Mùa Black Friday thất vọng của giới kinh doanh và người tiêu dùng

Thứ tư, 29/11/2023, 15:22 PM

Black Friday là thời điểm "vàng" để nhiều người săn sale nhưng tình hình kinh tế cuối năm nay còn gặp nhiều khó khăn khiến cho người tiêu dùng rất dè dặt trong mua sắm

Đến thời điểm này, hầu hết các cửa hàng, trung tâm thương mại và cả "chợ mạng" đều đã kết thúc đợt khuyến mãi Black Friday. Theo ghi nhận, dịp này, các nhà kinh doanh đều kéo dài thời hạn ưu đãi lên tới cả tuần trước và sau ngày Thứ sáu đen (24-11) nhưng tình hình vẫn kém khả quan. Khách chỉ đi mua sắm đông hơn bình thường vào ngày 24-11, còn những ngày trước và sau đó gần như vắng bóng dù khắp nơi treo bảng giảm giá, ưu đãi tới 70%-80%.

Các trung tâm thương mại lớn ở như Vincom Đồng Khởi (quận 1), Takashimaya (quận 1), Vạn Hạnh Mall (quận 10), Giga Mall (TP Thủ Đức)..., lượng khách suy giảm đáng kể so với những năm trước và gần như không cảnh dòng người chen chúc, xếp hàng để "săn sale".

Chị Xuân Hường, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết dịp Black Friday năm nay, chị đã cùng với gia đình đến Vincom Đồng Khởi để săn sale nhưng đi hết các cửa hàng chỉ mua được cho chồng 2 chiếc áo sơ-mi giá 750.000 đồng (giá gốc 1,2 triệu đồng) vì không có nhiều hàng giảm giá như những năm trước. 

"Những sản phẩm treo bảng giảm giá 70%-80% hầu hết là hàng cũ, lỗi mốt, size quá nhỏ hoặc quá to. Phần khác, năm nay công việc không được tốt, nên tôi cũng không dám mua sắm nhiều. Chồng tôi thường xuyên mặc sơ-mi đi làm nên mới mua thêm, không thì từ từ cũng được"- chị Hường chia sẻ.

Mặt hàng giày dép và túi xách giảm giá đến 50% tại một trung tâm thương mại khá vắng khách

Mặt hàng giày dép và túi xách giảm giá đến 50% tại một trung tâm thương mại khá vắng khách

Là một người chuyên săn sale, chị Quỳnh Như (ngụ TP Thủ Đức) cũng phàn nàn đợt này, một số nhà kinh doanh không giảm thẳng vào giá sản phẩm mà chuyển sang tặng thêm phiếu giảm giá nếu tổng số tiền trên hóa đơn đạt mức mà cửa hàng đưa ra nên chị thấy không hài lòng. 

"Còn những sản phẩm giảm giá sâu lại rất khó lựa chọn, vì mẫu mã cũ, size ít người mặc. Việc giảm giá mạnh kiểu như vậy có thể là con dao 2 lưỡi, gặp những khách hàng khó tính sẽ không mua hàng nữa vì họ cảm giác đang bị lừa"- chị Như chia sẻ.

Hoạt động săn sale trên các sàn thương mại điện tử cũng chỉ cao hơn ngày thường chứ vẫn thấp so với mọi năm. Ông Minh Liên, chủ một shop kinh doanh thời trang online, cho biết doanh thu trong dịp Black Friday tăng gấp 3 lần so với ngày thường nhờ chính sách hỗ trợ giảm giá của các sàn thương mại điện tử nhưng lợi nhuận lại không như kỳ vọng. 

"Mặc dù doanh thu tăng gấp 3 lần nhưng so với các năm trước giảm khoảng 1/3, sau khi khấu trừ các chi phí như chiết khấu, quảng cáo... cho sàn thì lợi nhuận còn lại không nhiều. Nhìn chung, Black Friday năm nay cũng ở mức tạm được chứ không sôi động"- ông Liên nói.

Theo ông Danny Võ Thành Đăng, Founder Intercharm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, kinh doanh online không phải là yếu tố khiến Black Friday không còn cảnh chen lấn, xếp hàng để mua hàng như các năm trước mà nguyên nhân chính là xu hướng người dân tiết kiệm trong việc chi tiêu.

"Nhìn chung, nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay vẫn khá ảm đạm. Thị trường luôn có nhiều thông tin bất ngờ nên mọi người lo lắng, dẫn đến việc thắt lưng buộc bụng, vì vậy sức mua so với các năm trước sẽ giảm. Kinh doanh online cũng là một phần ảnh hưởng nhưng không lớn, thông thường Black Friday tập trung giảm giá mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, mà tâm lý người mua những mặt hàng này vẫn thích đến tận nơi để cảm nhận hơn "- ông Danny Võ Thành Đăng đánh giá.

Theo nld.com.vn