Techcombank sẽ lãi nhiều hơn cả Vietcombank trong quý 3?
Covid-19 dự kiến sẽ tác động mạnh đến kết quả lợi nhuận quý 3 của các ngân hàng.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 chuẩn bị bắt đầu. Với diễn biến dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh tới nền kinh tế, các ngân hàng phải hi sinh nhiều lợi nhuận để giảm lãi suất cũng như miễn, giảm các loại phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, lợi nhuận quý 3 dự báo sẽ xấu hơn rất nhiều so với quý trước. Đó là chưa kể, rất nhiều ngân hàng phải đóng cửa các điểm giao dịch, chi nhánh tại các nơi dịch bệnh căng thẳng như Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, khiến cho triển vọng lợi nhuận lại càng thêm u ám.
Trong báo cáo mới công bố, công ty chứng khoán SSI đã đưa ra dự báo về lợi nhuận của 8 ngân hàng lớn đã niêm yết trên thị trường chứng khoán là Vietcombank, Techcombank, VPBank, MB, HDBank, VietinBank, ACB và VIB.
Đáng chú ý, SSI tin rằng Techcombank sẽ vượt Vietcombank để trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống trong quý 3/2021.
Cụ thể, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của Techcombank quý 3 có thể đạt 5.200 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35,7% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 16% từ đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế tăng 56,2% lên 16.700 tỷ đồng.
Trong khi đó lợi nhuận trước thuế của Vietcombank có thể chỉ đạt 5.000 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 0,3%, nhờ tín dụng tăng trưởng khoảng 11,5% và lượng tiền gửi cũng tăng 7,3% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Ngoài việc lợi nhuận giảm do phải cắt giảm phí, giãm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, các ngân hàng còn tăng chi phí tín dụng để chuẩn bị cho khả năng hình thành nợ xấu cao hơn sau một thời gian dài xã hội giãn cách. Các ngân hàng càng có quy mô tín dụng lớn thì sẽ càng phải dự phòng nhiều hơn.
Tất nhiên, các ngân hàng như Vietcombank và Techcombank hoàn toàn có thể không cần tăng quy mô dự phòng rủi ro để tăng lợi nhuận, vì tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của hai nhà băng này đang ở mức dẫn đầu hệ thống, tới quý quý 2 ở mức lần lượt 350% và 259%, nhưng họ chắc chắn không làm như vậy. Cơm không ăn, gạo vẫn còn đó. Trong quý 4, khi nền kinh tế "mở cửa" trở lại, hoạt động ngân hàng sẽ ổn định và lợi nhuận của các nhà băng chắc hẳn sẽ tươi sáng hơn. Còn sang năm 2022, khi ngành ngân hàng được cho là sẽ "ngấm đòn" tác động từ Covid-19 thì phần dự phòng bao nợ xấu vẫn sẽ giúp các ngân hàng này vượt qua khó khăn dễ dàng hơn phần còn lại của hệ thống.
Đối với Vietcombank, việc lợi nhuận có thể bị ngân hàng khác như Techcombank vượt qua chắc chắn chỉ là tạm thời, vì không nhà băng nào có được "của để dành" nhiều như họ.
H. Kim
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường