Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Dùng bình giữ nhiệt sai cách: Nguy cơ ngộ độc kim loại nặng

Thứ bảy, 12/04/2025 15:05 (GMT+7)

Bình giữ nhiệt là vật dụng quen thuộc trong đời sống hiện đại, đặc biệt với giới văn phòng, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, không phải loại thức uống nào cũng phù hợp để đựng trong bình này. Nếu dùng sai cách, không chỉ làm hỏng bình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bình giữ nhiệt: không phải ai cũng dùng đúng cách

Chị Nguyễn Thu Hằng (32 tuổi, nhân viên văn phòng) thường pha trà nóng cho vào bình giữ nhiệt để uống cả ngày. Nhưng chỉ sau vài tuần, chị phát hiện trà có mùi lạ, bình xuất hiện vết ố khó vệ sinh. “Tôi tưởng đựng trà thì vô tư, ai ngờ để lâu lại bị biến chất, còn bám cặn. Giờ tôi chỉ pha ít, uống hết trong vài tiếng”, chị chia sẻ.

Sử dụng bình giữ nhiệt sai cách có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Ảnh minh họa

Tình huống tương tự xảy ra với anh Phạm Văn Hùng (40 tuổi), tài xế công nghệ. Vì muốn giữ sữa nóng lâu, anh đổ vào bình giữ nhiệt nhưng chỉ sau vài tiếng đã có mùi chua. “Tôi còn bị đau bụng, sau mới biết sữa để lâu trong bình sẽ lên men, tạo mảng bám khó rửa”, anh nói.

Một trường hợp khác là chị Mai Lan (29 tuổi, Hà Nội), thường xuyên đựng thuốc bắc trong bình giữ nhiệt cho con uống. Sau khi tìm hiểu, chị mới biết việc này có thể làm giảm dược tính vì phản ứng giữa kim loại và thảo dược. Hiện chị đã chuyển sang dùng bình thủy tinh.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá bình giữ nhiệt trên thị trường hiện nay dao động từ 69.000 đồng đến 600.000 đồng, tùy theo thương hiệu, chất liệu và dung tích.

Theo anh Trần Minh Tuấn, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh bình giữ nhiệt tại Hà Nội, sai lầm phổ biến là nhiều người cho rằng bình giữ nhiệt có thể đựng mọi loại đồ uống. “Thực tế, những loại có tính axit như nước cam, chanh hay có men như sữa, bia, rượu đều không nên dùng vì dễ gây biến chất, ăn mòn bình và nguy hại sức khỏe”, anh nói.

Anh Tuấn khuyên người tiêu dùng nên chọn bình làm từ inox 304 hoặc 201, có thương hiệu uy tín, được kiểm định chất lượng. Khi chọn mua, cần kiểm tra độ kín nắp, độ dày thành bình và tiếng vang khi gõ đáy - một cách nhận biết inox thật, giả đơn giản. “Giá bình giữ nhiệt trên thị trường hiện nay dao động từ 69.000 đồng đến 600.000 đồng, tùy theo thương hiệu, chất liệu và dung tích”, anh Tuấn cho biết thêm.

Chuyên gia cảnh báo

Theo Đại tá, bác sĩ Đinh Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện 354), bình giữ nhiệt nếu dùng sai cách có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe, từ rối loạn tiêu hóa đến nguy cơ nhiễm kim loại nặng.

“Sữa, súp hay nước trái cây nếu để lâu trong bình dễ sinh vi khuẩn, gây rối loạn tiêu hóa. Còn nước cam, chanh có thể phản ứng với lớp inox, tạo hợp chất chì, cadimi - những chất có thể tích tụ lâu dài và gây ung thư”, bác sĩ Bình cảnh báo.

Đặc biệt, theo ông, các loại bình không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi có thể chứa amiăng, formaldehyde hoặc kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép, gây hại đến gan, thận, thần kinh và hệ tạo máu nếu tích tụ lâu dài. Một số loại nước như rượu, bia, cà phê thậm chí còn ăn mòn lớp lót thép không gỉ, vừa hỏng bình, vừa làm thôi nhiễm chất độc vào đồ uống.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi chọn mua bình giữ nhiệt, người tiêu dùng không nên chỉ dựa vào giá cả mà cần xem xét chất liệu, thương hiệu, tiêu chuẩn an toàn và đánh giá từ người dùng để đảm bảo sức khỏe và an toàn trong quá trình sử dụng. Ảnh minh họa

Trà và cà phê - hai loại đồ uống phổ biến - cũng không thích hợp để đựng lâu trong bình giữ nhiệt. “Tanin trong trà, cà phê có thể phản ứng với inox, làm biến đổi hương vị, tạo mùi khó chịu. Người dùng nên ưu tiên chai thủy tinh trung tính để đảm bảo an toàn”, bác sĩ Bình khuyến cáo.

Hiện nay, các sản phẩm bình giữ nhiệt tiếp xúc thực phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế BS EN 12546-1:2000 và quy chuẩn Việt Nam QCVN 12-3:2011/BYT về an toàn kim loại tiếp xúc thực phẩm. Người tiêu dùng cần ưu tiên sản phẩm rõ nguồn gốc, tránh hàng giá rẻ kém chất lượng.

Bác sĩ Bình khuyến nghị: “Chỉ nên đựng nước lọc, trà nhẹ và không để quá lâu. Nước nóng nên để nguội xuống 70-80°C trước khi rót vào bình để tránh áp suất tăng cao. Bình cần được vệ sinh thường xuyên bằng nước ấm và baking soda để ngăn bám cặn và mùi khó chịu. Những thức uống đặc biệt như sữa, thuốc bắc, nước trái cây nên dùng hộp giữ nhiệt chuyên dụng hoặc bình sứ để đảm bảo an toàn”.

Mới đây, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) đã ra thông báo thu hồi khẩn cấp sản phẩm ly cà phê hai lớp Anko do nguy cơ gây bỏng nghiêm trọng cho người dùng, sản phẩm nằm trong diện thu hồi được bán ra từ ngày 18/12/2024 đến ngày 7/4/2025. Theo đó, thiết kế nắp của sản phẩm không có van xả áp suất, có thể gây ra hiện tượng bật nắp đột ngột khi chứa chất lỏng nóng, dẫn đến nguy cơ dội chất lỏng nóng hoặc hơi nước vào người dùng.
Đại diện Kmart - đơn vị phân phối sản phẩm, khuyến cáo khách hàng ngừng sử dụng ngay lập tức và mang sản phẩm đến cửa hàng gần nhất để được hoàn tiền đầy đủ. Đây là bài học cho người tiêu dùng khi lựa chọn bình giữ nhiệt: không chỉ cần chú ý đến chất lượng giữ nhiệt mà còn phải đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Công Thành
Nguồn: sohuutritue.net.vn