Thờ cúng cá Ông - một di sản văn hóa đặc sắc
Ngày càng nhiều người tìm đến những miền quê ven biển, không chỉ để đắm mình trong biển xanh cát trắng và thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị biển mà còn để khám phá những di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc đã được các cộng đồng cư dân giữ gìn và lưu truyền. Một trong những di sản văn hóa đặc sắc ấy là tục thờ cúng cá Ông của cư dân duyên hải miền Trung và Nam bộ.
Cá Ông là tên tôn kính mà cư dân duyên hải gọi loài cá voi. Trong các sắc phong của của Triều Nguyễn (1802-1945) loài thủy tộc này được tôn xưng với những tước hiệu như: Đông Hải cự tộc ngọc lân tôn thần, Nam Hải đại tướng quân, Nam Hải cự tộc ngọc lâm tôn thần, Nam Hải cự tộc ngọc lân thượng đẳng thần... Năm 1835, vua Minh Mạng (1820-1841) cho đúc Cửu đỉnh, hình cá voi được khắc trên Nhân đỉnh, với tên gọi Nhân ngư (loài cá nhân từ), do bản tính cá voi hiền lành, hay cứu người gặp nạn trên biển.
Đời vua Tự Đức (1848-1883) cá voi được tôn xưng là Đức ngư (loài cá đức độ). Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) chép: “Những khi thuyền bè gặp sóng gió nguy hiểm, thường thấy thần (cá voi) dìu đỡ mạn thuyền bảo vệ người yên ổn, hoặc thuyền bị chìm đắm trong cơn sóng gió thần cũng đưa thuyền vào bờ, sự cứu giúp ấy rất rõ. Chỉ nước Nam ta, từ Linh Giang đến Hà Tiên mới có việc ấy và rất linh nghiệm, còn các biển khác thì không có”.
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng chép “Loài cá này trong Nam hải (biển Nam) thì linh, còn ở biển khác thì không linh”. Trong dân gian có câu “Tại Nam vi thần, tại Bắc vi ngư” - có nghĩa là “ở miền Nam (cá voi) là thần, còn ở miền Bắc chỉ là cá”.
Đối với ngư dân miền Trung và miền Nam cá voi là những phúc thần của biển cả, họ cung kính gọi cá voi bằng các danh xưng: Ông Nam Hải, ông Chuông, ông Khơi, ông Lớn, ông Cậu.
Trong tâm thức dân gian, cá Ông là chỗ dựa tinh thần cho ngư dân trong hải trình mưu sinh nơi biển khơi, vốn đầy rẫy bất trắc khôn lường. Đó chính là vị thần độ mạng, che chở và đưa họ vượt qua bão tố, hiểm nguy để cập bến an toàn. Họ mang ơn và tôn thờ cá Ông với những lễ nghi tôn kính, hàm chứa những giá trị văn hóa - tâm linh sâu sắc.
Mỗi khi gặp cá Ông “lụy” (cách gọi thành kính của ngư dân mỗi khi gặp xác cá voi chết dạt vào bờ), thì ngư dân thường tổ chức mai táng chu đáo và trọng thể. Người đầu tiên phát hiện xác cá Ông hoặc người già nhất làng được dân làng cử làm trưởng tang. Đám tang cá Ông được cả làng đứng ra tổ chức, mai táng và xây dựng lăng mộ để thờ phụng. Thời Nguyễn triều đình còn định lệ cấp cho 10 tấn vải điều và 10 quan tiền để cư dân nơi phát hiện xác cá Ông “lụy’ tẩm liệm và lo việc mai táng cá Ông.
Do tập tục này mà suốt dải đất duyên hải từ Thanh Hóa vào đến Hà Tiên có rất nhiều lăng mộ cá Ông, với nhiều tên gọi khác nhau: Miếu, lăng, vạn, dinh.
Lăng mộ cá Ông thường nằm sát biển quay về hướng đông, có dáng dấp như một ngôi đình. Trong lăng không chỉ thờ cá Ông mà còn phối thờ nhiều vị hải thần, thủy thần khác, cùng các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng biển. Nhiều lăng mộ còn thờ ngọc cốt (xương) cá Ông ở chánh điện, có nơi còn phục dựng và trưng bày những bộ xương cá Ông trong khuôn viên lăng mộ.
Cùng với việc lập lăng mộ và miếu thờ để chôn cất và thờ phụng cá voi, cư dân còn thực hành các nghi lễ thờ cúng tế cá Ông, với nhiều nghi lễ trang trọng và hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc.
Lễ cúng cá Ông được tổ chức hằng năm hoặc ba năm một lần, tùy theo phong tục của từng địa phương. Lễ cúng thường diễn ra từ một đến ba ngày và là ngày hội của cộng đồng dân cư trong vùng. Ngoài các nghi lễ cúng còn có nhiều sinh hoạt văn nghệ diễn ra trong khuôn viên lăng mộ hay miếu thờ cá Ông và các trò dân gian gắn liền với nghề biển như đua thuyền thúng, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, trói cua, bắt vịt.
Từ những tập tục thể hiện đời sống văn hóa tâm linh của cư dân vùng biển, tục thờ cá Ông đã tạo ra một hệ thống di tích, kiến trúc gắn liền với nền văn hóa biển, tạo nên vốn văn hóa di sản phi vật thể được lưu truyền từ bao đời nay.
Thế Sơn - Văn Chung
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch