Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Gần 600 loại sữa giả tung hoành 5 năm: Mẹ ân hận vì 'đầu độc con từng ngày'

Thứ tư, 16/04/2025 15:34 (GMT+7)

Gần 600 loại sữa giả bị phanh phui: Người nổi tiếng tiếp tay, niềm tin người tiêu dùng bị đánh cắp, trẻ em và người bệnh đối mặt nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

Vụ việc Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với quy mô lên tới 573 nhãn hiệu, do hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group cầm đầu. Không chỉ vì con số khổng lồ gần 500 tỷ đồng thu lợi bất chính, mà bởi sản phẩm nhắm tới những đối tượng đặc biệt nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ mang thai và người lớn tuổi.

Hệ lụy không chỉ dừng ở tiền bạc, mà sâu xa hơn là cú đòn đánh thẳng vào niềm tin người tiêu dùng khi họ đặt cược sức khỏe người thân vào những hộp sữa tưởng như an toàn, thậm chí được “bảo chứng” bởi những gương mặt quen thuộc trong giới nghệ sĩ.

Khi niềm tin trở thành “con mồi”

Không ít người tiêu dùng thừa nhận, lý do họ chọn sản phẩm không phải vì hiểu thành phần, mà bởi nghe theo lời quảng cáo từ những người nổi tiếng mà họ yêu mến. Từ các phiên livestream trên Facebook, YouTube, Tiktok,... đến những buổi chia sẻ tại một số hội thảo, sản phẩm sữa giả được gắn với hình ảnh các diễn viên, MC, người mẫu... như một cách "bảo đảm mềm" cho chất lượng. Đó là lý do nhiều phụ huynh, người bệnh, sau khi biết sự thật đã cảm thấy bị phản bội. Họ không chỉ mất tiền, mà còn mang bệnh vì chính lòng tin của mình đã bị lợi dụng.

Ảnh minh họa.

Chị Nguyễn Thị Hải (mẹ của một bé sinh thiếu tháng tại Hà Nội) kể lại, chị đã mua sữa qua một buổi hội thảo có người nổi tiếng tham dự. Sau hai tháng cho con uống, bé bị rối loạn tiêu hóa, sụt cân liên tục. Tới khi báo chí đưa tin phá đường dây sữa giả, chị mới tá hỏa. “Tôi cứ nghĩ đang nuôi con bằng sữa yến, sữa óc chó cao cấp, ai ngờ lại đang đầu độc con từng ngày”, chị Hải nói.

Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn tuổi cũng là nạn nhân sử dụng phải sữa giả. Ông Nguyễn Văn Long (72 tuổi, sống tại Bắc Giang), hiện đang điều trị bệnh tiểu đường và suy thận nhẹ. Gần hai năm qua, ông Long đều dùng một loại sữa “dành riêng cho người bệnh” được quảng cáo rầm rộ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và được nói đảm bảo, uy tín. “Tôi mua vì tin tưởng, vì nghĩ nghệ sĩ lớn quảng cáo cho sản phẩm nên tôi nghĩ sẽ nói không sai. Nhưng mới hôm qua, cháu tôi kiểm tra mã sản phẩm và phát hiện nó nằm trong danh sách sữa giả bị công an triệt phá. Tôi thấy sốc, vì uống hơn một năm nay, vậy mà vẫn mệt mỏi, chẳng thấy cải thiện. Giờ mới hiểu lý do tại sao”.

Trong làn sóng phẫn nộ sau vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa bột bị phát hiện làm giả, câu chuyện của biên tập viên Thu Hà - một gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình quốc gia đã khiến cộng đồng mạng không khỏi bàng hoàng.

Tối 14/4, trên trang Facebook cá nhân, chị Thu Hà chia sẻ: Cuối năm ngoái, chồng chị phải trải qua một ca phẫu thuật não nghiêm trọng. Trong những ngày đầu hậu phẫu, với tất cả sự lo lắng và yêu thương, chị đã cẩn thận chọn mua một loại sữa dinh dưỡng được quảng cáo là “cao cấp, nhập khẩu, phù hợp cho người bệnh cần hồi phục sức khỏe” để bồi bổ cho chồng.

"Giờ nhìn lại, tôi chết lặng khi thấy chính loại sữa đó nằm trong danh sách sản phẩm bị làm giả. Thật sự không thể tin nổi!", biên tập viên Thu Hà viết.

Nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ, sản phụ sau sinh, người đang điều trị bệnh… đã không giấu được sự bức xúc khi phát hiện sản phẩm mình từng tin tưởng lại là hàng giả. Ảnh chụp màn hình.

Là người kỹ tính trong chuyện ăn uống và chăm sóc sức khỏe cho gia đình, chị Hà cho biết, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào tình cảnh như vậy. “Thời điểm ấy, cả nhà rối bời vì ca phẫu thuật, tôi chỉ biết cố gắng tìm sản phẩm tốt nhất trong khả năng. Nhưng tôi đã không kịp kiểm tra kỹ càng như mọi khi. Tôi đã tin vào quảng cáo, tin vào lời giới thiệu, và giờ thì... Rất may, bác sĩ điều trị khuyên chồng tôi nên ăn thô và không phụ thuộc vào sữa dinh dưỡng, nên anh chỉ uống 2, 3 ngày rồi dừng. Nếu không, tôi không dám nghĩ chuyện gì có thể xảy ra”, chị Hà kể.

Câu chuyện của biên tập viên Thu Hà nhanh chóng được chia sẻ mạnh mẽ, trở thành tâm điểm của dư luận. Hàng ngàn người để lại bình luận thể hiện sự đồng cảm, bởi họ cũng từng đặt niềm tin vào những sản phẩm “có vẻ uy tín”. Thậm chí, được người nổi tiếng quảng cáo rầm rộ. “Tôi cũng từng mua sữa này cho mẹ tôi đang xạ trị. Giờ đọc danh sách, thấy tên mà muốn khóc”, một tài khoản bình luận.

Chị Hải, ông Long hay biên tập viên Thu Hà chỉ là một trong số ít những người tiêu dùng bị lợi dụng lòng tin. Còn rất nhiều những nạn nhân khác của vụ việc cũng cũng đang rất hoang mang khi biết con cái, người thân của mình uống phải sữa giả. Họ đều đang chờ đợi kết luận từ cơ quan chức năng. Đồng thời, không ít người tiêu dùng cho biết, sau sự việc lần này họ đã thay đổi hoàn toàn quan điểm và cách thức về lựa chọn sữa: “Không nghe tư vấn. Tuyệt đối không tin quảng cáo. Phải tự tìm hiểu”.

Vụ việc gần 600 sản phẩm sữa giả được tuồn ra thị trường từ năm 2021 đến nay không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang mà còn phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong giám sát thực phẩm. Trong khi các cơ quan chức năng lại "đùn đẩy" trách nhiệm. Bộ Công Thương khẳng định “không thuộc chuyên ngành, còn Bộ Y tế lại viện dẫn “đã chỉ đạo hậu kiểm”, khiến người tiêu dùng trở thành nạn nhân của sự buông lỏng quản lý.

Hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe

Theo Đại tá, bác sĩ Thầy thuốc Ưu tú Đinh Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện 354, việc sử dụng sữa giả đặc biệt là các loại sữa bột được quảng cáo rầm rộ nhưng không chứa các thành phần dinh dưỡng như công bố (tổ yến, đông trùng hạ thảo, macca, óc chó...) đang tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Sữa giả có chỉ số dinh dưỡng thực tế dưới 70% sẽ khiến bệnh nhân mãn tính (tiểu đường, tim mạch, ung thư…) không đạt được hiệu quả điều trị, gây suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa Glucid, giảm miễn dịch. "Đặc biệt, nếu chứa phụ gia không rõ nguồn gốc hay hóa chất công nghiệp như Melamine, hậu quả có thể là ngộ độc, tổn thương gan thận, thậm chí gây dị tật bẩm sinh hoặc ung thư", bác sĩ Bình thông tin.

Bác sĩ Bình cho biết, ở trẻ em, tác hại còn sâu sắc hơn: Chậm lớn, thiếu vi chất, tiêu chảy, nổi mẩn, suy dinh dưỡng, kém phát triển trí tuệ. Với người già, người bệnh, hệ miễn dịch bị bào mòn từng ngày, kéo theo nguy cơ loãng xương, rối loạn chuyển hóa, đột quỵ,…

Người tiêu dùng nên chọn mua sữa từ thương hiệu lớn, mua tại nơi uy tín như siêu thị, nhà thuốc, đại lý chính thức. Kiểm tra kỹ bao bì, mã QR, tem chống giả, và tuyệt đối tránh sản phẩm được quảng bá quá rầm rộ hoặc giảm giá bất thường.

Theo bác sĩ Bình, nếu người tiêu dùng đã dùng sữa giả trong thời gian dài nên đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện, khám tổng thể và làm các xét nghiệm như: Công thức máu, kiểm tra Protein máu, chức năng gan thận, Glucose máu, xét nghiệm nước tiểu tổng thể để xem có tổn thương thận không. Nếu nghi ngờ bị nhiễm độc kim loại nặng thì cần làm xét nghiệm kim loại nặng trong máu và nước tiểu để phát hiện phơi nhiễm trong ngộ độc thực phẩm.

Một vấn đề được đặt ra là, tại sao những sản phẩm giả này có thể “qua mặt” cơ quan chức năng suốt từ năm 2021 đến nay. Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Huy Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, câu trả lời nằm ở thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp: Ban đầu thực hiện hồ sơ công bố sản phẩm đúng quy trình, sau đó thay đổi nguyên liệu, sản xuất trái phép và phát hành dưới dạng “tặng mẫu” tại hội thảo, phòng khám, không đưa vào hệ thống siêu thị lớn khiến việc kiểm tra, giám sát gần như bất khả thi. Chưa dừng lại ở đó, các công ty còn đầu tư mạnh vào truyền thông, thuê người nổi tiếng quảng bá, tạo lớp vỏ hào nhoáng để đánh vào cảm xúc và lòng tin người tiêu dùng.

"Đặc biệt là thực phẩm chức năng, sữa bột cho người bệnh không thể là sân chơi của những kẻ làm ăn gian dối. Cần xử lý nghiêm minh, minh bạch và công khai những cá nhân, tổ chức liên quan, dù họ là doanh nhân, nghệ sĩ hay người có ảnh hưởng", luật sư Thắng nêu quan điểm.

Theo luật sư Thắng, chế tài xử lý hành vi sản xuất và buôn bán thực phẩm giả hiện nay là tương đối nghiêm khắc. Tuy nhiên, khi hàng giả vẫn tiếp tục “sống khỏe” trong các hội nhóm online, các kênh mạng xã hội, và dưới danh nghĩa những gương mặt quen thuộc, thì trách nhiệm không thể chỉ đổ lên một phía. Cần siết lại quy định về quảng cáo, đặc biệt là trách nhiệm liên đới của người nổi tiếng khi tham gia quảng bá sản phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kỹ năng tiêu dùng thông minh, cảnh giác trước những lời cam kết quá hoàn hảo.

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc gây hiểu nhầm về năng lực kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ… có thể bị xử phạt hành chính khá nghiêm khắc. Cụ thể, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng; còn nếu là tổ chức, mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, từ 120 đến 160 triệu đồng.
Trong trường hợp người vi phạm đã từng bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm, thì hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 của Bộ luật Hình sự tội Quảng cáo gian dối.
Cụ thể, Điều 197 quy định: người nào đã từng bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi quảng cáo gian dối nhưng chưa được xóa án tích, nếu tiếp tục vi phạm, có thể đối mặt với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, hoặc bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ lên tới 3 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu thêm các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc đảm nhiệm các công việc liên quan trong thời hạn từ 1 đến 5 năm.

Công Thành
Nguồn: sohuutritue.net.vn