Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

‘Nữ thần toán học’ Oxford bị công kích vì quá xinh đẹp

Thứ bảy, 12/07/2025 06:45 (GMT+7)

Vì quá xinh đẹp, Kate Wenqi Zhu bị cộng đồng mạng chỉ trích, nghi ngờ làm giả bằng tốt nghiệp đại học danh tiếng.

Kate Wenqi Zhu là cái tên không xa lạ trong giới toán học Trung Quốc. Mới đây, việc cô giành giải Nhì tại Giải thưởng Leslie Fox về phân tích số – một cuộc thi danh giá do Viện Toán học và Ứng dụng Vương quốc Anh (IMA) tổ chức 2 năm một lần khiến nhiều người đổ dồn chú ý tới cô một lần nữa.

Theo Shanghai Daily, giải thưởng này được xem là một trong những vinh dự quốc tế hàng đầu dành cho các nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực phân tích số, nhằm tôn vinh những tài năng xuất sắc dưới 31 tuổi.

Zhu gây chú ý khi giành giải thưởng danh giá về toán học. Ảnh: Shanghai Daily

Zhu là một trong 6 thí sinh lọt vào vòng chung kết, được chọn ra từ hàng loạt bài dự thi. Cô là đại diện duy nhất của Đại học Oxford giành giải năm nay. Để đạt được vinh dự này, Zhu từng trải qua nhiều cú sốc bị chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội vì sở hữu ngoại hình không giống chuẩn “mọt sách”.

Vượt qua làn sóng chỉ trích trực tuyến

Khi tin tức “cựu sinh viên xuất sắc Oxford giành giải thưởng toán học quốc tế” lan truyền mấy ngày qua, câu chuyện của Zhu nhanh chóng trở thành chủ đề tìm kiếm nóng trên các nền tảng truyền thông Trung Quốc.

Ba năm trước, chính cụm từ “cựu sinh viên xuất sắc của Oxford” đã khiến cô trở thành mục tiêu công kích trên mạng.

Ngày 14/3/2022, nhân Ngày Quốc tế Toán học, Zhu đăng một video thông báo cô đã tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Toán học tại Đại học Oxford. Bài đăng thu hút hơn 1,2 tỷ lượt xem trên mạng xã hội Weibo.

Tuy nhiên, không có lời chúc mừng nào cho Zhu mà thay vào đó là làn sóng nghi ngờ và cáo buộc cho rằng cô “làm giả” chứng nhận tốt nghiệp.

Nhiều người đã săm soi từng bài đăng của cô, từ cuộc sống xa hoa đến những bức ảnh để công kích, thậm chí nhận xét cô giống như “một bình hoa di động rẻ tiền”.

Chỉ đến khi Zhu giải được một bài toán do một giáo sư nam đưa ra nhằm “kiểm tra năng lực”, làn sóng chỉ trích mới lắng xuống. “Lúc đó, tôi không coi đó là cách để chứng minh bản thân. Tôi làm vì tôi tôn trọng toán học. Tôi biết mình có thể giải được nên tôi làm”, Zhu chia sẻ với truyền thông.

Đây không phải lần đầu Zhu bị yêu cầu “kiểm tra năng lực”. Cô trẻ trung, xinh đẹp, giàu có. Nhiều người cho rằng, vẻ ngoài của Zhu không phù hợp với hình mẫu của một “thiên tài toán học điển hình”.

Ảnh tốt nghiệp thạc sĩ của Zhu tại Đại học Oxford. Ảnh: Shanghai Daily

Từ cô gái bị đuổi học đến sinh viên trẻ nhất của Oxford

Zhu từng bị bắt nạt ở trường tiểu học tại Thâm Quyến đến mức cô từ chối đến trường và sau đó bị đuổi học. Mẹ cô, bà Zeng đã từ bỏ công việc để dạy học tại nhà cho con gái.

Quyết định ấy mang tính bước ngoặt với Zhu. Bà Zeng từng là sinh viên xuất sắc ngành Vật lý, được tuyển thẳng vào Trường Tài năng Trẻ của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Cha của Zhu có bằng tiến sĩ ngành khoa học máy tính.

“Tôi nhận ra toán học không chỉ là giải bài, mà là công cụ hữu ích trong đời sống”, Zhu kể.

Trong hai năm, cha mẹ cô đã dạy cô toàn bộ kiến thức của 6 năm học cho con gái. Năm 12 tuổi, Zhu được nhận vào Trường Trung học Quốc tế Thâm Quyến dù chưa có bằng tiểu học hay trung học cơ sở.

Ba năm sau, cô trở thành nữ sinh Trung Quốc trẻ nhất được nhận vào học toán tại Đại học Oxford.

Dù thành tích đáng nể, nhiều người vẫn cho rằng, Zhu có được điều đó là do cô sinh ra trong gia đình ưu tú. Zhu từng nói: “Mỗi chứng minh toán học, mỗi bài nghiên cứu đều do tôi tự làm. Tôi cũng khóc khi bị công kích. Nhưng tôi dùng nỗi đau đó làm động lực để tiến lên”.

Từ năm 19 tuổi, Zhu không còn nhận hỗ trợ tài chính từ gia đình. Cô phải tự trang trải nếu muốn học cao hơn.

Mẹ cô từng hy vọng con gái sẽ chọn công việc ổn định, lương cao tại Hong Kong. Không phụ lòng mẹ, năm 20 tuổi, Zhu gia nhập J.P. Morgan và có thu nhập hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm. Nhưng rồi, cô thấy trống rỗng và luôn tự hỏi đó có phải cuộc sống mình mong muốn.

Khi được chẩn đoán mắc trầm cảm, toán học trở thành chốn nương náu của Zhu. “Mỗi khi muốn khóc, tôi lại đi giải toán. Chỉ cần giải được một bài là tôi thấy bình tâm”, cô gái trẻ chia sẻ. Khi nhận ra chính toán học giúp mình chữa lành, cô quyết định từ bỏ công việc để quay lại Oxford học cao học.

Zhu có cuộc sống sang chảnh. Ảnh: Weibo nhân vật.

Chọn đam mê thay vì tiền bạc

Hiện tại, Zhu đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Oxford với học bổng toàn phần. Đây cũng là quãng thời gian cô mô tả là “hạnh phúc nhất đời mình”.

“Tôi yêu việc viết lách, yêu việc nhào nặn ý tưởng. Nếu chưa tốt, tôi sẽ viết lại. Ngày xưa tôi chọn toán, và thật may mắn vì toán học chưa từng bỏ rơi tôi”, Zhu chia sẻ với truyền thông. Ý tưởng thứ 11 cô gửi cho giáo sư hướng dẫn chính là tài liệu giúp cô giành giải thưởng Leslie Fox.

Lịch trình mỗi ngày của Zhu được lên kế hoạch tỉ mỉ. Cô chỉ ngủ 5 tiếng rưỡi mỗi ngày.

Tháng 11 này, Zhu sẽ nhận bằng tiến sĩ, sau đó cô sẽ bắt đầu chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ kéo dài 2 năm tại Oxford. Dù thu nhập khiêm tốn hơn hẳn so với thời làm tài chính, Zhu vẫn hạnh phúc với lựa chọn của mình.

“Chúng ta nên nhìn xa hơn. Mục tiêu không phải là kiếm nhiều tiền hơn mỗi năm mà là bạn sẽ trở thành ai trong 30 hay 50 năm tới”, cô nói.

Zhu cũng mong được trở lại quê hương Trung Quốc để cống hiến cho đất nước theo cách của riêng mình.

Băng Tâm
Nguồn: sohuutritue.net.vn