Cần quy định điều kiện kinh doanh xe ôm công nghệ
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng cần sớm quản lý loại hình này...
Trước thực trạng loại hình “xe ôm công nghệ” như GrabBike, Go-Bike bùng phát với số lượng lớn, trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng cần sớm quản lý loại hình này để đảm bảo ATGT và bình đẳng trong kinh doanh vận tải.
Cần xem xe ôm công nghệ là một loại hình kinh doanh vận tải
Với vai trò Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, ông đánh giá thế nào về hoạt động của loại hình “xe ôm công nghệ” trong thời gian vừa qua?
Xe ôm công nghệ đang bộc lộ nhiều bất cập trong công tác đảm bảo ATGT. Tình trạng người lái xe vừa đi vừa nghe điện thoại, dán mắt vào điện thoại dò đường uy hiếp đến ATGT, nguy cơ lớn xảy ra TNGT cho bản thân lái xe, hành khách và người tham gia giao thông.
Từ khi xuất hiện xe ứng dụng công nghệ cũng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường vận tải. Hoạt động của loại hình này đang hút khách của xe buýt, cạnh tranh rất lớn đến sản lượng vận tải khách công cộng vì nó không đơn thuần chỉ một số người mưu sinh như xe ôm truyền thống mà đã hình thành một loại hình dịch vụ, một ngành nghề kinh doanh số lượng lớn.
Từ thực trạng trên, tôi cho rằng cần có giải pháp để quản lý, nhất là đối với hành vi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cần xem xét đây là một loại hình kinh doanh vận tải và quản lý như những loại hình vận tải hành khách khác để đảm bảo minh bạch, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, có phải do chúng ta thiếu cơ chế quản lý đối với loại hình này?
Hiện, chúng ta đã có quy định nhưng còn khá đơn giản, Thông tư 08/2007 của Bộ GTVT đang giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, có địa phương quản lý, có địa phương không.
Thông tư 08 chỉ phù hợp với địa phương có quy mô nhỏ, số lượng xe ôm ít, phân tán. Hiện nay, tại các thành phố lớn, xe ôm công nghệ đã thực sự trở thành một lực lượng vận tải với con số hàng trăm nghìn xe và chiếm lĩnh thị phần vận tải nhất định.
Như ông vừa nói, loại hình này đang hút khách của vận tải công cộng, liệu có phải do vận tải công cộng còn yếu kém, không thu hút được người dân, khiến phương tiện cá nhân bùng nổ?
Phải thừa nhận, vận tải khách công cộng dù đã có bước chuyển biến nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu. Hiện, chỉ có loại hình xe buýt và chạy chung làn với các loại phương tiện khác khiến người dân đi lại mất nhiều thời gian.
Điều này khiến xe ôm công nghệ lấy mất khách của xe buýt ở cự ly ngắn và tuyến đường có mật độ ùn tắc giao thông lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng ở chiều ngược lại xe ôm công nghệ lại hỗ trợ cung cấp khách cho vận tải công cộng, đối với những chuyến đi dài thì người dân chỉ dùng xe ôm để ra bến xe buýt và từ bến xe về nhà. Vì vậy, cần có nghiên cứu đánh giá tác động của xe ôm công nghệ đến vận tải khách công cộng tiêu cực hay tích cực nhiều hơn.
Xây dựng đề án thí điểm để quản lý
Vậy, sắp tới chúng ta cần làm gì để quản lý tốt loại hình này, thưa ông?
Theo tôi vẫn nên giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh tự quy định. Đây là cách tiếp cận khá linh hoạt. Tuy nhiên, vấn đề là cần quy định những gì, vì Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ quy định được về tổ chức giao thông, không quy định được điều kiện liên quan đến phương tiện, các điều kiện quản lý kinh doanh.
Bộ GTVT nên phối hợp với các địa phương có số lượng lớn xe ôm công nghệ hoạt động, nghiên cứu trình Thủ tướng ban hành một Nghị quyết hay Nghị định của Chính phủ để làm cơ sở pháp luật quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình dịch vụ này.
Trong chừng mực nào đó, chúng ta có thể nghiên cứu một mô hình quản lý thí điểm. Bộ GTVT nên phối hợp với một vài địa phương xây dựng đề án thí điểm, giám sát trực tiếp vào những quy định hiện hành về ATGT. Trong đó, bổ sung thêm một số quy định liên quan đến an toàn phương tiện, tổ chức giao thông, tổ chức vận tải để đưa ra quy định.
Kết quả thí điểm sẽ là căn cứ để chúng ta đưa vào quá trình sửa đổi Luật GTĐB 2008. Từ thí điểm để có thực tiễn đưa vào các quy định pháp luật, không nên ứng xử quá vội vàng, quá tiêu cực đối với loại hình này, vì một mặt nó cũng được nhiều người ưa chuộng do chi phí rẻ, tính linh hoạt cao. Cần xem xét một cách hài hòa để có quy định pháp luật trên cơ sở chúng ta đã thí điểm từ thực tiễn.
Điều này cũng giống như vừa qua chúng ta đã thí điểm quản lý đối với kết nối hợp đồng điện tử như Uber, Grab. Sau 2 năm thí điểm, chúng ta đã thấy rõ bản chất của loại hình dịch vụ này và những ưu, nhược điểm, hạn chế, những yêu cầu cần thiết phải quản lý để đưa vào Nghị định. Tuy nhiên, việc xuất hiện các nền tảng kết nối vận tải cả ô tô và xe máy, hàng hóa và hành khách, thậm chí sau này sử dụng dịch vụ này cho các loại hình vận tải khác như hàng không, đường thủy… cho nên phải xem xét đưa những quy định này vào trong các luật liên quan.
Như ông vừa nói, đây là loại hình kinh doanh vận tải và cần phải có điều kiện kinh doanh. Vậy, theo ông các điều kiện cụ thể là gì?
Đầu tiên phải quản chặt về điều kiện an toàn kỹ thuật, ATGT, đối tượng này tuyệt đối không được vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển phương tiện như hiện nay. Người tham gia kinh doanh vận tải loại hình này không chỉ cá nhân họ nữa mà đây là kinh doanh thu tiền thì phải thực hiện nghiêm.
Thứ hai là về an toàn phương tiện, dù chưa có quy định về kiểm định đối với loại phương tiện này, nhưng chúng ta có thể kiểm soát khắt khe hơn về an toàn kỹ thuật xe. Người lái xe phục vụ hành khách cũng cần có kỹ năng tốt hơn về ATGT đối với hành khách và họ phải được tập huấn về giao tiếp, kỹ năng phòng tránh rủi ro, kể cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho lái xe. Vấn đề nữa là bảo hiểm, nhất là bảo hiểm trách nhiệm dân sự liên quan đến người thứ ba là hành khách.
Tôi cho rằng, chúng ta định nghĩa loại hình này là kinh doanh vận tải thì phải thực hiện các quy định pháp luật về thuế. Cần quy định ở quy mô nào thì đơn vị kết nối phải có trách nhiệm đóng thuế như thế. Đây là hai việc có thể làm được ngay. Nếu người lái xe ôm chỉ kiếm tiền cho chính bản thân họ là bình thường, nhưng nếu ai đó sử dụng nguồn lao động, phương tiện của xã hội để kinh doanh vận tải, doanh nghiệp sở hữu nền tảng kết nối, kiếm lời từ thị trường vận tải và chiếm phần lớn thị phần phải có trách nhiệm đóng thuế như những đơn vị kinh doanh vận tải khác.
Cảm ơn ông!
"Sau thời gian thí điểm đề án quản lý xe ôm công nghệ, chúng ta có thể giám sát tốt loại hình này và sẽ có quy định chặt chẽ hơn, thậm chí kể cả những điều kiện kinh doanh cần thiết đối với đơn vị cung cấp phần mềm. Khi chúng ta quy định doanh nghiệp kinh doanh nền tảng kết nối chính là kinh doanh vận tải sẽ quy định các điều kiện tương ứng."
Phó chủ tịch chuyên trách, Ủy ban ATGT Quốc gia, Khuất Việt Hùng
Trần Duy (Thực hiện)
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội