Bài toán tăng trưởng không dễ của Tập đoàn Thiên Long
Dù là doanh nghiệp đầu ngành về văn phòng phẩm nhưng tăng trưởng của Tập đoàn Thiên Long liên tục suy giảm trong 3 năm qua. Thiên Long đang cố gắng cải thiện tình hình với giải pháp phát triển kênh thương mại điện tử được xem là khả thi nhất cũng ẩn chứa nhiều mâu thuẫn.
Tăng trưởng chậm kỷ lục: Bão hòa hay bị cạnh tranh?
Trong năm 2018, Thiên Long đạt 2.856 tỷ đồng doanh thu (tăng 14%) và 294 tỷ đồng lãi ròng (tăng gần 10%). Dù đạt kế hoạch kinh doanh nhưng mức tăng trưởng lãi ròng trong năm 2018 là thấp nhất trong 11 năm qua, tính từ năm 2007. Trước đó, Thiên Long luôn đạt mức tăng trưởng lãi ròng bình quân mỗi năm khoảng 11-13%. Đáng lo là chỉ tiêu này đã tuột dốc thẳng đứng trong 3 năm liên tiếp.
Nhìn vào hoạt động ngành, có thể thấy Thiên Long phần nào bị ảnh hưởng bởi việc giá nguyên liệu tăng cao liên tục trong ít nhất 2 năm qua. Năm 2018, giá hạt nhựa nguyên liệu tăng khoảng 13%. Không chỉ Thiên Long, các doanh nghiệp sản xuất nhựa xây dựng như Nhựa Tiền Phong hay Nhựa Bình Minh cũng báo lãi giảm trong năm 2018 vì giá nguyên liệu nhựa tăng quá mức kiểm soát.
Dù lợi nhuận năm 2018 tăng nhẹ, nhưng các chỉ tiêu tài chính khác có nhiều thay đổi theo hướng tiêu cực, chứng tỏ Thiên Long đang gắng “gồng mình”. Báo cáo tài chính năm 2018 của Thiên Long cho thấy, để doanh thu tăng trưởng, tập đoàn đã phải chịu thiệt đẩy hàng ra thị trường và chậm thu tiền. Điều này thể hiện ở việc khoản phải thu cuối năm 2018 tăng đến 80% so với cùng kỳ năm rồi. Cũng chính điều này khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2018 về rất ít, chưa bằng một nửa so với năm 2017.
Các con số trên cho thấy Thiên Long như chú voi to lớn đang nhích từng bước chậm chạp, khó đi nhanh được vì đã chiếm quá nửa thị trường. Đến cuối năm 2018, tập đoàn này nắm đến 60% thị phần ngành văn phòng phẩm Việt Nam. Ngoài ra, sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm giá rẻ đến từ Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến Thiên Long nóng lòng muốn tiến ra nước ngoài.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Cô Gia Thọ cho biết sẽ đẩy mạnh mục tiêu xuất khẩu với tỷ trọng kỳ vọng 20-25% đến năm 2020 (hiện tại là 15%). Thiên Long cũng “bấm bụng” rót 19 tỷ đồng để mở công ty con tại Singapore, dù chi phí tư vấn khá đắt đỏ, như ông Thọ thừa nhận. Trong cả năm 2018, Thiên Long đã chi tổng cộng 200 tỷ đồng để đầu tư máy móc, nhằm giảm giá sản phẩm. Chưa biết hiệu quả của các khoản đầu tư ra sao nhưng thiệt hại vì bị đối thủ Trung Quốc cạnh tranh đã rõ. Năm 2018, thị phần của Thiên Long chỉ còn 60%, giảm mạnh so với mức 65% của năm 2017.
Mở thương mại điện tử, nhà phân phối và đại lý bất an?
Để giải bài toán tăng trưởng chậm kỷ lục, ngoài việc tăng đầu tư máy móc để giảm giá sản phẩm, tăng xuất khẩu, Thiên Long cũng đẩy mạnh kênh thương mại điện tử.
Bán hàng qua kênh thương mại điện tử được Thiên Long đẩy mạnh từ cuối năm 2018. Ông Cô Gia Thọ cho rằng bán hàng online đang là xu hướng. Dù biết các doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử đều lỗ nhưng tập đoàn vẫn đầu tư cho tương lai. Trong năm 2018, Lazada lỗ hơn 2.100 tỷ đồng, Shopee đang đứng đầu thị trường thương mại điện tử cũng lỗ hơn 1.900 tỷ đồng, còn Tiki cũng lỗ 756 tỷ đồng.
Việc mở kênh thương mại điện tử của Thiên Long ẩn chứa không ít mâu thuẫn, nếu nhìn vào khía cạnh hỗ trợ tăng trưởng. Chủ tịch HĐQT Thiên Long đã xác định mảng hoạt động mới sẽ lỗ, như vậy thương mại điện tử sẽ là nơi “đốt tiền” của Thiên Long, làm lợi nhuận “bốc hơi” thêm và khiến sự sụt giảm tăng trưởng lợi nhuận thêm trầm trọng.
Trang web thương mại điện tử của Thiên Long bán hầu hết các sản phẩm của tập đoàn với nhiều mức giảm giá khủng. Các dụng cụ học tập như bìa sách giảm giá 20%, các loại bút giảm 25-50%, thậm chí Thiên Long giảm đến 60% giá sản phẩm vào một số ngày nhất định. Với mức biên lợi nhuận ròng (lợi nhuận ròng/doanh thu) chỉ khoảng 10%, việc giảm giá quá nhiều không những không giúp ích Thiên Long tăng trưởng doanh thu mà còn khiến lợi nhuận thu về ít hơn.
Chấp nhận giảm giá mạnh có thể chỉ là “chiêu” thu hút khách hàng mới của Thiên Long trong thời điểm hiện tại. Giám đốc một công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp cho rằng, kênh thương mại điện tử có thể được xem là kênh bán hàng mới, trong ngắn hạn vẫn chưa thể giúp Thiên Long tăng doanh thu ngay được. Thậm chí, phát triển kênh này còn buộc Thiên Long lựa chọn giữa việc tiếp cận kênh bán hàng trực tuyến nhiều tiềm năng và từ bỏ bớt các nhà phân phối hoặc đại lý.
Hiện Thiên Long có 110 nhà phân phối và 65.000 đại lý. Số nhà phân phối đã từng bị Thiên Long mạnh tay cắt giảm từ con số 135 và đại lý bị cắt từ số 70.000 từ năm 2014, theo báo cáo thường niên của tập đoàn này. Việc phát triển kênh thương mại điện tử có thể khiến Thiên Long cạnh tranh với chính nhà phân phối và đại lý của mình. Với dữ liệu trên, để giúp kênh thương mại điện tử hoạt động có hiệu quả, khả năng mạnh tay cắt giảm thêm các đối tác bán hàng là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này lại là một mâu thuẫn khó hiểu trong việc giải bài toán tăng trưởng của Thiên Long.
Hoàng Yến
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường