Hà Nội ghi nhận thêm 131 trường hợp mắc bệnh sởi trong một tuần
Tính từ đầu năm 2025 đến ngày 14/3, Hà Nội ghi nhận 876 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2024 không có ca bệnh.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Gần đây, dịch sởi tại nhiều địa phương trên cả nước đang gia tăng đáng báo động. Đáng chú ý, nhiều trẻ nhập viện với tình trạng biến chứng nặng do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ năm 2024 đến hết 3 tháng đầu năm 2025 đã có tổng 3.799 xét nghiệm sởi dương tính (xét nghiệm bằng phương pháp PCR và IGM). Trong đó, có 2.690 ca bệnh phải nhập viện điều trị. Số ca bệnh sởi từ tháng 1/2025 đến hết ngày 26/3/2025 là 1.894 ca, cao gần gấp đôi so với tổng số ca mắc của cả năm 2024.
Đặc biệt, một bé gái 4 tuổi, con thứ ba trong gia đình tại nội thành Hà Nội, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, tím tái. Kết quả thăm khám cho thấy trẻ mắc sởi với tổn thương phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) và cơn bão cytokine, khiến gan, thận và hệ tuần hoàn suy sụp. Dù các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu bằng nhiều phương pháp hồi sức chuyên sâu như lọc máu, ECMO, tình trạng bệnh nhi quá nặng và không qua khỏi.
Còn bé gái 3 tháng tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) được đưa đến Bệnh viện Nhi Hà Nội và chẩn đoán mắc sởi sau khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho và phát ban. "Con chưa đủ tuổi tiêm vắc xin sởi nên rất dễ nhiễm bệnh. Khi thấy bé sốt và phát ban, tôi lập tức đưa vào viện. Bệnh diễn tiến rất nhanh, chỉ sau vài ngày đã biến chứng viêm phổi", mẹ bệnh nhi chia sẻ.
Trường hợp khác, bé trai (7 tháng tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) bị viêm phổi nặng do biến chứng sởi. Mẹ bé cho biết: "Con vừa điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Bạch Mai cách đây một tuần. Nhưng chỉ vài ngày sau khi về nhà, bé lại sốt cao, ho, khó thở. Khi đi khám, bác sĩ kết luận con bị viêm phổi do sởi".
Theo TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho biết, phần lớn các trường hợp mắc sởi hiện nay đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm không đầy đủ. Thực tế, hơn 95% ca bệnh ghi nhận không rõ ràng về tình trạng tiêm chủng hoặc không được tiêm vắc xin. Điều này dẫn đến tình trạng miễn dịch cộng đồng không đủ mạnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch sởi.
Bệnh sởi là bệnh có khả năng lây truyền rất cao và chỉ có thể cắt đứt sự lây lan trong cộng đồng khi miễn dịch bảo vệ đạt ít nhất 95%. Việc không tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp, sẽ tạo ra những khoảng trống miễn dịch, dẫn đến sự bùng phát dịch sởi.
Ngoài ra, việc ghi nhận các trường hợp mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, những trẻ chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin, càng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện tượng này đang tạo ra một thách thức lớn trong công tác phòng chống dịch.
Vợ chồng anh Hoàng Nam (35 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đã đưa con tiêm phòng cúm và sởi khi bé tròn 6 tháng tuổi. Hằng ngày đi làm, bé ở nhà với bà nội, thường xuyên được bế ra ngoài chơi. Trong xóm đã có trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị.
“Lúc 2 tháng tuổi, bé từng nhập viện nửa tháng vì viêm phổi, từ đó rất hay ốm vặt. Vì vậy, vợ chồng tôi đặc biệt chú ý tiêm phòng đầy đủ. May mắn là vắc xin sởi có thể tiêm từ 6 tháng tuổi, không cần đợi đến 9 tháng”, anh Nam chia sẻ.
Chị Thu Trang (23 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đưa con 8 tháng tuổi tiêm vắc xin phòng cúm thì biết rằng vắc xin sởi có thể tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Chị quyết định tiêm sớm để tăng cường bảo vệ cho bé.
“Chăm con ốm rất vất vả, vợ chồng tôi thường phải thay phiên nghỉ làm. Ông bà hai bên ở xa, lại lớn tuổi nên không thể nhờ cậy nhiều. Dịch sởi ở Hà Nội ngày càng tăng, tôi biết có nhiều người lo lắng về tác dụng phụ, nhưng tôi tin tưởng vào khoa học. Vắc xin có thể giúp con tôi miễn dịch trước dịch bệnh nguy hiểm này”, chị Trang chia sẻ.
Bs.CKII Ninh Thị Thảo - phụ trách chuyên môn phòng khám đa khoa Minh Ngọc nhấn mạnh, để kiểm soát dịch sởi, cần tăng cường miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ, đúng đối tượng, đặc biệt tại các khu vực dân cư biến động. Việc phát hiện và tiêm vét kịp thời tại vùng có nguy cơ cũng rất quan trọng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh và theo dõi sức khỏe để hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện, yêu cầu kiểm soát chặt các ca nhập viện, phân luồng, chẩn đoán sớm, cách ly và hạn chế tiếp xúc để ngăn ngừa dịch bùng phát.
Cùng quan điểm, Đại diện Hệ thống tiêm chủng VNVC, cảnh báo sởi là bệnh truyền nhiễm với tốc độ lây lan nhanh chóng, có thể lây cho 12-18 người chưa có miễn dịch. Virus sởi không chỉ lây qua tiếp xúc trực tiếp mà còn qua các bề mặt như bàn tay, ghế, và môi trường sống, khiến việc kiểm soát nguồn lây nhiễm trở nên khó khăn.
Đại diện VNVC khuyến cáo phụ huynh nên tiêm vắc xin sởi cho con càng sớm càng tốt và rà soát lịch tiêm chủng của cả gia đình để tránh trở thành nguồn lây nhiễm. Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để ngừng chuỗi lây nhiễm, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% giúp bảo vệ cộng đồng.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều loại vắc xin phòng sởi cho trẻ em và người lớn, được tiêm từ 9 hoặc 12 tháng tuổi. Việc tiêm đủ hai mũi vắc xin giúp ngăn ngừa sởi và các biến chứng tới 98%. Trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi ở khu vực có nguy cơ cao có thể tiêm vắc xin sởi "chống dịch".
Trẻ từ 7 tuổi và người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch tiêm chủng cần tiêm đủ hai mũi vắc xin để đảm bảo an toàn và phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả.