Tái khởi động Dự án Đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi
Đại dự án đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi được phê duyệt với tổng mức đầu tư lên đến 44.000 tỷ đồng. Nếu Dự án được thực hiện hứa hẹn sẽ đem đến bộ mặt đô thị mới cho Thủ đô Hà Nội. Sau nhiều năm “giẫm chân tại chỗ”, mới đây, Dự án được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khởi động lại…
Khởi động lại Dự án
Trao đổi với PLVN, ông Khương Thế Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam xác nhận, Dự án đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi đang được Bộ GTVT “khởi động” trở lại sau nhiều năm “dậm châm tại chỗ”. “Chúng tôi cũng đang rất mong Dự án sớm được thực hiện”, ông Duy nói và cho biết, nếu Dự án được thực hiện và hoàn thành, bộ mặt đô thị Hà Nội sẽ có nhiều thay đổi. Trong khi đó, trả lời PLVN, ông Nguyễn Khánh Tùng - Trưởng phòng Phòng Kế hoạch dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, Dự án đã nghiên cứu xong và đang báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, theo tìm hiểu của PLVN, Bộ GTVT vừa mới lên kế hoạch khởi động lại Dự án với việc nghiên cứu xây dựng giai đoạn 1 Khu tổ hợp Ngọc Hồi, tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về Dự án Đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Theo đó, đối với Dự án giai đoạn 1, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ KH&ĐT, Tài chính nghiên cứu, đề xuất nguồn phù hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Còn đối với Dự án giai đoạn 2A (đoạn từ ga Ngọc Hồi đến ga Hà Nội) và giai đoạn 2B (ga Hà Nội đến ga Yên Viên), trên cơ sở của tư vấn lập điều chỉnh dự án, Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc thẩm định và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (dự kiến vào kỳ họp tháng 10/2018).
Hồi tháng 1/2018, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân đối, bổ sung vốn 1.410 tỷ đồng vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) và tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để đáp ứng tiến độ hoàn thành Dự án giai đoạn 1 vào năm 2024. Theo Bộ GTVT, tổng nhu cầu vốn cho hạng mục GPMB của Dự án giai đoạn 1 là 2.310 tỷ đồng.
Khó nhất là vốn
Theo tìm hiểu của PLVN, từ năm 2004, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên giai đoạn I (Dự án Metro số 1) được hoàn tất. Khi đó, tuyến đường được thiết kế dài 28,7km, tổng mức đầu tư khi đó dự tính là 26.976 tỷ đồng, phục vụ tàu khách Thống Nhất, tàu liên vận, tàu du lịch và tàu đô thị.
Đến năm 2008, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án giai đoạn 1 gồm khu tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Giáp Bát - Gia Lâm, với tổng mức đầu tư 19.460 tỷ đồng (vốn ODA 13.973 tỷ đồng, vốn đối ứng 5.487 tỷ đồng). Tại thời điểm đó, Dự án có quy mô xây dựng Khu tổ hợp Ngọc Hồi trên diện tích 95ha để di chuyển các đơn vị của ngành đường sắt tại ga Hà Nội, Giáp Bát và là đầu mối phía Nam của Đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Ngoài ra, xây dựng đoạn cầu cạn ga Giáp Bát - ga Gia Lâm, dài 11,51 km (bao gồm 3 ga quốc gia, 6 ga đô thị), cầu đường sắt vượt sông Hồng. Tuy nhiên sau đó đến năm 2011, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép tách Dự án giai đoạn 1 thành hai dự án riêng biệt. Theo đó, sau khi điều chỉnh, phạm vi dự án giai đoạn 1 không đầu tư đoạn tuyến trên cao từ Giáp Bát - Gia Lâm như phương án đầu tư ban đầu, mà chỉ tập trung vào Khu tổ hợp Ngọc Hồi.
Dù Dự án được tài trợ bởi nguồn vốn ODA, tuy nhiên khó khăn lớn nhất của Dự án hiện nay là kinh phí GPMB. Theo đại diện Bộ GTVT, tại các buổi làm việc với Đoàn giám sát dự án của JICA mới đây, nhà tài trợ yêu cầu phía Việt Nam bố trí vốn để hoàn thành tối thiểu 50% khối lượng GPMB cho Khu tổ hợp Ngọc Hồi thì mới phê duyệt hồ sơ mời thầu và chấp thuận cho phép thực hiện công tác đấu thầu Dự án.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, tính đến cuối năm 2017, UBND huyện Thanh Trì đã hoàn thành GPMB 32/151 ha Khu tổ hợp Ngọc Hồi. Công tác GPMB Dự án giai đoạn 1 hiện bị chững lại do chủ đầu tư không được bố trí đủ vốn.
Cũng theo Bộ GTVT, tổng nhu cầu vốn cho hạng mục GPMB của Dự án giai đoạn 1 là 2.310 tỷ đồng. Trong khi đó, từ năm 2009 đến năm 2017, Dự án mới được bố trí 388 tỷ đồng. Kế hoạch vốn từ năm 2016 - 2020 là 512 tỷ đồng. Với việc bố trí vốn như trên có thể khiến khả năng hoàn thành công tác GPMB vào năm 2020 để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2024 là khó hoàn thành. Hi vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT cùng các các cơ quan, ban ngành, Dự án đường sắt này sớm được triển khai.
Minh Hữu
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội