Dù nhiều lần bị xử phạt vì vi phạm quảng cáo sai sự thật, Dược phẩm Hoàng Hường vẫn tiếp tục tái phạm và thường xuyên gây ra những tranh cãi chưa có hồi kết.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị xử
lý fanpage “Dược phẩm Hoàng Hường Meli chính hãng” với lý do quảng cáo thực phẩm
chức năng gây hiểu lầm, chưa được xác nhận nội dung theo quy định. Bởi lẽ, bà
Hoàng Thị Hường, hay còn gọi là Hoàng Hường, sinh năm 1987 tại Phú Thọ, đã trở
thành một "hiện tượng" trên mạng xã hội với hàng loạt phát ngôn gây sốc
và những ồn ào kinh doanh không hồi kết.
Liên tiếp những "thị phi"
Hoàng Hường từng nổi lên như một hiện tượng, khiến
dư luận "dậy sóng" với những lời quảng cáo như sản phẩm “chữa hôi miệng tận kiếp trước” hay "điều trị xương khớp
không cần thuốc Tây". Những tuyên bố dù nghe có vẻ khó tin nhưng
lại thu hút sự chú ý của hàng triệu người.
Dù nhiều lần bị xử phạt vì vi phạm quảng cáo sai sự thật, Dược phẩm Hoàng Hường vẫn tái phạm.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hoàng Hường còn công bố những ý
tưởng gây tranh cãi. Năm 2021, bà Hoàng Thị Hường công bố kế hoạch "khủng", chi 2 tỷ đồng mỗi năm để mời
ca sĩ Hồ Văn Cường làm đại sứ thương hiệu? Cùng thời điểm ấy,
việc bà Hoàng Thị Hường dùng hình ảnh
vợ chồng "cô dâu 62 tuổi" để quảng bá dịch vụ nha khoa, dẫn đến những
lùm xùm pháp lý.
Bước sang năm 2022, thương hiệu Hoàng Hường tiếp tục
"phủ sóng" mạnh mẽ. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển chóng mặt là
những vi phạm liên tiếp. Công ty CP Dược phẩm Hoàng Hường, do chính bà Hoàng Thị
Hường điều hành, đã nhiều lần bị xử
phạt vì quảng cáo vi phạm. Chỉ riêng trong năm 2022, doanh nghiệp này đã phải
"móc hầu bao" nộp phạt 65 triệu đồng cho Cục An toàn thực phẩm.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2023, trong một buổi livestream tại
Hà Giang, Hoàng Hường lại gây "bão" khi gọi món mèn mén - một đặc sản
truyền thống của người Mông - là “cám lợn”. Phát ngôn thiếu chuẩn mực này ngay
lập tức vấp phải sự lên án gay gắt từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang,
vì hành vi xúc phạm văn hóa địa phương.
Dù liên tiếp bị xử phạt, bị chỉ trích và đối mặt với nhiều
scandal nhưng Dược phẩm Hoàng Hường vẫn hoạt động kinh doanh và quảng cáo rầm rộ.
Điều này khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi: Liệu những chế tài hiện hành
có đủ sức răn đe? Hay các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận nộp phạt như một phần
của chi phí quảng cáo để đổi lấy lợi nhuận khổng lồ?
Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu tiên Hoàng Hường bị
xử lý. Từ năm 2021 đến nay, Thanh tra Bộ Y tế và các sở y tế địa
phương đã nhiều lần "điểm mặt chỉ tên" doanh nghiệp này vì những hành
vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP
của Chính phủ, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng sản
phẩm có thể bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Tuy nhiên, những khoản tiền phạt này "thấm vào đâu" so với lợi nhuận
khổng lồ mà các chiến dịch bán hàng online mang lại? Nhiều chuyên gia đánh giá đây chính là kẽ
hở khiến các doanh nghiệp "nhờn" luật, chấp nhận nộp phạt để tiếp tục
trục lợi.
Một vấn đề khác đáng lo ngại là quy trình xử lý vi phạm thường
kéo dài, thủ tục rườm rà. Trong khi đó, các quảng cáo sai sự thật trên mạng xã
hội lại lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây ra những hậu quả khó lường. Nhiều
khi, cơ quan chức năng chưa kịplập biên bản thì các clip vi phạm đã thu
hút hàng triệu lượt xem, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng và uy
tín của thị trường.
Liên tục đổi đại diện pháp luật
Không chỉ dừng lại ở những lùm xùm quảng cáo, những thông
tin về cơ cấu tổ chức của Dược phẩm Hoàng Hường cũng khiến nhiều người phải suy
nghĩ. Mặc dù bà Hoàng Thị Hường là gương mặt đại diện, là "linh hồn"
của thương hiệu, nhưng nhìn vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, mọi chuyện lại
không đơn giản như vậy.
Công ty cổ phần dược phẩm Hoàng Hường được thành lập vào
tháng 8/2021, có trụ sở chính tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, với vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Ban đầu,
ông Phạm Thành Phương giữ vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Thế nhưng, chỉ hơn 10 ngày sau, vị trí này đã được chuyển giao cho ông Nguyễn
Văn Huy. Rồi đến giữa tháng 9/2021, lại là bà Phạm Thị Thu thay thế. Đến tháng
11/2021, ông Nguyễn Văn Huy lại quay trở lại. Và đến tháng 10/2022, khi vốn điều
lệ của công ty tăng lên 16 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Huy vẫn tiếp tục giữ vai trò
này.
Đáng chú ý, hiện tại, theo thông tin từ website masothue.com, Dược phẩm Hoàng Hường đang… tạm ngừng kinh doanh.
Vậy, ai là người chịu trách nhiệm đối với hoạt động của công ty này?
Theo thông tin từ website masothue.com, Dược phẩm Hoàng Hường đang… tạm ngừng kinh doanh. Ảnh chụp màn hình
Không chỉ vậy, ông Nguyễn Văn Huy còn giữ vị trí lãnh đạo tại
Công ty TNHH đầu tư dược phẩm Thiên Ân, một doanh nghiệp mới thành lập vào
tháng 12/2024. Cơ cấu góp vốn và lãnh đạo của Thiên Ân cũng có sự thay đổi liên
tục, từ bà Lâm Thi Mai đến bà Hoàng Thị Thúy, và cuối cùng là ông Nguyễn Văn
Huy trở thành chủ doanh nghiệp vào đầu tháng 5/2025.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cũng đã thẳng
thắn chia sẻ, đa số sản phẩm thực phẩm chức năng hiện nay chỉ cần tự công bố,
chỉ có 4 nhóm sản phẩm phải đăng ký công bố với cơ quan nhà nước trước khi bán
ra thị trường. Điều này đặt ra một thách thức lớn trong công tác quản lý hậu kiểm.
Mặc dù Bộ Y tế rất chú trọng công tác kiểm tra, phối hợp liên ngành để xử lý
nghiêm các trường hợp quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng, nhưng dường
như vẫn còn những kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng.
Thậm chí, Bộ Y tế và Bộ Công an đang đề xuất tăng chế tài xử
phạt và sửa đổi Bộ luật Hình sự để xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh thực
phẩm giả, không an toàn. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quyết tâm của
các cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh thị trường.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị kiểm tra và xử lý hàng loạt trường hợp quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm trên mạng xã hội, đáng chú ý có các tên tuổi như Ngân 98, Ngân Collagen và fanpage "Dược phẩm Hoàng Hường Meli chính hãng".
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo khẩn, đề nghị người dân không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe An vị Mộc Linh do phát hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
Hành vi vứt bỏ thực phẩm chức năng, thuốc bổ, siro trẻ em, mỹ phẩm... tràn lan ngoài đường, bãi đất trống và cả bãi rác công cộng có thể vi phạm nghiêm trọng pháp luật, thậm chí đối diện án tù nếu xác định đây là vật chứng trong vụ án hàng giả.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bất chấp những biến động về giá cả, khảo sát khách hàng của One Mount Group cho thấy nhu cầu mua nhà Hà Nội vẫn duy trì ở mức cao, với khẩu vị thận trọng hơn, mua theo năng lực tài chính thay vì chạy theo FOMO.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, mã CK: VAB) niêm yết gần 540 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE. Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá đạt gần 5.400 tỷ đồng.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, sáng 27/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng với 435/443 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành.