Cảnh báo vào “mùa” ngộ độc nấm
Mùa hè kèm theo mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho các loài nấm phát triển và đây cũng là “mùa” của các vụ ngộ độc nấm. Dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng ngay trong tháng 6-2023, liên tiếp các vụ ngộ độc nấm đã xảy ra trên địa bàn cả nước.
Các bác sĩ lưu ý, không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Do đó, người dân chỉ nên sử dụng các loại nấm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tử vong do ăn nấm... lạ
Tối 20-6 vừa qua, nam bệnh nhân 37 tuổi (ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) được cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn) trong tình trạng đau bụng quanh rốn, nôn, tiêu chảy. Theo lời người bệnh kể, trưa cùng ngày, anh có ăn cơm cùng với một loại nấm màu đỏ, mua ngoài chợ. Khoảng 4 giờ sau khi ăn, anh cảm thấy đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần, mệt mỏi.
Tại bệnh viện, các xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy, có dấu hiệu tổn thương tế bào gan, rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, suy thận cấp. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc nấm và được điều trị truyền dịch tích cực, than hoạt đa liều, bù điện giải.
Qua hình ảnh nam bệnh nhân cung cấp, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng, người bệnh ăn phải nấm xốp Russula có độc. Loại nấm này có hình dáng gần giống với nấm Chẹo đỏ - một loại nấm có thể ăn được, vì vậy, người dân rất dễ nhầm lẫn. Đây cũng là ca bệnh thứ 2 bị ngộ độc nấm mua ở ngoài chợ mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận thời gian qua.
Cũng trong ngày 20-6, một gia đình ở Lai Châu gồm 21 người đã ăn trưa ở lán làm nương rẫy. Bữa trưa gồm có: Măng hầm xương lợn, canh nấm, tai lợn, đậu phụ, bí đỏ, thịt lợn xào súp lơ và rượu. Trong đó, món canh được nấu từ nấm mọc trong vườn. Do thấy nấm lạ, 7 người không ăn và không có triệu chứng ngộ độc.
14 người còn lại bị ngộ độc với các biểu hiện như: Đau đầu, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và được người nhà, cán bộ y tế địa phương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.
Trước đó, chỉ trong 4 ngày đầu tháng 6-2023, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng ghi nhận 3 vụ ngộ độc nấm lạ khiến 12 người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 2 người tử vong.
Điển hình là một gia đình 3 người, sau khi đi hái nấm đã về xào với mướp ăn. Người chồng ăn khoảng nửa phần nấm, người vợ và con gái ăn phần còn lại. Sau khi ăn xong từ 8-12 giờ, cả 3 người đều có dấu hiệu nôn ói, tiêu lỏng ngày càng nặng hơn nên được cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh). Với tình trạng ngộ độc rất nặng nên trong quá trình chuyển viện, người chồng đã tử vong. Còn người vợ bị rối loạn chức năng gan, diễn tiến xấu nên cũng không qua khỏi.
Thời gian qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận không ít ca ngộ độc nấm. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cảnh báo, những vụ ngộ độc nấm điển hình là ngộ độc nấm chứa độc tố amatoxin. Tại Việt Nam có thể gặp các loài như nấm độc tán trắng (Amanita verna), nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa). Trong số các loài nấm độc thì đây là các loại độc nhất nhưng lại có hình thức trắng đẹp, trông rất lành tính nên dễ gây nhầm lẫn với loại nấm không có độc. Độc tố của những loài nấm độc này thường gây chết người do phá hủy tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan. Thậm chí, trường hợp nặng còn có thể gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Tuyệt đối không ăn nấm hoang dại
Hiện trên thế giới ghi nhận hơn 5.000 loài nấm, trong đó có khoảng 100 loài nấm độc có hình dạng khó phân biệt với loài không độc. Các dấu hiệu ngộ độc nấm xuất hiện muộn sau khi ăn 6-40 giờ, thường là 12-18 giờ. Bệnh nhân khi bị ngộ độc nấm thường có biểu hiện: Buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, nước tiểu ít hoặc không có nước tiểu. Trường hợp nặng thì viêm gan, mệt mỏi, hôn mê sâu, xuất huyết nhiều nơi, suy đa tạng và tử vong.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, loại nấm gây ngộ độc thường thuộc nhóm nấm mọc hoang dại. Điều đáng nói là các loại nấm mọc hoang dại rất khó để có thể phân biệt độc tố bằng mắt thường. Vì vậy, người dân tuyệt đối không ăn những loại nấm lạ, nấm mọc hoang dại, không rõ nguồn gốc. Thậm chí, các loại nấm bình thường, không có độc tố nhưng khi mọc tại những khu vực có độc tố cũng có thể nhiễm độc và gây hại.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết thêm, người dân vẫn nghĩ nấm độc thường có màu sặc sỡ nhưng thực tế, có những loài nấm thường gây chết người ở các tỉnh phía Bắc nước ta là loài nấm có màu trắng tinh khiết (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón). Bên cạnh đó, có người cho rằng, nấm có sâu bọ, côn trùng ăn là không độc. Tuy nhiên, thực tế độc tố nấm không tác dụng đối với côn trùng, sâu bọ, kiến, ốc sên… Do đó, người dân chỉ nên sử dụng những loại nấm được nuôi trồng, biết rõ nguồn gốc, chủng loại và được kiểm định của cơ quan chức năng bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Còn theo các chuyên gia chống độc, trong trường hợp không may bị ngộ độc nấm, nếu chưa nôn và vẫn còn tỉnh táo thì có thể uống nước và tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Ngoài ra, nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng từ 40-50 gam). Trường hợp không may ăn phải nấm nghi độc, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
THU TRANG
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội