Nhựa Hà Nội bị truy thu thuế hơn 4 tỷ, công ty mẹ ‘bơm’ 89 tỷ đồng cứu đợt chào bán cổ phiếu
Thứ hai, 14/07/2025 07:05 (GMT+7)
Bị truy thu thuế và xử phạt hơn 4 tỷ đồng, Nhựa Hà Nội còn gặp khó khi đợt chào bán cổ phiếu không thành công. Công ty mẹ là Nhựa An Phát Xanh đã “ra tay giải cứu” bằng gần 89 tỷ đồng.
Công ty CP Nhựa Hà Nội bị truy thu và phạt thuế hơn 4 tỷ đồng. Ảnh: HPC
Giữa lúc đối mặt án phạt thuế hơn 4 tỷ
đồng, Công ty CP Nhựa Hà Nội (HNX: NHH) tiếp tục gặp thêm khó khăn khi đợt chào
bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu rơi vào cảnh ế ẩm. Trong bối cảnh này, công
ty mẹ - Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) đã quyết định chi gần 89 tỷ đồng mua trọn
lô cổ phiếu chưa bán hết, thể hiện vai trò "chống lưng" tài chính
đáng kể.
Mới đây, Công ty CP Nhựa Hà
Nội (gọi tắt là Nhựa Hà Nội) chính thức công bố thông tin về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế do Cục Thuế ban hành. Cụ thể, tổng số tiền công ty
phải nộp vào ngân sách là hơn 4 tỷ đồng, bao gồm truy thu thuế 2,73 tỷ đồng. Phạt
vi phạm hành chính gần 678 triệu đồng, do các hành vi khai sai dẫn đến thiếu
thuế, khai sai thuế giá trị gia tăng và lập hóa đơn sai thời điểm. Đáng chú ý,
một số hành vi còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng. Ngoài ra, công ty này còn phải
nộp khoản tiền chậm nộp thuế là hơn 586 triệu đồng, tính đến hết ngày 1/7/2025.
Mặc dù doanh nghiệp không công bố cụ
thể thời kỳ kiểm tra, song đây được xem là đòn giáng tài chính không nhỏ trong
bối cảnh Nhựa Hà Nội đang cố gắng tái cơ cấu dòng tiền và tăng vốn điều lệ
thông qua phát hành cổ phiếu.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế qua kiểm tra thuế của Cục Thuế (Bộ Tài chính).
Trước đó, Nhựa Hà Nội đã thực hiện đợt
chào bán 36,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/cổ
phiếu. Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan khi chỉ có 27,5 triệu cổ phiếu
được đăng ký mua, tương đương gần 76% lượng phát hành.
Khoảng 8,89 triệu cổ phiếu còn lại -
tương đương gần 89 tỷ đồng giá trị, không có người mua. Trong tình huống này, Nhựa
An Phát Xanh (AAA) - công ty mẹ hiện nắm giữ 62,75% vốn tại Nhựa Hà Nội, đã
công bố kế hoạch mua trọn số cổ phiếu ế, với tổng giá trị gần 89 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến
vào ngày 16/7/2025, toàn bộ lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng
trong vòng một năm.
Nếu thương vụ hoàn tất, AAA sẽ nâng tỷ
lệ sở hữu tại NHH lên 70,89%, củng cố quyền chi phối tại công ty con và gián
tiếp đảm bảo đợt huy động vốn không thất bại.
Động thái "đỡ đầu" này được
giới đầu tư đánh giá là cú hích niềm tin cho cổ đông còn lại, cho thấy AAA vẫn
đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch phục hồi của Nhựa Hà Nội. Tuy nhiên, cũng phản
ánh sự phụ thuộc tài chính lớn của NHH vào công ty mẹ, nhất là trong bối cảnh
sức mua từ thị trường không như kỳ vọng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu
NHH hiện đang giao dịch quanh vùng 13.900 đồng/cổ phiếu (kết phiên 11/7), thấp
hơn gần 40% so với đỉnh ngắn hạn hồi đầu năm. Đây cũng là một phần nguyên nhân
khiến giá chào bán 10.000 đồng chưa thực sự hấp dẫn giới đầu tư cá nhân, nhất
là khi niềm tin vào thị trường vốn chưa hồi phục hoàn toàn.
Từ hai sự kiện nối tiếp bị truy thu
thuế và đợt phát hành cổ phiếu không thành công như kỳ vọng, có thể thấy Nhựa
Hà Nội đang phải đối mặt với áp lực tái cấu trúc cả về tài chính lẫn vận hành.
Nguồn vốn huy động đợt này, nếu không
có sự "ra tay" của công ty mẹ, sẽ để lại một khoảng trống đáng kể cho
kế hoạch mở rộng, đầu tư máy móc, hoặc xử lý nợ ngắn hạn. Mặt khác, việc bị cơ
quan thuế “sờ gáy” cũng phần nào đặt dấu hỏi về quy trình kiểm soát nội bộ,
đồng thời làm gia tăng rủi ro pháp lý trong con mắt nhà đầu tư tổ chức.
Hiện chưa rõ AAA sẽ phân bổ lượng cổ
phiếu mua thêm vào chiến lược đầu tư dài hạn như thế nào, tuy nhiên với mức sở
hữu gần 71% tại Nhựa Hà Nội sau giao dịch, nhiều khả năng vai trò kiểm soát,
tái cấu trúc và điều hành sẽ được siết chặt hơn.
111.800 là số doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam gia nhập hoặc tái gia nhập thị trường, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái và trên 110.000 DN tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể hoặc chính thức giải thể, tính đến hết tháng 5/2025
Trước khi hàng loạt chuyến bay của Vietjet Air bị trì hoãn, hủy chuyến không rõ lý do khiến hành khách bức xúc, đối tác cung cấp dịch vụ mặt đất là SAGS thông báo chấm dứt hợp đồng với Vietjet từ 20/4/2025.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2024 lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD, khẳng định vị thế nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai toàn cầu.
Dự án VietinBank Tower hơn 10.000 tỷ đồng tại Ciputra Hà Nội tiếp tục được rao bán sau nhiều năm đình trệ. Ngân hàng mời nhà đầu tư tiềm năng làm việc trước hạn chót 25/7.
Ông Hồ Thìn, đại diện phần vốn của ông Đinh Trường Chinh - người bị vướng vào vòng lao lý từ 2023, vừa được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC).
Mặc dù có sự hậu thuẫn của 3 ông bầu nổi tiếng trong làng bóng đá, đặc biệt là bầu Hải của Công ty Nutifood nhưng thương hiệu Cà phê Ông Bầu đang đối mặt nhiều vấn đề khi bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Chi nhánh Cà phê Ông Bầu bị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.