Hàng không giá rẻ tại Việt Nam: Không hề rẻ!

Thứ ba, 05/06/2018, 06:05 AM

Chi phí bay trung bình trên một kilomet của các hãng hàng không Việt Nam đắt khoảng 3-5 lần so với hãng rẻ nhất thế giới! Chi phí này đã đẩy các hãng bay Việt Nam ra khỏi top 50 các hãng có giá tốt nhất thế giới.

Các hãng con thuộc Tập đoàn AirAsia luôn có giá rẻ nhất trong khu vực và thế giới. (Ảnh: AirAsia).

Các hãng con thuộc Tập đoàn AirAsia luôn có giá rẻ nhất trong khu vực và thế giới. (Ảnh: AirAsia).

Trang Rome2Rio chuyên về đặt vé máy bay và lên hành trình du lịch nổi tiếng có trụ sở tại Melbourne, Australia đã công bố bản báo cáo về các hãng hàng không rẻ nhất thế giới. Trang này đã tổng hợp số liệu của hơn 1,5 triệu vé máy bay hạng phổ thông, trên các chặng quốc tế và nội địa, của 200 hãng hàng không trên thế giới trong tháng 1 và 2/2018 rồi đưa ra danh sách 10 hãng có chi phí trung bình tính theo mỗi kilomet bay thấp nhất.

Theo đó, hãng Tigerair Australia có chi phí thấp nhất (6 cent Mỹ), kế đến AirAsia X của Malaysia (7 cent), AirAsia Indonesia (8 cent), Jetstar Airways của Australia (9 cent).

Các hãng Etihad (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất), Citilink Indonesia, Wow Air (Iceland), Oman Air, Lion Mentari Airlines (Indonesia) và Ryanair đồng hạng với chi phí: 10 cent.

Các hãng châu Á và Trung Đông có giá tốt

Đây là năm thứ ba Rome2Rio thực hiện cuộc khảo sát này. Giám đốc điều hành của Rome2Rio Kirsteene Phelan nói chi phí trung bình của 200 hãng hàng không mà trang này khảo sát đã tăng từ 17,75 cent trong năm 2016 lên 18,8 cent trong năm 2018.

“Các hãng hàng không giá rẻ ra đời tạo điều kiện cho mọi người du lịch nhiều hơn. Tuy nhiên, giá vé của các hãng có chiều hướng tăng cao trong 2 năm qua đã buộc khách hàng phải sử dụng các công cụ tìm kiếm để tìm vé rẻ” - ông Phelan nói trong một thông cáo báo chí.

Ông Phelan cũng nói rằng các hãng hàng không châu Á và Trung Đông, đặc biệt là các hãng thuộc Tập đoàn AirAsia của Malaysia và IndiGo Airlines của Ấn Độ, có sự bứt phá khi duy trì giá rẻ mà không cắt giảm chất lượng dịch vụ.

Giá vé hàng không của Việt Nam không hề rẻ!

Báo Người Tiêu Dùng đã hệ thống lại khảo sát của Rome2Rio về chi phí của 3 hãng hàng không Việt Nam và so sánh với các hãng của thế giới. Kết quả như sau:

Chi phí trung bình tính theo kilomet bay của các hãng hàng không Việt Nam đắt hơn chi phí của hãng rẻ nhất là 2,5 đến 5 lần! Với chi phí này, ba hãng Việt Nam đã không lọt vào danh sách top 50 của cuộc khảo sát.

Tính chung theo bảng xếp hạng các quốc gia, Việt Nam đứng thứ 15/46 nước và vùng lãnh thổ được Rome2Rio khảo sát.

Một điều khá ngạc nhiên là hãng hàng không Thai VietJet Air - một hãng con của VietJet đăng ký tại Thái Lan - lại lọt vào danh sách top 50 hãng rẻ nhất: Chi phí trung bình tính trên cả tuyến nội địa và quốc tế là 11 cent. Với chi phí này, Thai VietJet đứng đầu và bằng hạng với hãng Thai Lion Mentari, và xếp trên các hãng Thai AirAsia, Nok Air, Thai Smile, Thai Airsia, Bangkok Airways và Thai Airways International.

Thai VietJet hiện khai thác nội địa từ giữa thủ đô Bangkok và và các điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan như Phuket, Chiang Mai, Chiang Rai và Krabi. Tuyến quốc tế duy nhất của hãng này là Bangkok - Đà Lạt khai trương vào tháng 11/2017.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn 4 sao, nhưng giá vé của hãng cao so với các hãng trong khu vực. (Ảnh: Skytrax).

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn 4 sao, nhưng giá vé của hãng cao so với các hãng trong khu vực. (Ảnh: Skytrax).

Thuế xăng dầu đã đẩy chi phí hoạt động hàng không tại Việt Nam tăng cao

Với những phát hiện mới, chúng tôi đã trao đổi với một chuyên gia hàng không làm việc tại TP.HCM.

Vị chuyên gia này cho biết, giá vé máy bay được hình thành từ các nhóm chính:

- 25-30% cho nhiên liệu.

- 25-30% cho tiện ích mặt đất và trên máy bay của hãng hàng không (khăn, chăn mền gối, giải trí, cân hành lý và dịch vụ mặt đất liên quan). Đối với các hãng giá rẻ, các tiện ích ăn uống, giải trí và các thứ linh tinh khác, hành khách phải trả riêng.

- 10% cho lương (gồm phi công, tiếp viên và nhân viên của hãng).

- Phần còn lại là chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, quảng cáo và tiếp thị, dịch vụ khí tượng, phí đậu máy bay…

Để bảo đảm lợi nhuận, các hãng hàng không sẽ tính toán cắt giảm càng nhiều càng tốt các nhóm chi phí trên. “Gay go nhất là mảng nhiên liệu. Thuế xăng dầu tại Việt Nam khá cao, đẩy tỷ lệ giá nhiên liệu lên đến con số 40%. Điều này có thể lý giải tại sao giá vé máy bay của Việt Nam đắt so với các nước khác trong khu vực và thế giới” - vị chuyên gia giải thích.

Ông cũng cho rằng, giá vé máy bay sẽ tùy thuộc vào chính sách giá của hãng hàng không vào thời điểm đặt vé hoặc yếu tố tuyến bay đông khách hay không. Ngoài ra, các yếu tố như sức chở của loại máy bay sử dụng, thời tiết xấu làm ảnh hưởng lịch bay và lượng nhiên liệu tiêu thụ và phí đậu sân bay…

Về trường hợp của Thai VietJet, vị chuyên gia nói: “Có lẽ cơ sở hạ tầng tốt và chi phí hoạt động rẻ đã giúp hãng này dẫn đầu ở Thái Lan”.

Tuy nhiên, chi phí tính theo kilomet không hoàn toàn chứng minh được giá vé máy bay trong thực tế sẽ theo thứ tự xếp hạng trong bảng. “Có những thời điểm, giá vé của hãng truyền thống Vietnam Airlines sẽ ngang bằng với giá của hai hãng giá rẻ Jetstar Pacific và VietJet. Nhưng nếu tính đến các tiện ích ăn uống, giải trí trên máy bay và phí hành lý ký gửi, giá của hãng truyền thống lại rẻ hơn hãng giá rẻ” -vị chuyên gia phân tích.

Ricky Hồ

Theo NTD

largeer