Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Ngành công nghiệp váy cưới Mỹ lao đao vì thuế quan

Thứ tư, 07/05/2025 06:45 (GMT+7)

Với mức thuế lên tới 145%, chi phí nhập khẩu các sản phẩm chủ lực của ngành này đã tăng vọt, đe dọa sự tồn vong của hàng nghìn cửa hàng váy cưới và các thương hiệu trên khắp nước Mỹ.

Ngành công nghiệp váy cưới tại Mỹ vốn là một thị trường sôi động và đầy tiềm năng, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng dưới tác động của chính sách thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo báo cáo của CNBC, khoảng 90% váy cưới được bán tại Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mức thuế cao đã đẩy chi phí nhập hàng lên một cách chóng mặt, buộc các nhà bán lẻ phải tìm cách ứng phó. Các cửa hàng váy cưới nhỏ, vốn có biên lợi nhuận thấp hơn và khả năng chống chịu hạn chế, đang là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Không chỉ bị giảm lợi nhuận, nhiều cửa hàng và thậm chí cả một số thương hiệu váy cưới đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn.

Ngành váy cưới ở Mỹ đang gặp khó khăn và thách thức lớn do chính sách thuế quan mới. Ảnh: Observer

Bà Denise Buzy-Pucheu, người sáng lập cửa hàng váy cưới The Persnickety Bride ở Connecticut, đã lên tiếng cảnh báo về tình hình này thông qua một đoạn video gửi tới khách hàng. Bà giải thích rằng việc chuyển đổi sản xuất về Mỹ trong thời gian ngắn là điều không khả thi, do thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật lành nghề và cơ sở hạ tầng cần thiết cho ngành công nghiệp đặc thù này.

Hiệp hội các nhà bán lẻ váy cưới quốc gia (NBRA), đại diện cho khoảng 6.000 cửa hàng váy cưới và trang phục đặc biệt trên toàn nước Mỹ đã xác nhận con số đáng báo động về sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Trước tình hình nguy cấp, NBRA đã phát động một chiến dịch vận động hành lang, kêu gọi các nhà kinh doanh gửi thư tới các nghị sĩ Quốc hội và Nhà Trắng, khẩn thiết yêu cầu miễn trừ thuế đối với các mặt hàng váy cưới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi chính thức từ Nhà Trắng.

Steve Lang, CEO của thương hiệu Mon Cheri của Mỹ, đang xem một chiếc váy cưới tại phòng trưng bày của công ty ông ở Trenton, New Jersey. Ảnh: Xinhuanet

Ông Stephen Lang, người sáng lập thương hiệu váy cưới Mon Cheri với 120 nhân viên, thừa nhận rằng gánh nặng thuế quan đang khiến ông mất ăn mất ngủ và lo sợ công ty có thể rơi vào tình trạng phá sản. Ông Lang cũng chỉ ra những thách thức khác mà ngành công nghiệp váy cưới phải đối mặt, như sự cạnh tranh từ thương mại điện tử khiến nhiều khách hàng chỉ đến cửa hàng thử đồ mà không mua, gây khó khăn cho các cửa hàng trong việc chi trả chi phí thuê mặt bằng và lương nhân viên. Giờ đây, áp lực từ thuế quan càng làm trầm trọng thêm tình hình, đe dọa không chỉ sự tồn tại của các cửa hàng váy cưới mà còn cả phong tục truyền thống chọn lựa trang phục đặc biệt cho những dịp trọng đại của gia đình.

Bà Sandra Gonzalez, Phó chủ tịch NBRA và là chủ một cửa hàng váy cưới ở California, tiết lộ chi phí nhập hàng của bà đã tăng từ 5% đến 25%. Dù chưa tăng giá bán để giữ chân khách hàng, bà thừa nhận không biết còn có thể trụ được bao lâu. "Trụ được tuần nào hay tuần đó", bà chia sẻ sự bất lực và cho biết chắc chắn sẽ phải điều chỉnh giá nếu mức thuế cao vẫn tiếp tục duy trì.

Nhân viên đang sắp xếp váy cưới và váy dạ hội để trưng bày tại phòng trưng bày của thương hiệu Mon Cheri. Ảnh: Xinhuanet

Đối với nhiều cô dâu, giá váy cưới vốn đã là một khoản chi phí đáng kể trong ngân sách đám cưới. Theo khảo sát năm 2025 của The Knot, trung bình cô dâu Mỹ chi khoảng 2.100 USD cho váy cưới, trong tổng chi phí đám cưới trung bình lên tới 33.000 USD. Nếu chi phí thuế quan được chuyển sang người tiêu dùng, giá váy cưới sẽ còn tăng cao hơn nữa, khiến việc tổ chức một đám cưới trở nên đắt đỏ hơn.

Trước những tác động tiêu cực này, một số thương hiệu váy cưới lớn đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược chuỗi cung ứng. Các thương hiệu như David's Bridal và Justin Alexander đang chuyển hướng sản xuất sang các quốc gia khác có mức thuế thấp hơn như Việt Nam và Myanmar hoặc áp dụng phụ phí thuế quan cho một số mẫu mã. Thương hiệu cao cấp Anne Barge thậm chí đã quyết định ngừng sản xuất tại Trung Quốc và chuyển một phần dây chuyền sản xuất về Mỹ, tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho các sản phẩm cao cấp, còn các dòng váy cưới bình dân vẫn phải dựa vào sản xuất tại Việt Nam.

Lê Nguyên
Nguồn: sohuutritue.net.vn