Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Nguy cơ ngộ độc từ trào lưu ăn mực trứng cuốn rau muống sống

Thứ bảy, 10/05/2025 10:33 (GMT+7)

Rau muống sống và mực trứng hấp đang gây “sốt” trên mạng. Các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, tồn dư hóa chất và ngộ độc thực phẩm rất cao nếu món ăn này không được chế biến đúng cách.

Gần đây, mạng xã hội TikTok lan truyền mạnh mẽ trào lưu ăn mực trứng hấp cuốn bánh tráng với rau muống sống, thu hút hàng triệu lượt xem và thử nghiệm từ cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ. Món ăn này được quảng bá là "ngon lạ miệng", "giòn sần sật", "béo bùi trứng mực", và thường được thưởng thức ngay tại các vùng biển như đảo Bình Hưng (Khánh Hòa), nơi hải sản tươi sống là đặc sản.

Một trong những video khởi đầu cho cơn sốt này là clip trải nghiệm của một TikToker có nhiều lượng theo dõi, ghi lại quá trình thưởng thức mực trứng hấp ăn kèm rau muống sống và nước chấm mắm ớt, thu hút gần 2 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày đăng tải.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, trào lưu ẩm thực này đã vấp phải làn sóng cảnh báo sức khỏe từ cộng đồng mạng và các chuyên gia y tế. Mới đây, một người có ảnh hưởng trên TikTok đăng tải video kể lại việc bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn món mực trứng cuốn rau muống sống, với triệu chứng đau bụng dữ dội và mất ngủ cả đêm. Người này cho rằng nguyên nhân có thể do hệ tiêu hóa yếu kết hợp việc ăn rau muống sống không đảm bảo vệ sinh.

Một người TikToker bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn món mực trứng cuốn rau muống sống. Ảnh chụp màn hình

Theo Đại tá, bác sĩ Đinh Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 354 (Bộ Quốc phòng), rau muống là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều chất xơ, canxi, vitamin A và C. Loại rau này rất có lợi cho người bị loãng xương, huyết áp thấp, thiếu máu, phụ nữ mang thai. Trong Đông y, rau muống có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và hỗ trợ tiêu hóa..

Tuy nhiên, bác sĩ Bình cảnh báo, việc tiêu thụ rau muống sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, nhất là khi nguồn rau không được xử lý sạch sẽ hoặc có nguồn gốc không rõ ràng.

“Rau muống rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng Fasciolopsis buski (sán lá ruột lớn), nhất là khi được trồng tại ao hồ ô nhiễm. Nếu ăn sống hoặc nấu chưa chín kỹ, người dùng có thể mắc các bệnh đường ruột như tiêu chảy kéo dài, dị ứng, đau bụng”, bác sĩ Bình nhấn mạnh.

Ngoài rau sống, bác sĩ Bình cũng lưu ý đến nguy cơ ngộ độc từ mực trứng - nguyên liệu phổ biến trong nhiều món ăn đang “gây sốt” trên mạng xã hội. Nếu mực đông lạnh không được bảo quản đúng cách hoặc để lâu trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vi khuẩn có thể phát triển nhanh, gây ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, với các món hải sản chỉ hấp sơ hoặc ăn kèm rau sống theo trào lưu hiện nay, những người có hệ tiêu hóa yếu rất dễ gặp tình trạng đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa sau khi ăn.

Bác sĩ chuyên khoa II Ninh Thị Thảo, phụ trách chuyên môn Phòng khám Đa khoa Minh Ngọc, cho biết: “Khi xuất hiện tình trạng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần sau khi ăn, người bệnh cần chủ động sử dụng thuốc cầm tiêu chảy theo đúng hướng dẫn và bù nước đầy đủ để tránh mất nước, rối loạn điện giải”.

Tuy nhiên, nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 1-2 ngày hoặc xuất hiện thêm các dấu hiệu nghiêm trọng như sốt cao, tiêu chảy kéo dài, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Không nên tự ý điều trị tại nhà khi cơ thể có biểu hiện bất thường, bác sĩ Thảo nhấn mạnh.

Một thực tế đáng lưu ý, theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), rau muống hiện không còn là loại rau mùa vụ mà đã được canh tác quanh năm, chủ yếu nhờ thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật.

Rau muống cũng thuộc nhóm rau ăn lá có nguy cơ tồn dư hóa chất cao nhất. Việc tiêu thụ rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép có thể dẫn đến ngộ độc mãn tính, suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí tổn thương hệ thần kinh nếu ăn trong thời gian dài.

Để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ Thảo khuyến cáo người tiêu dùng: Hạn chế ăn rau muống sống, đặc biệt trong mùa trái vụ hoặc không rõ nguồn gốc. Khi sử dụng, cần rửa sạch từng ngọn, ngâm nước muối loãng hoặc dung dịch rửa rau chuyên dụng, và nấu chín kỹ. Ưu tiên lựa chọn rau có chứng nhận an toàn thực phẩm, xuất xứ rõ ràng.

Khi bảo quản rau, nên rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào túi kín để trong ngăn mát tủ lạnh, giúp giảm bớt lượng hóa chất tồn dư. Người có cơ địa dị ứng, hệ tiêu hóa yếu, trẻ em, người già, người đang điều trị bệnh nên tránh ăn rau sống hoàn toàn.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trước khi thử bất kỳ món ăn nào đang “hot” trên mạng xã hội, đặc biệt là những món liên quan đến hải sản tươi sống hoặc rau sống, người dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn nguyên liệu và phương pháp chế biến. Lắng nghe ý kiến từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, đặc biệt nếu có tiền sử bệnh lý tiêu hóa. Đặc biệt, không chạy theo trào lưu một cách mù quáng, bởi hậu quả về sức khỏe đôi khi phải trả giá rất đắt.

Công Thành
Nguồn: sohuutritue.net.vn