Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bí ẩn gia tộc Wahaha: Quỹ tín thác 2,1 tỷ USD và cuộc chiến thừa kế kịch tính hơn phim

Thứ tư, 16/07/2025 16:11 (GMT+7)

Cái chết của "vua đồ uống" Tông Khánh Hậu đã hé lộ một bí mật động trời về ba người con ngoài giá thú quốc tịch Mỹ. Một cuộc chiến pháp lý trị giá 2,1 tỷ USD đã nổ ra, đe dọa tương lai của đế chế Wahaha.

Tưởng chừng như câu chuyện kế vị tại đế chế đồ uống Wahaha đã ngã ngũ sau khi người con gái duy nhất, bà Tông Phức Lị chính thức tiếp quản cơ đồ từ người cha quá cố Tông Khánh Hậu. Thế nhưng, một vụ kiện tranh chấp tài sản thừa kế xuyên biên giới vừa được phanh phui, không chỉ làm rúng động dư luận mà còn vén lên một bức màn bí mật về gia tộc "tỷ phú áo vải" này.

Sự xuất hiện của 3 người con ngoài giá thú và quỹ tín thác 2,1 tỷ USD

Vụ việc bắt đầu tại tòa án Hong Kong (Trung Quốc), khi ba cá nhân mang quốc tịch Mỹ là Tông Kế Xương, Tông Tiệp Lị và Tông Kế Thịnh bất ngờ khởi kiện bà Tông Phức Lị. Họ tự xưng là con ngoài giá thú của ông Tông Khánh Hậu và đưa ra những yêu cầu pháp lý chấn động.

Bà Tông Phức Lị cho biết, bà không hề biết gì về thông tin những người con ngoài giá thú của bố mình, nghi ngờ những lời tố cáo của Tông Kế Xương, Tông Tiệp Lị và Tông Kế Thịnh sai sự thật. Ảnh: Sina

Theo đơn kiện, ông Tông Khánh Hậu khi còn sống đã âm thầm thành lập một quỹ tín thác tại ngân hàng HSBC Hong Kong với mục đích để lại cho ba người con này một khối tài sản khổng lồ trị giá 2,1 tỷ USD (tương đương 15 tỷ nhân dân tệ). Tuy nhiên, sau khi ông qua đời, việc rót vốn vào quỹ này đã dừng lại khi vẫn còn thiếu 300 triệu USD. Nghiêm trọng hơn, bà Tông Phức Lị đã tự ý rút 1,1 triệu USD ra khỏi tài khoản này.

Yêu cầu của ba người con ngoài giá thú của Tông Khánh Hậu rất rõ ràng: phong tỏa tài khoản, yêu cầu bà Tông Phức Lị hoàn thành cam kết của người cha quá cố và quan trọng hơn, họ còn đệ đơn kiện tại Hàng Châu, đòi quyền thừa kế ngang bằng đối với 29,4% cổ phần của Wahaha mà bà Tông Phức Lị đang nắm giữ.

"Nước cờ" tín thác và những lỗ hổng

Quỹ tín thác từ lâu đã là một công cụ quản lý tài sản và kế hoạch hóa thừa kế quen thuộc của giới siêu giàu. Nó được thiết kế để đảm bảo tài sản được phân chia theo đúng ý muốn của người ủy thác, tránh các cuộc tranh chấp có thể làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Ví dụ như diva một thời Mai Diễm Phương, sau khi biết mình mắc bệnh ung thư, cô muốn để lại toàn bộ tài sản cho mẹ mình. Nhưng mẹ bà lại thích cờ bạc, nếu đột nhiên nhận được một khoản tiền lớn, có thể sẽ tiêu hết trong vài ngày. Vì vậy, Mai Diễm Phương đã tìm một công ty tín thác, giao tài sản của mình cho họ, và thỏa thuận rằng họ sẽ chu cấp cho mẹ bà 70.000 đô la Hong Kong mỗi tháng làm chi phí sinh hoạt.

Còn có ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, khi ly hôn với người vợ trước, ông đã bị chia mất 1,7 tỷ USD, điều này khiến ông vô cùng đau lòng. Vì vậy, sau này khi kết hôn với Wendi Deng, ông đã rút kinh nghiệm, đóng gói phần lớn tài sản của mình và giao cho một quỹ tín thác và chỉ định các con của mình là người thụ hưởng. Cuối cùng, khi Wendi Deng ly hôn với ông, bà chỉ nhận được hai căn nhà.

Có thông tin cho rằng mẹ ba người con ngoài giá thú của Tông Khánh Hậu là bà Đỗ Kiến Anh, từng là giám đốc cấp cao của Wahaha. 

Về lý thuyết, một khi tài sản đã được đưa vào quỹ tín thác, nó sẽ được bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Vậy tại sao quỹ tín thác của ông Tông Khánh Hậu lại có thể bị rút tiền? Các chuyên gia pháp lý cho rằng, lỗ hổng có thể nằm ở chỗ quỹ này chưa được rót vốn đầy đủ, dẫn đến việc quỹ chưa thực sự có hiệu lực pháp lý.

Kế hoạch phân chia tài sản thừa kế và sự cố bất ngờ

Giới quan sát phỏng đoán rằng, ông Tông Khánh Hậu có thể đã có một kế hoạch phân chia tài sản được tính toán kỹ lưỡng:

Bên chính thất: Bà Tông Phức Lị, người con gái duy nhất, sẽ kế thừa cổ phần và sự nghiệp, đảm bảo sự ổn định và phát triển của đế chế Wahaha.

Bên "phòng nhì": Ba người con ngoài giá thú sẽ nhận được một khối tài sản khổng lồ thông qua quỹ tín thác, đảm bảo một cuộc sống sung túc suốt đời mà không can thiệp vào việc điều hành công ty.

Đây là một kế hoạch "phòng chính nắm quyền, phòng nhì nhận tiền" khá phổ biến. Tuy nhiên, dường như người tính không bằng trời tính. Một lỗ hổng nào đó trong thủ tục pháp lý của quỹ tín thác đã khiến quyền lợi của bên "phòng nhì" bị ảnh hưởng, châm ngòi cho cuộc phản công pháp lý này. Yêu cầu chia sẻ cổ phần có thể chỉ là một đòn bẩy để gây áp lực, buộc bà Tông Phức Lị phải thực hiện cam kết về quỹ tín thác.

Danh tính của mẹ ba người con này cũng là một ẩn số. Có thông tin cho rằng đó là bà Đỗ Kiến Anh, một cựu giám đốc cấp cao của Wahaha, người đã đến Mỹ với tư cách là người giám hộ cho chính bà Tông Phức Lị khi còn du học.

Vụ kiện này đã đẩy Wahaha vào một cuộc khủng hoảng kép. Trong khi đang phải vật lộn với những thách thức kinh doanh và chuyển đổi, giờ đây họ lại phải đối mặt với một cuộc nội chiến gia tộc. Tương lai của một trong những thương hiệu đồ uống lớn nhất Trung Quốc đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.

Lê Nguyên
Nguồn: sohuutritue.net.vn