Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bị phạt vì bố làm chủ tịch, con là giám đốc: TNG làm ăn sao?

Thứ ba, 07/01/2025 09:20 (GMT+7)

TNG là một trong những doanh nghiệp đầu ngành dệt may với doanh thu đều đặn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và châu Âu. Hiện tại, doanh nghiệp này sản xuất và cung cấp sản phẩm cho Decathlon khắp thế giới.

Mới đây, chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG).

Quyết định nêu rõ, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG đã có hành vi vi phạm hành chính khi bổ nhiệm tổng giám đốc ông Nguyễn Đức Mạnh có quan hệ gia đình với người quản lý doanh nghiệp là chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời.

Thanh tra Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên khẳng định việc bổ nhiệm này chưa đảm bảo điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 5 điều 162 Luật Doanh nghiệp.

Với vi phạm nêu trên, TNG phải nộp phạt 25 triệu đồng, đồng thời bị buộc phải miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc công ty đối với ông Nguyễn Đức Mạnh. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

Chủ tịch Nguyễn Văn Thời có con trai là Nguyễn Đức Mạnh đang làm Tổng Giám đốc tại Dệt may TNG. (Ảnh: TNG).

Lãi kỷ lục nhờ đơn hàng “khủng” của Decathlon

Về tình hình kinh doanh, theo số liệu công bố sơ bộ mới nhất, năm 2024, doanh thu thuần của TNG đạt 7.736 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2023 và thực hiện được 98% kế hoạch.

Lợi nhuận sau thuế ở mức 315 tỷ đồng, tăng tới 44%. Với thành quả này, công ty xác lập năm tăng trưởng thứ 4 liên tiếp cũng như lập kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận trong lịch sử niêm yết.

Mức tăng trưởng kết quả kinh doanh của Dệt may TNG trong năm vừa qua một phần đến từ đơn hàng “khủng” của Decathlon - nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất thế giới, nhằm phục vụ cho Thế vận hội Olympic Mùa Hè tháng 6/2024 tại Pháp. Thực tế, Decathlon bắt đầu là khách hàng của TNG từ năm 2015. Dệt may TNG vốn là nhà sản xuất lớn nhất cho ngành hàng quần áo dệt thoi trên toàn cầu của Decathlon, với doanh thu hàng năm đạt trên 100 triệu EUR.

Decathlon cũng đã nâng cấp mối quan hệ chiến lược, đưa Dệt may TNG vào top 3 nhà cung cấp hàng đầu trên toàn cầu, mở ra triển vọng tăng trưởng đơn hàng trong thời gian tới.

Cập nhật về tình hình đơn hàng, Dệt may TNG cho biết đã nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 6/2025 và đang tiếp tục đàm phán hoàn tất kế hoạch sản xuất cho năm 2025.

Nhiều lãnh đạo ngành dệt may đều dự báo tình hình dệt may năm 2025 có những tín hiệu khả quan hơn. Toàn ngành dệt may đang ngóng chờ các động thái từ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khi đó, ngành dệt may Việt Nam tại Mỹ sẽ có nhiều cơ hội nếu làm tốt, nhất là tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng…

Theo dự báo, tổng cầu dệt may thế giới năm 2025 đạt 850 tỷ USD, xuất khẩu dệt may Bangladesh có thể phục hồi từ tháng 7/2025. Xuất khẩu dệt may Việt Nam năm sau có thể đạt 45,5 - 46 tỷ USD, tăng 5-6% so với mức 43,5 tỷ USD của năm nay.

Thực tế, tương tự với các doanh nghiệp dệt may khác trong ngành, chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công là hai chi phí lớn nhất đối với TNG, chiếm khoảng 90% chi phí sản xuất kinh doanh. Đa số vải đầu vào của TNG được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan do 99% doanh thu tới từ gia công nên TNG phải tuân thủ yêu cầu về nhà cung cấp theo chỉ định của khách hàng.

Nhờ việc liên tục mở rộng chuyền may mới, doanh thu của TNG liên lục tăng trưởng trong những năm gần đây.

Nếu như năm 2016, doanh thu thuần của TNG đạt 1.887 tỷ đồng thì đến năm 2023, con số đã tăng lên 7.095 tỷ đồng, tức gấp 3,8 lần.

Song, biên lợi nhuận gộp của TNG có xu hướng giảm từ năm 2018 tới nay do nhiều yếu tố. Thứ nhất là do gia tăng chi phí khấu hao từ việc mở rộng chuyền may mới và thứ hai là do dịch bệnh COVID ảnh hưởng tới cung - cầu của sản phẩm dệt may.

Nhìn chung, TNG có biên lợi nhuận gộp ở mức trung bình ngành, do doanh nghiệp chủ yếu sản xuất các sản phẩm quần áo mặc thường ngày (casual wear) và quần áo thể thao (như áo jacket, quần áo trẻ em, quần áo nỉ, v.v.). Phân khúc sản phẩm trên có biên lợi nhuận gộp thấp hơn các sản phẩm cao cấp như áo suits, veston (được sản xuất bởi Công ty May Sông Hồng và May Nhà Bè,… ).

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp.

Trừ đi các chi phí hoạt động khác, lợi nhuận sau thuế hằng năm của TNG loanh quanh 100 – 300 tỷ đồng trong vòng 8 năm qua.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp.

Trở lại tình hình tài chính của TNG, tính đến hết quý III/2024, tổng tài sản của TNG đạt trên 5.256 tỷ đồng, trong đó hơn 2.000 tỷ đồng là tài sản cố định. Tổng các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm trên 1.800 tỷ đồng. Tổng lượng tiền nhàn rỗi khoảng 300 tỷ.

Chỉ số thanh toán của TNG có sự cải thiện từ năm 2020 tới nay, tuy nhiên vẫn nhỏ hơn 1 và thấp hơn so với trung bình ngành.

Để có nguồn tiền phục vụ sản xuất, doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu, một hình thức dùng nợ dài hạn để chi trả chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công mà không làm tăng chỉ tiêu thanh toán nhanh trong hiện tại. Tính hết tháng 9/2024, tổng dư nợ của doanh nghiệp hơn 1.400 tỷ đồng, đa số là vay ngắn hạn. Hồi tháng 12/2024, TNG cũng đã phát hành thêm 400 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.

May mặc đóng góp 99% doanh thu hàng năm

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may tại Việt Nam.

Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, gia công và xuất khẩu các sản phẩm may mặc. Các thị trường xuất khẩu chính của TNG là Mỹ (chiếm hơn 46%), EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác.

TNG bắt đầu lấn sân sang mảng bất động sản vào năm 2018, và bắt đầu ghi nhận doanh thu từ mảng này vào năm 2019. Tuy nhiên, mảng địa ốc có doanh thu không đều đặn do phụ thuộc vào tốc độ thi công và bàn giao dự án.

Vì vậy, mảng may mặc hiện vẫn là mảng kinh doanh chính, đóng góp khoảng 99% doanh thu hàng năm của TNG. Hiện tại, TNG sở hữu 19 chi nhánh may với khoảng 322 chuyền may, trong đó có 12 nhà máy dệt thoi và 3 nhà máy dệt kim.

Ngày 22/11/2007, TNG chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán TNG.

Dệt may TNG có vốn điều lệ 1.226 tỷ đồng tính đến hết quý III/2024, trong đó, ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT nắm 18,53% vốn. Ông Nguyễn Đức Mạnh – con trai ông Thời nắm 8,01%. Số còn lại thuộc các các tổ chức và cá nhân khác.

Theo Minh Hằng (Tạp chí Lao động & Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn