Ngày 8/4, Uber Đông Nam Á chính thức sát nhập vào Grab: Câu chuyện về “chiếc bánh thị phần”

Thứ sáu, 06/04/2018, 10:46 AM

Những ngày qua, dư luận Việt Nam lại dậy sóng bởi câu chuyện sát nhập của Uber vào Grab. Như vậy là chắc chắn, ứng dụng đặt xe lớn nhất thế giới sẽ rút khỏi thị trường Đông Nam Á, sau khi hoàn tất các bước chuyển giao cuối cùng vào ngày 8/4 tới đây.

Grab-Acquire-Uber

Grab “thâu tóm” thị trường Đông Nam Á

Ngày 26/3 vừa qua, Grab và Uber đồng loạt thông báo, Grab đã hoàn thành thủ tục mua lại thị phần Đông Nam Á của đối thủ.

Hai bên đang chuẩn bị những bước cuối cùng để Uber Đông Nam Á chính thức sát nhập vào Grab vào ngày 8/4.

Ra đời từ năm 2009 tại Mỹ, Uber đã trở thành cái tên tiên phong trong lĩnh vực công nghệ vận tải. Năm 2012, Grab chính thức ra đời tại Malaysia và dần trở nên phổ biến tại Đông Nam Á.

Tháng 2/2014, Grab đặt chân vào Việt Nam với tên gọi Grab Taxi. Bốn tháng sau, Uber chính thức gia nhập thị trường Việt Nam. Sau 4 năm hoạt động, Grab và Uber đã trở thành những cái tên quen thuộc với hành khách Việt.

Sự xuất hiện của Grab và Uber khiến thị trường vận tải hành khách Việt Nam xáo trộn vì sự cạnh tranh. Và dù muốn dù không, tất cả đều phải thừa nhận ưu thế đáng kể của hai ông lớn này, nhất là về mặt giá cả.

Giờ đây, rất nhiều người lo ngại Grab khi không còn đối thủ cạnh tranh sẽ khiến cho thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam trở nên hỗn loạn và có thể, độc chiếm luôn thị trường này.

Nhưng tận cùng của câu chuyện, có lẽ không phải như vậy.

Chia lại “chiếc bánh thị phần”

Câu chuyện Uber nhường thị trường Đông Nam Á “béo bở” cho Grab dễ khiến cho người ta liên tưởng về sự lớn mạnh của Grab. Kỳ thực, đằng sau vụ việc Grab mua lại thị trường Đông Nam Á của Uber là cả một câu chuyện dài mang tên “chiếc bánh thị phần”.

Bởi lẽ, Đông Nam Á vốn là sân nhà của Grab. Nơi được coi là “quê hương” sản sinh ra ứng dụng này chính là Malaysia, một quốc gia mang đầy đủ đặc tính văn hóa của ASEAN.

Một Đông Nam Á với rất nhiều những con đường nhỏ và dài, chỉ phù hợp với việc di chuyển bằng xe máy hoặc những chiếc xe nhỏ, rất khó kiếm ra một chiếc taxi ở những nơi hẻo lánh. Một Malaysia với đầy đủ đặc tính của Đông Nam Á, cộng với ưu thế hội nhập của chính quốc gia này đã tạo nên ứng dụng vận tải trên nền tảng cộng nghệ mang tên Grab.

Vậy nên, hơn ai hết, Grab hiểu thị trường của mình và biết cách làm thế nào để trở thành “ông vua” ở nơi ấy.

Bởi lẽ, thị trường Đông Nam Á vốn dĩ béo bở, song lại không phải là một thị trường lý tưởng của Uber. Một Uber ra đời tận phương Tây, nơi chỉ có những con đường to với những chiếc xe bốn bánh, khi vào Đông Nam Á, chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ.

Bởi lẽ, một anh chàng phương Tây “to xác” đến đâu cũng không thể nào hiểu hết được văn hóa của phương Đông. Dù cho Uber có là ứng dụng đặt xe lớn nhất thế giới với độ phủ sóng rộng lớn hơn 633 thành phố thì ngay tại “sân nhà” của mình, Grab vẫn có những ưu thế lớn hơn, với doanh số cao hơn.

Vậy nên thật dễ hiểu khi Grab lấn lướt Uber và rồi mua luôn thị phần Đông Nam Á của đối thủ. Nhưng Uber, với sự tiên phong và lớn mạnh của mình, dĩ nhiên không để đối thủ “dễ dàng” chiếm lợi thế như vậy. Uber được lợi gì từ vụ này?

Từ ngày 8/4, Uber và Grab sẽ về

Từ ngày 8/4, Uber và Grab sẽ về "chung một nhà"

Câu trả lời là 27,5% cổ phần của Grab, và CEO của Uber,  Dara Khosrowshahi bước chân vào đội ngũ lãnh đạo của Grab.

Như vậy, dù “đánh mất” một thị phần nhỏ (so với toàn bộ thị phần quốc tế), Uber vẫn sẽ không thua thiệt trong cuộc chiến này. Bởi lẽ “miếng bánh” đã được Grab mua lại của Uber, về lâu dài, cũng sẽ trở thành một phần của “chiếc bánh thị phần” mà Uber sở hữu. Từng bước, Uber sẽ thâu tóm và nuốt gọn đối thủ, trở thành ứng dụng phủ sóng rộng khắp toàn thế giới không kể khu vực.

Như vậy, cuộc chiến Grab và Uber không chỉ dừng lại ở thị trường Đông Nam Á mà còn là cuộc chiến lâu dài trên thương trường quốc tế. Uber đang đi từng bước vững chắc trên con đường hạ gục đối thủ, dù rằng, cái lợi trước mắt thuộc về Grab.

Cuộc chiến Grab và Uber những tưởng đã kết thúc nhưng kỳ thực không phải. Động thái của hai bên cho thấy, hai cái tên này sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực vận tải công nghệ. Mà đằng sau cuộc chiến ấy, những doanh nghiệp vận tải truyền thống khó có cửa cạnh tranh.

Giải Phóng - Đăng Kiệt – Hoài Viễn

Theo NTD

largeer