Tranh cãi chất lượng yến sào chỉ 15.000 đồng/hũ quảng cáo '99% nguyên chất'
Thứ ba, 13/05/2025 22:42 (GMT+7)
Yến sào giá chỉ từ 15.000 đồng/hũ, quảng cáo "99% nguyên chất", từng giúp cặp đôi KOC đình đám Quyền Leo Daily đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng, nay lại trở thành tâm điểm nghi vấn. Chủ thương hiệu bất ngờ tuyên bố dừng bán, đổ cho người tiêu dùng "toxic".
Gần đây, dư luận xôn xao về sản phẩm yến sào
được livestream bởi cặp đôi KOC nổi tiếng Quyền Leo Daily - tên thật là Lã Quốc
Quyền và Nguyễn Lan Anh (Leo). Vợ chồng người có ảnh hưởng này từng gây "sốt" với những
phiên megalive chốt đơn kỷ lục, doanh thu chạm ngưỡng nhiều tỷ đồng.
Tuy nhiên, tâm điểm chú ý gần đây không nằm ở con số bán
hàng mà chính là mức giá "không tưởng" của yến sào - chỉ từ 15.000 -
25.000 đồng/hũ 70ml, gây ra loạt nghi vấn về chất lượng.
Cặp đôi KOC nổi tiếng Quyền Leo Daily gây "sốt" với những phiên live bán yến với mức giá "không tưởng" chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng/hũ 70ml, gây ra loạt nghi vấn về chất lượng. Ảnh chụp màn hình
Trong nhiều livestream, cặp
đôi đưa ra các combo như: 33 hũ yến/699k
(tương đương 21k/hũ); 16
hũ/314k (chỉ ~19k/hũ); 20
hũ/500k (chỉ 25k/hũ). Thậm
chí có lúc khuyến mãi sâu tới 1.000 đồng/hũ. Họ khẳng định đây là “deal sốc giới
hạn”, cam kết “chất lượng chuẩn 35% yến thật”, khiến người tiêu dùng không khỏi
nghi ngờ, tạo ra một làn sóng tranh luận lớn trên mạng xã hội,
đặc biệt là TikTok.
Một số bình luận không khỏi nghi ngờ về thành phần và nguồn gốc của sản phẩm. "Nghi ngờ thành phần quá", tài khoản Vivian@666 thắc mắc; "Sao rẻ vậy shop, làm phân vân không dám mua", "Rẻ quá cũng sợ", "Có ai mua chưa ạ, em rất muốn mua nhưng rẻ quá em lại hơi phân vân,..." là một loạt các bình luận nghi ngờ về sự thật của sản phẩm.
Sau khi các nghi vấn nổ ra, cư dân mạng nhanh chóng truy tìm
nguồn cung cấp yến sào cho Quyền Leo Daily. Các link bán hàng đều dẫn đến
thương hiệu Thế Giới Yến Sào, trụ sở tại TP HCM và Bình Dương, do Nguyễn Thị
Thúy làm đại diện pháp luật.
Tối 12/5, bà Thúy Nguyễn - người thường xuyên xuất hiện
trong các buổi livestream với Quyền Leo, đã livestream trực tiếp giải thích về
việc dừng bán yến chưng sẵn. Cụ thể,
bà Thúy cho biết người tiêu dùng không còn ưa chuộng hàng sản xuất công nghiệp
dù chất lượng đảm bảo: “Không phải do yến. 99% là yến nguyên chất. Nhưng giờ người
ta toxic hàng công nghiệp, tương ớt không chịu, nước mắm không chịu, thì yến
cũng vậy. Nên tôi dừng bán dạng chưng sẵn, chuyển sang yến tự chưng để khách tự
làm ở nhà”.
Hiện tại, Thế Giới Yến Sào đã gỡ toàn bộ sản phẩm yến chưng
sẵn khỏi TikTok Shop, chỉ còn bán set yến tự chưng. Một combo 30 hũ yến tự
chưng (mỗi hũ khoảng 3-5g yến vụn) được niêm yết giá 686.000 đồng, tương đương ~23.000
đồng/hũ.
Mức giá yến sào của Quyền Leo
Daily - dù là yến vụn - vẫn rẻ hơn rất nhiều so với các thương hiệu uy tín như: Sanest (Khánh Hòa): 255.000 đồng/hộp 6
hũ (tức 42.500 đồng/hũ, 21% yến);
Nunest cao cấp: 208.000 đồng/6 hũ (~35.000 đồng/hũ, 15% yến).
Trong khi đó, sản phẩm của Quyền Leo quảng cáo 35% yến,
nhưng giá chỉ từ 14.000 - 25.000 đồng/hũ. Điều này khiến người tiêu dùng không
khỏi đặt câu hỏi về chi phí sản xuất, nguồn nguyên liệu và tính xác thực của tỷ lệ yến công bố.
Các clip review yến sào của Quyền Leo Daily đều gắn đường link đến sản phẩm của thương hiệu Thế Giới Yến Sào. Ảnh chụp màn hình
Hiện nay, vụ việc vẫn đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng
mạng, đặc biệt là những người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm yến sào - mặt
hàng nhạy cảm, gắn liền với sức khỏe và niềm tin.
Thương hiệu yến của Việt Nam nổi tiếng nhờ có được chất lượng vượt trội, giàu dinh dưỡng với 18-20 loại axit amin và protein cao, mang lại lợi ích sức khỏe như tăng cường miễn dịch, cải thiện trí nhớ và hỗ trợ hô hấp.
Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng cho tổ yến Việt Nam, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho ngành nuôi yến phát triển theo chiều sâu.
Gần 500kg chân gà và đuôi lợn đông lạnh không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đã bị lực lượng quản lý thị trường tỉnh Nghệ An phát hiện và thu giữ.
Xoài Úc Cam Lâm vào mùa thu hoạch rộ nhưng không thể xuất khẩu, giá bán tại vườn chỉ từ 1.000 - 4.000 đồng/kg. Nông dân Khánh Hòa rơi vào cảnh khốn đốn trong khi người tiêu dùng loay hoay phân biệt hàng nội với hàng không rõ nguồn gốc.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra quyết định thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với 18 thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty TNHH Abbott Healthcare Việt Nam.
Hơn 67 tấn phân bón giả mạo nhãn hiệu vừa bị lực lượng chức năng tại Thanh Hóa giám sát tiêu hủy và khắc phục hậu quả. Doanh nghiệp sản xuất bị phạt gần 400 triệu đồng và đình chỉ hoạt động.