Nghĩ khác, làm khác để khởi nghiệp

Thứ ba, 12/04/2022, 15:54 PM

Tạo ra những sản phẩm độc đáo từ phụ phẩm bỏ đi; hay đưa khách đến tận vùng trồng để “tai nghe, mắt thấy” quy trình chế biến… là những cách tiếp thị, bán hàng hiệu quả được nhiều bạn trẻ khởi nghiệp áp dụng thời gian qua.

 Tìm lối riêng

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, phát triển bền vững tại Hà Lan, anh Bùi Ngọc Cường (32 tuổi, quê Hải Phòng) - Giám đốc Công ty CP thực phẩm An Biên quyết định về nước để khởi nghiệp bằng việc phát triển sản phẩm gạo sạch từ ruộng rươi với thương hiệu Ngỗng.

“Mục đích của tôi là muốn đồng hành với người nông dân để tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, giúp bà con xây dựng thương hiệu nông sản và bán được sản phẩm chất lượng đúng giá trị, nâng cao giá trị chế biến, đa dạng sản phẩm và đến được tay đúng những khách hàng tin dùng” - anh Bùi Ngọc Cường chia sẻ.

1-763

Băng Nhi (bên phải, ở Bến Tre) giới thiệu trang sức từ gáo dừa cho khách

Nói về sự khác biệt trong giai đoạn hậu COVID-19, anh Cường cho biết, rất nhiều điều mới lạ mà mình phải linh hoạt để thích ứng. Đó là hành vi tiêu dùng, khách mua hàng online thành thạo hơn; họ quan tâm nhiều đến sản phẩm liên quan đến môi trường, sức khỏe; vấn đề kinh tế cũng được khách hàng quan tâm. Theo anh Cường, khó khăn do dịch tạo ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp (DN) nhỏ bứt phá, dẫn chứng là Sổ gạo - một cách bán hàng sáng tạo trong mùa dịch của ông chủ 9X. Theo đó, khách hàng sẽ mua và thanh toán trước cho combo 60kg - 100kg - 200kg, DN của Cường sẽ đặt hàng với nông dân. Như vậy nông dân sẽ yên tâm với đầu ra vì sản phẩm đã được khách hàng đặt mua trực tiếp, không còn lo câu chuyện “được mùa mất giá”.

 “Điều quan trọng nhất vẫn là niềm tin của khách hàng. Vì vậy, chúng tôi luôn minh bạch trong quá trình sản xuất theo kiểu “tai nghe không bằng mắt thấy”, bằng cách kết nối khách hàng với người sản xuất trong các tua “chuyến đi của Ngỗng”. Khách hàng trực tiếp đến các địa điểm làm nông sản sạch để trải nghiệm, nói chuyện và tìm hiểu thông tin” - Cường nói và cho biết, trong mùa dịch, Công ty CP thực phẩm An Biên tăng cường bán hàng online, đưa gạo trực tiếp đến tay khách hàng. Trước kia, công ty bán chỉ khoảng 100 tấn/năm thì trong mùa dịch, lượng gạo bán ra tới 1.500 tấn/năm. Dự kiến thời gian tới sẽ tăng lên 10.000 tấn/năm.

Chinh phục khách hàng bằng những sản phẩm trang sức “có một không hai” được làm từ gáo dừa bỏ đi, Nguyễn Băng Nhi (26 tuổi, quê Bến Tre), cô chủ nhỏ của thương hiệu Cocohand nuôi ước mơ sẽ chinh phục thị trường thế giới. Nhi tốt nghiệp chuyên ngành tạo dáng sản phẩm khoa Mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TPHCM. Khi ra trường, cô làm việc cho một vài nơi nhưng cuối cùng quyết định “bỏ phố về quê” và khởi nghiệp với gáo dừa. “Nhận thấy gáo dừa có tiềm năng tạo thành trang sức nên tôi tự mày mò vẽ, cắt, thêu từng đường chỉ vào gáo dừa để làm hoa tai, vòng tay, dây chuyền… rồi khoe với bạn bè trên Facebook, không ngờ nhận được nhiều phản hồi tích cực và có khách đặt mua. Vậy là mình sắm thêm dụng cụ làm nghề, nhận làm sản phẩm theo yêu cầu của khách và bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2019” - Nhi chia sẻ sự.

Tuy nhiên, khởi nghiệp ngay thời điểm bắt đầu có dịch bệnh COVID-19, Nhi gặp không ít khó khăn về tiếp cận khách hàng, nguồn vốn, giá nguyên phụ liệu cũng tăng… Trong thời gian đó, Nhi quyết định tạm dừng kinh doanh, dành thời gian lắng mình lại; đồng thời sáng tạo những mẫu trang sức mới, độc đáo và hợp với thị hiếu khách hàng trẻ. “Để tiết giảm chi phí, mình làm chủ kiêm thợ chính; tận dụng kênh thương mại điện tử để tư vấn và bán hàng cho khách. Dịch gây ra cho DN khởi nghiệp không ít khó khăn nhưng cũng là cơ hội để mình khảo sát thị trường, thị hiếu khách hàng để đưa sản phẩm tiến xa hơn” - Nhi cho hay.

Hiện, Băng Nhi còn cho ra đời dòng tranh gáo dừa được ốp lên mẹt tre kết hợp chữ thư pháp; hay bộ tranh xuân, hạ, thu, đông với hình dáng hoa sen, hoa lan, cây trúc... được nhiều khách hàng ưa chuộng.

 Tránh rủi ro

Tại hội thảo Khởi nghiệp nông nghiệp do Trung tâm BSA và Dự án Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit cho rằng, tư duy mới vẫn là cái quan trọng nhất để cho các bạn trẻ khởi nghiệp vững tin hơn trên con đường mình đi. “Sau dịch người ta càng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Đó chính là cơ hội lớn để các bạn trẻ ấp ủ ước mơ khởi nghiệp nông nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn cả trong và ngoài nước. Vấn đề quan trọng là làm sao tạo ra những sản phẩm đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng” - ông Viên nói.

Là người nhiều năm gắn bó, hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, ông Viên nhìn nhận, đa số các bạn trẻ ấp ủ dự án khởi nghiệp đều đang đi rất đúng hướng, thế nhưng không ít bạn “bỏ quên” hoặc ít quan tâm về bằng sáng chế (patent), về đăng ký sở hữu trí tuệ. “Các bạn cần phải biết rằng không phải chúng ta có công nghệ tốt, có sản phẩm tốt là xong. Các bạn có nghĩ là một ngày nào đó có người đến nói rằng các bạn đang vi phạm luật sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp của họ không? Đó chính là vấn đề đăng ký bằng sáng chế, bằng sở hữu trí tuệ mà tôi muốn nói đến” - ông Viên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết: “Tôi đã gặp nhiều trường hợp các bạn trẻ “trần mình” để ra được sản phẩm, nhưng vài ngày sau lại có người “cướp mất” công nghệ của mình bởi trước đó không đăng ký sở hữu trí tuệ. Nhiều bạn còn nhầm lẫn khi đăng ký sở hữu trí tuệ, đó là đăng ký nhãn hiệu hay đăng ký quyền sở hữu công nghiệp” - bà Mai nói và nhấn mạnh rằng, nếu các bạn trẻ không đăng ký sở hữu trí tuệ, sẽ bị mất.

UYÊN PHƯƠNG

Theo tienphong.vn