Nỗi lo chất gây ung thư trong sữa nhập khẩu theo đường xách tay
15 loại sữa bột công thức vừa bị Hội Người tiêu dùng Hồng Kông (Trung Quốc) phát hiện chứa chất gây ung thư khiến không ít người giật mình khi một số nhãn sữa này đang được bán phổ biến tại Việt Nam.
Chuộng sữa ngoại xách tay
Tâm lý chuộng sữa ngoại nhập của không ít bà mẹ xuất hiện từ lâu vì cho rằng, sữa ngoại được kiểm soát chất lượng tốt hơn. Họ chấp nhận bỏ tiền nhiều hơn để “săn” những loại sữa nội địa xách tay về từ Mỹ, Úc, Nhật…
Chị T. - chủ một cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM - cho hay, cùng một loại sữa của nước ngoài, nhưng rất nhiều người hỏi mua hàng nhập, hàng xách tay chứ không muốn mua những sản phẩm sản xuất tại các nhà máy trong nước, ngay cả khi giá sữa xách tay cao hơn sản phẩm cùng loại trong nước 200.000-300.000 đồng/hộp.
Các mẫu sữa công thức (Similac Sensitive Isomil Soy của hãng Abbott; sữa bột Bellamy’s Organic, sữa Smart Baby của Úc; sữa Meiji, Meiji Infant Formula của Nhật…) vừa bị Hội Người tiêu dùng Hồng Kông kiểm tra, phát hiện chứa chloropropanediol (3-MCPD, loại hóa chất được cho là làm giảm chức năng thận hoặc khả năng sinh sản của các bé trai khi trưởng thành) hoặc chứa glycidyl este (được cho là chất gây ung thư). Không khó để tìm thấy các loại sữa này tại các cửa hàng, chuỗi cửa hàng chuyên về sản phẩm dành cho mẹ và bé tại TP.HCM hay trên các trang thương mại điện tử, Facebook cá nhân.
Tại hệ thống Bibo Mart, có đến 16 sản phẩm sữa Meiji của Nhật được bày bán, dành cho bé từ 0-1 tuổi và từ 1-3 tuổi, giá dao động từ 335.000-1.240.000 đồng/hộp. Theo nhân viên bán hàng: “Nhiều khách chuộng loại sữa này vì tốt cho sự phát triển trí não của trẻ và có tính mát, dễ uống, không gây táo bón”.
Ở hệ thống Kids Plaza, cũng có bán 12 sản phẩm sữa Meiji, giá từ 330.000-1.060.000 đồng/hộp; sữa Bellamy’s Organic hộp 900g giá 690.000 đồng. Hai hệ thống trên không bán loại sữa Similac Sensitive Isomil Soy và Smart Baby, và hai nhãn sữa này chủ yếu được chào bán nhiều trên các trang thương mại điện tử. Trên Shopee.vn, nhiều cá nhân chào bán sữa bột Similac Soy Isomil loại 658g/hộp, giá 640.000 đồng, thông tin nhãn sản phẩm toàn tiếng Anh, không có tiếng Việt, người bán giải thích là “hàng xách tay từ Mỹ”.
Dù được giới thiệu là hàng xách tay từ các nước về nhưng không ít lần, lực lượng chức năng phát hiện các sản phẩm này được nhập lậu và rất khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng. Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phát hiện trong kho chứa hàng hóa thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại Trang Thái An (tỉnh Lạng Sơn) có nhiều sản phẩm sữa bột nhập lậu, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, gồm sữa bột NAN loại 400g/hộp, sữa bột NAN loại 800g/hộp, sữa bột Pediasure loại 400g/hộp. Giám đốc công ty trên khai nhận, ba loại sữa bột trên (gồm 54 đơn vị sản phẩm) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Cục An toàn thực phẩm đang rà soát
Đại diện Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, cục đã tra cứu thông tin liên quan việc Hội Người tiêu dùng Hồng Kông phát hiện một số sữa chứa 3-MCPD hoặc glycidyl este, nhưng vẫn chưa tìm thấy thông tin trên các trang cảnh báo chính thức của cơ quan quản lý Hồng Kông cũng như của INFOSAN - mạng lưới cảnh báo về ATTP quốc tế. Cục ATTP đã gửi thư đến cơ quan chức năng Hồng Kông để trao đổi thông tin về vụ việc.
Theo Cục ATTP, hiện chưa có tiêu chuẩn về hàm lượng 3-MCPD trong sữa công thức, chỉ có quy định về hàm lượng 3-MCPD trong nước tương. Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) mà Việt Nam là thành viên cũng chưa có quy định về hàm lượng 3-MCPD trong sữa công thức.
Trước đó, Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) cũng thông báo về việc Công ty Sainsbury’s của Anh đang thu hồi lô sản phẩm sữa tiệt trùng Semi-Skimmed less than 2% fat UHT milk do nhiễm vi sinh vật gây hư hỏng và sản phẩm không an toàn để tiêu thụ. Lô sản phẩm có mã SKU 6647140, dung tích 1 lít, hạn sử dụng trước ngày 28/12/2020 và 29/12/2020. Cục ATTP cũng đã thông báo đến cơ quan quản lý có thẩm quyền của Bộ Công thương để tiếp tục tìm hiểu thông tin, theo dõi và kiểm soát sản phẩm này.
Theo ước tính của Hội Người tiêu dùng Hồng Kông, một trẻ sơ sinh một tháng tuổi, nặng 4,3kg ăn sáu bữa sữa mỗi ngày với nhãn hiệu sữa bột này sẽ có mức 3-MCPD vượt quá lượng khuyến nghị của Cơ quan ATTP châu Âu. Theo quy định của Liên minh châu Âu về sữa bột, giới hạn của glycidyl este là 50 microgam/kg.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng - giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường đại học Hoa Sen - cho biết, thông thường, các chất 3-MCPD, glycidyl este không sinh ra trong quá trình sản xuất sữa bột mà chỉ sinh ra khi trong thực phẩm có chất béo và a-xít clo. Trong quá trình chế biến sữa bột, người ta không sử dụng a-xít clo, vì vậy không sinh ra 3-MCPD. Trong sản phẩm 100% sữa bột, hoàn toàn không có chất 3-MCPD nên cũng không có quy định về tiêu chuẩn 3-MCPD trong sữa bột.
Tiến sĩ Đồng cho rằng, trong quá trình chế biến sữa bột, người ta thường cho thêm các vi chất, chất dinh dưỡng tạo thành sữa bột công thức và có sử dụng thêm các nguyên liệu, thành phần, dụng cụ, thiết bị nào đó có thể bị nhiễm chất 3-MCPD, dẫn đến sữa bột bị nhiễm chất này. Còn chất glycidyl este được sinh ra khi chất béo ở nhiệt độ cao, nhiều nhất là trong tinh luyện, chế biến dầu ăn; có thể trong sữa sử dụng chất béo nhưng không được kiểm soát ở nhiệt độ cao nên sinh ra glycidyl este. Vì vậy, Liên minh châu Âu có quy định giới hạn hàm lượng glycidyl este trong sữa bột.
Mấy năm trước, Hồng Kông cũng đã phát hiện chất glycidyl este có trong dầu ăn vượt ngưỡng cho phép, nhưng tại Việt Nam, các cơ quan ít khi kiểm tra hàm lượng chất này trong dầu ăn, cũng không có tiêu chuẩn chất glycidyl este trong dầu ăn. Chất 3-MCPD thường có trong nước tương, dầu hào, những sản phẩm người ta hay xử lý với a-xít clo. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đồng, chưa ai khẳng định các chất 3-MCPD, glycidyl este gây ung thư cho con người. Người ta mới chỉ nghiên cứu, thử nghiệm trên động vật, cho thấy rủi ro gây nên những triệu chứng làm suy giảm chức năng thận hoặc khả năng sinh sản, nên khuyến cáo không nên sử dụng khi hàm lượng vượt mức cho phép.
“Người tiêu dùng không nên quá hoang mang. Cần chờ thêm thông tin từ phía các hãng sữa đã công nhận kết quả kiểm tra trên chưa và công bố, thu hồi lô sản phẩm nào, vì thường chỉ có một lô nhiễm, còn những lô khác phải tiếp tục được phân tích, kiểm nghiệm có nhiễm hay không” - tiến sĩ Đồng trấn an.
Sau thông tin Hội Người tiêu dùng Hồng Kông công bố các nhãn sữa công thức có chứa 3-MCPD, glycidyl este, chúng tôi đã liên hệ với đại diện Abbott Việt Nam tại TP.HCM để biết động thái của hãng trước thông tin sữa công thức đậu nành cho trẻ sơ sinh Similac Sensitive Isomil Soy của hãng Abbott chứa 13 microgam/kg chất 3-MCPD. Đơn vị đại diện truyền thông của Abbott cho biết, hãng đang thu thập thông tin chính thống để có hướng xử lý.
Trung tâm An toàn thực phẩm Hồng Kông nói “sữa an toàn”
Ngày 17/8, các phương tiện truyền thông đưa tin “Hồng Kông phát hiện 9 loại sữa bột trẻ em có chứa chất gây ung thư”, gây hoang mang cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, ngay tối cùng ngày, Trung tâm ATTP Hồng Kông đã giải thích trên trang mạng xã hội của mình rằng, dựa trên các giá trị tham chiếu của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì tất cả các mẫu sữa bột này đều không chứa chất gây ung thư vượt quá mức tiêu chuẩn, và người dân có thể yên tâm cho con sử dụng loại sữa bột được khuyến cáo dành cho trẻ sơ sinh.
Sự việc trên bắt nguồn từ kết quả kiểm nghiệm sữa bột công thức dành cho trẻ em do Hội Người tiêu dùng Hồng Kông đưa ra. Họ cho biết, có đến 15 loại sữa bột bị nhiễm chloropropanediol (3-MCPD) và 9 mẫu sữa bột được phát hiện có chứa chất gây ung thư glycidol. Hội Người tiêu dùng Hồng Kông lập luận: “Glycidyl alcohol là chất độc di truyền và gây ung thư. Người ta khuyến nghị giảm lượng tiêu thụ từ thực phẩm càng nhiều càng tốt”. Tuy nhiên, Trung tâm ATTP Hồng Kông bác bỏ thông tin này, cho rằng tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu mà Hội Người tiêu dùng đề cập chỉ là “giá trị tham chiếu về sức khỏe”.
Nguyễn Cẩm
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm