Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Những tập đoàn lớn của Việt Nam đang rót vốn vào Myanmar

Thứ năm, 03/04/2025 07:05 (GMT+7)

Các tập đoàn lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT hay Thaco Group đều ghi dấu ấn đậm nét tại xứ sở chùa tháp này.

Theo số liệu mới nhất từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2023, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Myanmar đạt 2,247 tỷ USD, với 34 dự án. Việt Nam là nước đầu tư lớn thứ 7 vào Myanmar. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 688 triệu USD. Việt Nam xếp thứ 5 trong các nước ASEAN về quan hệ thương mại với đất nước Đông Nam Á này.

Myanmar là thị trường tiềm năng đối với các nhóm, mặt hàng và dịch vụ từ Việt Nam như: Sắt, thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và thiết bị điện, xe máy và xe đạp, thực phẩm và nguyên liệu chế biến thực phẩm, hàng điện tử và điện gia dụng, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu hàng rau, quả, cao su, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại thường từ Myanmar.

Việt Nam, Myanmar có tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Myanmar như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco), Tập đoàn FPT,…

Thaco Group

Thaco Group là một trong những tập đoàn hàng đầu cả nước, kinh doanh đa ngành từ nông nghiệp, bất động sản, ô tô, logistics,… Không những tại Việt Nam, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương còn "vươn cánh tay" sang Lào, Campuchia và cả Myanmar.

Tháng 10/2019, một công ty con của Thaco Group là Địa ốc Đại Quang Minh đã chi 5.641 tỷ đồng để mua lại xấp xỉ 100% cổ phần của CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land) từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) và các cổ đông khác, qua đó gián tiếp sở hữu công ty HAGL Myanmar.

HAGL Myanmar là doanh nghiệp đang sở hữu quyền thuê đất dài hạn để xây dựng và phát triển các dự án bất động sản tại vùng đất Phật giáo này, với dự án chính là khu phức hợp HAGL Myanmar tại thành phố Yangoon - thành phố đông dân nhất của Myanmar.

Khu phức hợp HAGL Myanmar tại thành phố Yangoon hiện đang thuộc sở hữu của Thaco Group. (Ảnh: Thaco).

Dự án tại Yangoon bao gồm hệ thống Trung tâm thương mại - Văn phòng - Khách sạn - Trung tâm hội nghị - Căn hộ cho thuê. Vốn đầu tư xây dựng cho giai đoạn 2 ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng, chi phí nâng cấp giai đoạn 1 là 535 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư của Dự án Myamar là 16.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 của dự án bao gồm khu khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại đã được đưa vào vận hành từ năm 2015 và tạo ra nguồn thu ổn định cho HAGL trong các năm qua. Giai đoạn 2 gồm các block căn hộ và văn phòng được khởi công từ năm 2016.

Tập đoàn Viettel

Đầu năm 2015, Tổng giám đốc Viettel, đồng thời là Chủ tịch Viettel Global – đơn vị thành viên của Tập đoàn Viettel, đã ký duyệt thông qua với chủ trương thực hiện dự án đầu tư vào Myanmar trong lĩnh vực viễn thông và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi ngành nghề kinh doanh của Viettel Global.

Đồng thời, thông qua việc hợp tác với đối tác tại Myanmar, thành lập công ty tại Myanmar với tên dự kiến là Viettel Myanmar (Mytel) để triển khai thực hiện dự án.

Sau nhiều năm phát triển, hiện tại tại Myanmar, Mytel ghi dấu ấn là nhà mạng dẫn đầu về thị phần với 38% và giữ vị trí số 1 trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ băng rộng cố định, với hơn 50% thị phần tính đến tháng 6/2024. Đây là thành quả đáng chú ý trong bối cảnh Mytel phải cạnh tranh với các nhà mạng đã có mặt lâu đời tại thị trường này.

Mytel - thương hiệu của Viettel Global ghi dấu ấn là nhà mạng dẫn đầu về thị phần với 38% và giữ vị trí số 1 trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ băng rộng cố định tại Myanmar. (Ảnh: Viettel Global).

Myanmar cũng là thị trường lớn nhất và đông dân nhất mà Tập đoàn Viettel đã đầu tư. Một trong những sản phẩm quan trọng của Mytel là ứng dụng MyID, được mệnh danh là “ứng dụng quốc dân” tại Myanmar. MyID cung cấp nội dung giải trí đa dạng, thu hút hơn 11 triệu người dùng hàng tháng và hơn 5 triệu người dùng hàng ngày, trở thành Super App hàng đầu tại quốc gia này.

Đồng thời, MytelPay – ví điện tử của Mytel – cũng đang phát triển mạnh với hơn 3 triệu người dùng thực hiện giao dịch mỗi tháng.

Về hạ tầng viễn thông, Mytel đã xây dựng hơn 42.000 km cáp quang và trở thành nhà mạng có hạ tầng lớn nhất tại Myanmar. Công ty cũng khai trương trung tâm dữ liệu hiện đại đạt chuẩn Tier 3 Uptim, với quy mô mở rộng lên đến 300 racks, đáp ứng nhu cầu thuê chỗ đặt của các doanh nghiệp.

Dù đạt được nhiều thành công, Viettel Global – công ty mẹ của Mytel đang phải đối mặt với một loạt thách thức tài chính liên quan đến các khoản phải thu từ Mytel. Do tình hình chính trị bất ổn tại Myanmar và chính sách hạn chế chuyển ngoại tệ, Viettel Global đã phải trích lập dự phòng một lượng tiền lớn cho các khoản phải thu khó đòi tại Mytel.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024, tính đến hết tháng 12, Viettel Global đang phải ghi nhận tổng cộng hơn 10.900 tỷ đồng nợ xấu tại công ty ở Myanmar, song phải trích lập dự phòng 72% trong số đó, đồng nghĩa khoảng 7.800 tỷ có thể “mất đi”.

Theo lãnh đạo Viettel Global, Mytel vẫn đang tạo ra dòng tiền ổn định và duy trì vị thế dẫn đầu tại Myanmar, vượt xa các đối thủ. Tuy nhiên, những khó khăn liên quan đến chi phí cao và lỗ tỷ giá khiến thời gian hoàn vốn kéo dài hơn dự kiến.

Mytel đã thu xếp trả về Viettel Global khoảng 110 – 120 triệu USD mỗi năm, và công ty ước tính sẽ thu hồi nợ trong khoảng 5-6 năm tới. Công ty cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và các phương thức thanh toán để đẩy nhanh quá trình này.

Nếu quá trình thu hồi nợ diễn ra theo đúng kế hoạch, Viettel Global sẽ có cơ hội hoàn nhập dự phòng và mang lại khoản lợi nhuận lớn, cải thiện đáng kể tình hình tài chính.

Tập đoàn VNPT

Một tập đoàn viễn thông khác của Việt Nam là VNPT, hồi tháng 9/2014, cũng chính thức khai trương văn phòng đại diện tại thành phố Yangon (Myanmar) để làm “bước đệm” thâm nhập vào thị trường được đánh giá còn nhiều tiềm năng này.

VNPT cũng cho rằng Myanmar là thị trường trọng điểm trong kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. Từ năm 2011, VNPT đã tham gia các cuộc xúc tiến thương mại mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư, tìm kiếm các đối tác, bạn hàng tại thị trường này và đã trở thành đối tác của một số doanh nghiệp viễn thông Myamar.

Tới năm 2015, VNPT và Công ty Elite Telecom Public đã trở thành đối tác và tới tháng 9 cùng năm, Công ty TNHH StreamNet được chính thức thành lập với tổng vốn đầu tư của cả hai bên trong giai đoạn đầu là hơn 15 triệu USD. Trong đó, VNPT nắm giữ 67% cổ phần và Elite Telecom Public nắm giữ 33%.

Ngay khi đi vào hoạt động, StreamNet sẽ cung cấp một loạt các dịch vụ viễn thông bao gồm FTTx (băng rộng cáp quang), Kênh thuê riêng (Leased Line VPN), IP transit, Vệ sinh (Satellite), tên miền, web hosting, email...

VNPT thành lập liên doanh StreamNet vốn 15 triệu USD tại Myanmar năm 2017. (Ảnh: VNPT).

Tập đoàn FPT

Từ năm 1999, Tập đoàn FPT đã “đem chuông đi đánh sứ người”. Đến tháng 7/2013, Công ty FPT Myanmar chính thức được thành lập, đánh dấu sự có mặt chính thức của doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam ở nước bạn.

Theo FPT, ở Myanmar khó nhất chính là các giấy phép con, một số giấy phép bán không thể xin ở cấp Chính phủ mà chỉ có thể xin ở cấp thành phố và cấp bang. Ví dụ FPT khí có giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông vào năm 2015, để triển khai được việc triển khai hạ tầng Internet, FPT Myanmar phải xin thêm một loạt giấy phép khác như giấy phép cung cấp dịch vụ kêt nối Intenet quốc tế, giấy phép kéo cable dưới đất...

Đấy là chưa kể, Myanmar vốn được xem là “miền đất màu mỡ” nên rất nhiều doanh nghiệp ào ạt vào xứ này tìm cơ hội tạo nên sức ép cạnh tranh lớn. Bên cạnh đó, những khác biệt về văn hóa, tính cách của con người cũng là những rào cản không nhỏ cho việc “đóng dinh” ở xứ sở chùa vàng.

Minh Hằng
Nguồn: sohuutritue.net.vn