'Bước ngoặt với chính sách thương mại của EU sau xung đột ở Ukraine
Các chuyên gia cảnh báo rằng toàn cầu đang hướng tới việc hình thành các khối địa kinh tế và chủ nghĩa đa phương đang thoái trào. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy ở WTO, nới cơ chế giải quyết tranh chấp không hoạt động trong nhiều năm.
Xung đột Nga - Ukraine đã khiến EU đẩy mạnh việc điều chỉnh chính sách thương mại của mình. Ảnh: EPA
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc xung đột ở Ukraine, EU đang đánh giá lại chính sách thương mại của mình, một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu mới đây cho biết.
Động lực thúc đẩy của EU đối với quyền tự chủ kinh tế chiến lược gần đây đã được tăng cường do xung đột trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga. Theo một quan chức EU, mô hình kinh tế của châu Âu lâu nay phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga và hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc cần phải thay đổi.
“Mô hình kinh tế của chúng tôi phải thay đổi và chính sách thương mại có thể góp phần vào việc này bằng cách cho phép đa dạng hóa. Đã có một động lực mới trong chính sách thương mại dựa trên sự thay đổi mang tính thời đại", vị quan chức EU nói.
Một ví dụ của cách tiếp cận mới này là nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ. Sau hơn 8 năm đình trệ, các cuộc đàm phán đã được nối lại vào giữa tháng 6 vừa qua.
Theo quan chức trên, mặc dù EU đã không tìm cách đạt được một thỏa thuận như vậy vài năm trước do lo ngại liệu nó có dẫn đến việc mở cửa thị trường như dự kiến hay không, nhưng điều này đã thay đổi do cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Quan chức này nhấn mạnh: “Động lực địa chính trị cho thỏa thuận này mạnh mẽ đến mức chúng tôi cho rằng EU cần Ấn Độ làm đối tác”.
Khi ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu sử dụng chính sách thương mại như một vũ khí chính trị, chiến lược thương mại của EU vạch ra rằng khối sẽ có lập trường quyết đoán hơn trong việc bảo vệ các lợi ích và giá trị của mình.
Chủ tịch Ủy ban thương mại của Nghị viện châu Âu Bernd Lange cho rằng EU cần nhiều công cụ phòng vệ hơn để bảo vệ lợi ích thương mại của mình trong một môi trường mà các quy tắc thương mại đa phương không được tôn trọng.
Hồi tháng 12/2021, Ủy ban châu Âu đã đề xuất một công cụ chống cưỡng chế cho phép thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với một đối tác thương mại trong trường hợp đối tác đó tìm cách ép buộc EU hoặc một quốc gia thành viên như đã xảy ra trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Litva.
Nhưng gần đây, Ủy ban châu Âu cũng đang tăng cường trên mặt trận giá trị. Vào giữa tháng 6/2022, Ủy ban châu Âu đã cải tiến cách tiếp cận đối với thương mại và các biện pháp phát triển bền vững trong chính sách thương mại của mình. Cách tiếp cận mới bao gồm các cơ chế thực thi và xử phạt cứng rắn hơn liên quan đến chương phát triển bền vững của các hiệp định thương mại tự do.
Cách tiếp cận mới hướng tới thương mại và tính bền vững đã được đưa vào thỏa thuận thương mại EU-New Zealand được ký kết vào tuần trước.
“Nếu một trong hai bên không đáp ứng các nghĩa vụ của mình, chúng có thể được thực thi thông qua các biện pháp trừng phạt", Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis lưu ý.
Theo quan chức cấp cao trên, EU-New Zealand sẽ là “tiêu chuẩn vàng” cho các hiệp định thương mại trong tương lai.
Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo rằng toàn cầu đang hướng tới việc hình thành các khối địa kinh tế và chủ nghĩa đa phương đang thoái trào. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy ở WTO, nơi cơ chế giải quyết tranh chấp đã không hoạt động trong nhiều năm.
Bất kỳ thành viên nào của WTO đều được phép khởi kiện bên khác vì vi phạm nghĩa vụ của mình. Sau khi một hội đồng chuyên gia đưa ra phán quyết về các khiếu nại, bên thua kiện có thể đưa vấn đề lên cơ quan phúc thẩm của WTO. Tuy nhiên, Mỹ đang ngăn chặn việc đề cử các thẩm phán vào cơ quan phúc thẩm, do đó khiến toàn bộ quá trình trở nên vô ích.
Để bảo vệ trụ cột thiết yếu này của cơ chế thương mại WTO, EU đã thành lập một cơ quan phúc thẩm tạm thời với 16 thành viên WTO để duy trì chế độ giải quyết xung đột hoạt động, bất chấp sự phản đối của Mỹ.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo EURACTIV.com)
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội