Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Những sếp lớn làm vì ‘đam mê’, nhận lương 0 đồng

Thứ ba, 01/04/2025 13:02 (GMT+7)

Theo báo cáo tài chính doanh nghiệp, năm 2024 một số lãnh đạo doanh nghiệp nhận thù lao 0 đồng như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch LPbank Nguyễn Đức Thụy hay Chủ tịch Vietcap Nguyễn Thanh Phượng…

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nhận lương 0 đồng tại Vingroup

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC), trong năm 2024, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup - người đang nắm giữ 691 triệu cổ phiếu VIC, nhận thù lao 0 đồng. Đáng chú ý, từ nhiều năm nay, vị tỉ phú này cũng đã không nhận thù lao từ tập đoàn.

Theo tìm hiểu, ông Vượng cũng không có trong danh sách những đợt chào bán cổ phiếu ưu đãi cho lãnh đạo, cán bộ, người lao động (ESOP) của Vingroup.

Ngoài việc không nhận thù lao từ Vingroup, trong hai năm 2023 và 2024, ông Vượng còn bỏ tiền túi để đầu tư cho VinFast - thành viên Vingroup, tổng cộng 27.257 tỷ đồng. Trong đó, ông tài trợ 8.277 tỷ đồng cho VinFast trong năm 2023 và 18.890 tỷ năm 2024.

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nhận lương 0 đồng tại Vingroup. (Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán 2024 của Vingroup)

Ước tính theo thị giá VIC hiện tại (58.600 đồng/cp tại phiên sáng 01/4), giá trị tài sản của Chủ tịch Vingroup (bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp) trên sàn chứng khoán Việt Nam lên đến hơn 120.000 tỷ đồng (4,7 tỷ USD).

Theo cập nhật mới nhất của Forbes, tại ngày 31/3, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản lên đến 7,5 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 411 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Chủ tịch LPBank Nguyễn Đức Thụy không nhận lương 2 năm liên tiếp tại LPBank

Theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã chứng khoán: LPB), ông Nguyễn Đức Thụy là thành viên duy nhất trong HĐQT không nhận thù lao trong 2 năm liên tiếp 2023 và 2024.

Ông Thụy gia nhập HĐQT LPBank từ năm 2021. Lần gần nhất, ông Thụy nhận thu nhập từ vị trí lãnh đạo là năm 2021, với tổng thù lao 3,8 tỷ đồng. Từ đó, ông không nhận thêm bất kỳ khoản lương thưởng nào, dù giữ vai trò điều hành cấp cao tại LPBank.

Theo danh sách cổ đông giữ trên 1% vốn điều lệ hồi tháng 7/2024, ông Nguyễn Đức Thụy nắm hơn 70,7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ hơn 2,765%.

Ông Nguyễn Đức Thụy không nhận lương tại LPB. (Nguồn: BCTC 2024 LPBank đã kiểm toán)

Ông Nguyễn Đức Thụy sinh năm 1976, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Colorado State (Mỹ). Trước khi bước vào lĩnh vực ngân hàng, ông là người sáng lập và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn ThaiGroup, Thaiholdings, Du lịch Kim Liên và Enclave Phú Quốc.

Lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận sau thuế ngân hàng đạt hơn 9.700 tỷ đồng, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của LPBank tăng 34,7% so với cùng kỳ, lên 508.330 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu LPB tại phiên sáng 01/4 ghi nhận ở mức 33.400 đồng/cp.

Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng nhận thù lao 0 đồng dù Vietcap lãi lớn

Công ty CP Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán: VCI) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025. Trong đó, thông tin về chính sách thù lao dành cho ban lãnh đạo trong năm 2024 đã gây sự chú ý đặc biệt. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng cùng hai thành viên HĐQT là ông Tô Hải và ông Đinh Quang Hoàn đều không nhận thù lao trong năm vừa qua.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên bà Phượng duy trì chính sách lương 0 đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2025, bà cùng hai thành viên khác vẫn sẽ tiếp tục không nhận thù lao.

 Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng cùng hai thành viên HĐQT là ông Tô Hải và ông Đinh Quang Hoàn không nhận thù lao năm 2024. (Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán 2024 của Vietcap)

Năm 2024, Chứng khoán Vietcap ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc với doanh thu hoạt động đạt hơn 3.695 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên gần 911 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 49% và 85% so với cùng kỳ 2023.

Năm 2025, Vietcap có kế hoạch trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 4.325 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.420 tỉ đồng, tăng lần lượt 15% và 30% so với thực hiện năm trước. Cổ tức dự kiến 5 - 10%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCI có sự hồi phục đáng kể từ đầu năm 2025 đến nay. Thị giá tại phiên 1/4 đạt mức 38.350 đồng/cp - tăng khoảng 18% từ đầu năm.

Thực tế, việc lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp không nhận thù lao không phải là chuyện hiếm. Đơn cử ba thành viên Hội đồng quản trị kiêm sáng lập FPT (mã chứng khoán: FPT) như ông Trương Gia Bình, ông Đỗ Cao Bảo và ông Bùi Quang Ngọc nhiều năm liền không nhận thù lao.

Tại Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG), ba lãnh đạo cấp cao gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trần Huy Thanh Tùng và Thành viên HĐQT Đoàn Văn Hiểu Em cũng không nhận thù lao trong năm 2024.

Tại Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN), báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp ghi nhận, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan và các thành viên khác trong HĐQT đều không nhận thù lao trong năm 2023 và 2024.

Tuy nhiên, thực tế thù lao hay tiền lương không phải là nguồn thu nhập duy nhất của các lãnh đạo doanh nghiệp. Các lãnh đạo doanh nghiệp có thể gia tăng thu nhập nhờ được hưởng các quyền như chọn mua cổ phiếu, hưởng cổ tức hoặc các khoản thưởng liên quan đến việc thực hiện kế hoạch kinh doanh.

Linh Trang
Nguồn: sohuutritue.net.vn