tín dụng chảy vào sản xuất - những điều NHNN đang làm là cần thiết. Nhưng về dài hạn, chỉ khi kiểm soát được tốc độ tăng cung tiền và tín dụng thì mới có thể kiểm soát được tỷ giá và lạm phát bền vững.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, tiền tệ là con dao hai lưỡi. Nếu bơm ra quá dễ dãi, nó sẽ không đi vào sản xuất mà chảy vào đầu cơ. Lúc đó, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự bất ổn và méo mó của nền kinh tế.

Xuân Đoàn
Nguồn: sohuutritue.net.vn