Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả, sầu riêng nhiễm kim loại nặng, xoài Úc Cam Lâm rớt giá

Chủ nhật, 18/05/2025 07:06 (GMT+7)

Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt truy quét buôn lậu, hàng giả; Triệt phá đường dây sản xuất hơn 100 tấn thuốc, thực phẩm chức năng giả; Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh bạch đậu khấu,... là những tin tức tiêu dùng nổi bật tuần qua.

Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt truy quét buôn lậu, hàng giả

Ngày 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành để đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng đầu năm 2025. Tại đây, Thủ tướng quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, đồng thời phát động đợt cao điểm truy quét từ 15/5 đến 15/6 nhằm đẩy lùi tình trạng buôn lậu, sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng nhái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền... trong thời gian từ ngày 15/5-15/6 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo, trong 4 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, bao gồm hơn 8.200 vụ buôn bán hàng cấm, 25.100 vụ gian lận thương mại và trên 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt gần 4.900 tỷ đồng, khởi tố gần 1.400 vụ án hình sự.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp liên ngành, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả giám sát, xử lý các hành vi vi phạm. Các địa phương được yêu cầu thành lập tổ công tác do Chủ tịch UBND đứng đầu để thực hiện nghiêm chỉ đạo. Đồng thời, rà soát hoàn thiện khung pháp lý, xử lý nghiêm cá nhân bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo thị trường minh bạch là ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng khẳng định đây là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân.

Triệt phá đường dây sản xuất hơn 100 tấn thuốc, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn

Công an TP Hà Nội vừa triệt phá thành công một đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả với quy mô cực lớn, lan rộng đến hơn 20 tỉnh thành trên cả nước. Tổng lượng hàng giả bị thu giữ lên tới hơn 100 tấn, được đóng gói, dán nhãn mác ngoại để đánh lừa người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng kiểm kê số thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả.

Đường dây do Phạm Ngọc Tiến (SN 1988, trú tại Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu. Lợi dụng danh nghĩa dược sĩ, Tiến cùng vợ là Đoàn Thị Nguyệt thành lập nhiều công ty nhập khẩu thực phẩm chức năng. Sau đó, nhóm này chuyển sang tự sản xuất tại Việt Nam nhưng mạo danh hàng ngoại nhập từ Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ…

Tại xưởng sản xuất ở Hưng Yên, nhóm đối tượng dùng nguyên liệu giá rẻ, thuê người không có chuyên môn đóng viên, ép vỉ, in nhãn giả, rồi phân phối thông qua hệ thống công ty “ma” và hàng trăm điểm bán khắp cả nước, trong đó có cả hiệu thuốc và bệnh viện.(Xem tiếp tại đây)

Phát hiện gần 1 tấn trứng gà non không rõ nguồn gốc

Lực lượng chức năng TP Hà Nội vừa phát hiện và tạm giữ gần 1 tấn các sản phẩm nội tạng gà đông lạnh không rõ nguồn gốc tại quận Hoàng Mai, cảnh báo tình trạng thực phẩm bẩn đang lưu hành trên thị trường. Theo thông tin từ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, ngày 13/5, Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp cùng Đội 6 - Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an TP Hà Nội kiểm tra đột xuất một điểm tập kết hàng hóa đối diện ngõ 197 phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 20 thùng xốp được dán kín băng dính chứa 0,8 tấn thực phẩm đông lạnh gồm trứng gà non và tràng gà. Tất cả thùng hàng đều không có nhãn mác, không ghi rõ nhà sản xuất, nơi sản xuất và điều kiện bảo quản theo quy định. Chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và khai nhận số hàng trên mới thu mua, chưa kịp bán ra thị trường. Chủ hàng đã thừa nhận vi phạm và cam kết tự nguyện tiêu hủy toàn bộ số hàng sau khi có quyết định xử phạt.

20 thùng xốp dán kín băng dính, bên trong chứa tổng cộng 800kg thực phẩm đông lạnh là trứng gà non và tràng gà. Ảnh: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước

Sầu riêng nhiễm kim loại nặng Cadimi, xoài Úc rớt giá

Nông dân trồng sầu riêng tại Tiền Giang đang gặp khó khăn lớn khi đối mặt với tình trạng sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng Cadimi, khiến năng suất giảm sút nghiêm trọng, giá bán rớt thấp kỷ lục. Vụ mùa năm nay, thời tiết thất thường làm tỷ lệ đậu trái giảm mạnh, nhiều vườn chỉ còn vài chục trái mỗi cây, thậm chí có cây ra hoa nhưng không đậu quả.

Giá sầu riêng tại vườn có thời điểm chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, khiến đa số nhà vườn không thể hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Ông Trịnh Văn Bửu, nông hộ tại huyện Cai Lậy, cho biết vườn gần 1 ha nhưng chỉ thu được khoảng 5 tấn quả, nhiều trái bị sâu bệnh và hư hỏng.

Nhiều lô hàng sầu riêng Việt bị trả về do nghi nhiễm Cadimi - kim loại nặng được Trung Quốc kiểm soát rất nghiêm ngặt. Song người nông dân vẫn chưa hiểu rõ về Cadimi, nguyên nhân phát sinh và cách phòng tránh. Nhiều người chỉ nghe nói có thể do phân lân dùng đầu mùa nhưng không có hướng dẫn khoa học chính thức.

Sầu riêng bị nhiễm cadimi, trong khi nhiều nông dân còn chưa biết cadimi là chất gì hay nguồn gốc nhiễm từ đâu. Ảnh: Công Thành

Trong khi đó, giữa mùa thu hoạch rộ, xoài Úc Cam Lâm (Khánh Hòa) đang rớt giá thê thảm, chỉ còn 1.000 – 4.000 đồng/kg tại vườn. Trái to, đẹp, vàng óng vẫn phải đổ bỏ vì thương lái không đến mua. Theo chính quyền huyện Cam Lâm, khoảng 1.800 tấn xoài Úc đang tồn đọng, trong khi thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc và Campuchia lại đồng loạt vào vụ, khiến giá bị ép mạnh.

Không chỉ giá thấp, đầu ra bế tắc khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Trên mạng xã hội, nhiều nhóm đang đẩy mạnh phong trào “giải cứu xoài Cam Lâm” với giá bán lẻ từ 8.000 – 15.000 đồng/kg, song sức mua vẫn chậm. Ngay cả các đầu mối sỉ cũng dè dặt vì tâm lý người tiêu dùng e ngại nhầm lẫn với xoài Trung Quốc.

Theo một số người trồng xoài tại huyện Cam Lâm, giá xoài Úc từng dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, thậm chí 50.000 đồng/kg. Ảnh MXH

Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh bạch đậu khấu - gia vị đắt thứ 3 thế giới

Việt Nam đang nổi lên là quốc gia tiềm năng trong sản xuất và xuất khẩu bạch đậu khấu - loại gia vị có giá trị cao, chỉ xếp sau nghệ tây và vani. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong quý I/2025, nước ta đã xuất khẩu 760 tấn bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, kim ngạch đạt 6,7 triệu USD, tăng lần lượt 39% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện bạch đậu khấu của Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia, trong đó ba thị trường chính là Hà Lan, Mỹ và Anh. Riêng quý I, Hà Lan nhập 240 tấn, Mỹ 125 tấn, và Anh 122 tấn. Hai doanh nghiệp đóng vai trò chủ lực là Nedspice Việt Nam và Olam Việt Nam với tổng lượng xuất khẩu lần lượt đạt 520 tấn và 126 tấn.

Năm 2024, tổng lượng bạch đậu khấu – nhục đậu khấu xuất khẩu của Việt Nam đạt 3.402 tấn, tương ứng 27,6 triệu USD. Giá bán buôn loại gia vị này trên thị trường quốc tế dao động từ 18,9 đến 44 USD/kg (khoảng 490.000 – 1,2 triệu đồng), cho thấy tiềm năng giá trị lớn của mặt hàng này.

Tại Việt Nam, bạch đậu khấu mọc tự nhiên và được trồng nhiều ở các vùng núi cao như Lào Cai, Cao Bằng. Loài cây này thuộc họ gừng, cao 2-3m, sống lâu năm. Trong khi đó, nhục đậu khấu – cùng họ – chủ yếu trồng ở các tỉnh phía Nam.

Trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 3.402 tấn bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, thu về kim ngạch 27,6 triệu USD. Ảnh minh họa
Công Thành
Nguồn: sohuutritue.net.vn