hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Việc Chợ Kim Biên tồn tại ngang nhiên giữa lòng thành phố đang “thách thức” mục tiêu biến TP.HCM trở thành một thành phố đáng sống. Vì sao như vậy?
Trong bài báo “phát biểu động trời của một tiểu thương chợ Kim Biên: Người ta đến đây mua cũng chỉ để bán chứ có ai ăn đâu!”, đăng ở số báo 212 ra ngày 25/3/2016. Báo Người Tiêu Dùng đã phản ánh về tình trạng kinh doanh các hóa chất độc hại ở chợ Kim Biên.
Người đọc cảm nhận rõ sự rùng mình tại khu chợ “thần chết” này. Nơi mà hàng ngày người mua vẫn ra vào tấp nập, còn người bán vẫn hỉ hả tư vấn nhiệt tình những hóa chất độc hại để người Việt hại người Việt.
Người Việt đang đầu độc người Việt
Liên tục dạo chợ Kim Biên trong vòng 1 tuần, phóng viên Báo Người Tiêu Dùng ghi nhận đến chợ Kim Biên có thể dễ dàng mua được những hóa chất độc hại để phục vụ trong chế biến thực phẩm. Hay như câu nói của một anh tiểu thương ở đây: “Ở đây chúng tôi chỉ không có chất tạo nạc cho heo thôi còn muốn có gì chúng tôi đều có”. Như vậy, chỉ cần có tiền người mua dễ dàng mua được hóa chất để luộc bắp nhanh mềm, lâu ôi thiu. Chỉ cần có tiền cũng dễ dàng mua được hóa chất biến gà chết tím tái thành gà vàng tươi; cùng với hóa chất ở chợ Kim Biên thì thịt heo đã ôi chỉ rắc chất bột trắng lên bề mặt, rồi xoa đều thì thịt sẽ ngon trở lại...
Một thực trạng chung đáng báo động hơn cả đó là sự thờ ơ vô cảm của người bán. Không phải bây giờ chợ Kim Biên mới bị báo chí phê phán mà trước đó ngôi chợ này đã nhiều lần bị báo chí phơi bày về việc bán hóa chất độc hại. Kèm theo đó là rất nhiều các cảnh báo của chuyên gia về mức độ độc hại của hóa chất, nơi mà chợ Kim Biên vẫn bán hàng ngày. Không khó để các tiểu thương nơi đây đọc được những bài báo nói về những sản phẩm mà mình đang bán. Vậy lý do vì sao các tiểu thương chợ Kim Biên vẫn hàng ngày bán hóa chất độc hại một cách bình thường như thế?
Khi đi đến sạp cuối cùng trong dãy bán hương liệu tại khu chợ Kim Biên, nói đến chất tạo giòn dai cho bún, phở... một nam thanh niên khoảng 35 tuổi, đưa cho người mua một gói có màu trắng, cũng không nhãn mác gì. Thanh niên này khẳng định: “Gói này dùng để làm trắng và tạo giòn dai cho bún, bánh phở”. Khi được hỏi bán những hóa chất độc hại như vậy, thì có ảnh hưởng gì không, người bán hàng cho biết: “Tôi là người bán thuê ở đây thôi, chủ sai gì bán đó chứ tôi không phải chủ ở đây”.
Anh thanh niên này cũng cho biết: “Chúng tôi cũng chả hiểu cụ thể trong những túi hóa chất kia có những cái gì bao gồm chất gì. Chỉ biết nó cũng độc thôi. Hơn nữa, người đến mua cũng không hỏi quá nhiều thông tin về sản phẩm. Họ chỉ hỏi ví dụ như cà phê, trà sữa, chất tạo giòn dai cho bún phở, hay bán quán phở cần gì.... Thì chúng tôi đưa ra thôi”.
Còn theo một số tiểu thương có sạp hàng ở chợ Kim Biên thì họ phải trả một khoản tiền không nhỏ để có sạp kinh doanh ở đây: “Mặt bằng ở đây đâu phải rẻ đâu chính vì thế nếu cứ buôn bán đơn thuần làm sao chúng tôi đáp ứng được tiền thuê mặt bằng ở đây”. Cũng theo cô này thì đọc báo cũng biết là độc nhưng chỉ biết vậy thôi! Công việc của chúng tôi thì phải bán thôi”.
Còn một người đàn ông trung niên khoảng 40 tuổi cũng có “thâm niên” ở chợ Kim Biên 4, 5 năm cho biết: “Đây là công việc chính của chúng tôi, cả gia đình tôi cũng trông chờ vào nguồn thu từ sạp hàng này”. Khi được hỏi nếu anh bán những hương liệu cho bò, gà... cho một quán phở nào đó. Rất có thể anh hoặc người nhà anh khi đi ra ngoài ăn phải những quán phở được mua hóa chất ở đây thì anh nghĩ sao? Hơi chững người một chút, người đàn ông này không trả lời mà quát nhỏ: “Hỏi nhiều quá, có mua gì thì mua đi”.
Trước vấn nạn về thực phẩm bẩn hiện nay, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều cảnh báo đối với người tiêu dùng. Theo ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện Văn phòng phía Nam Vinastas thì nếu người tiêu dùng ăn phải bún, bánh phở có chứa chất độc hại thì sẽ bị hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thu, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Về lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư.
Nếu người dân sống không an toàn thì làm sao TP.HCM trở thành thành phố đáng sống?
Sau khi đọc bài viết về chợ Kim Biên trên Báo Người Tiêu Dùng, bác Hùng Cường (Q.5 - TP.HCM) tâm sự: “Tôi không hiểu vì sao ở chợ Kim Biên cũng toàn người Việt cả, lại đi bán những hóa chất độc hại cho người Việt ăn, không hiểu lý do gì mà ở đây họ lại làm như vậy? Tôi luôn tự hỏi đến bao giờ những người làm những công việc đó mới thức tỉnh đây. Đến bao giờ người Việt mới thôi không đầu độc nhau?.”
Hiện nay, mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người bị phát hiện ung thư mới và khoảng 75.000 người chết vì bị ung thư trước đó. Theo thống kê thì có thể 5 năm nữa Việt Nam sẽ có 1 triệu người bị mắc ung thư. Trong bối cảnh hiện nay, cộng với sự “hỗ trợ” nhiều từ phía chợ Kim Biên thì nhiều người tỏ ra lo ngại, không cần phải 5 nữa mà rất có thể, 1 hay 2 năm tới thì con số này sẽ sớm “cán đích” mà thôi!.
Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” hiện nay, thì mới đây Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu là muốn biến TP.HCM thành nơi đáng sống nhất trong khu vực, trở lại vị trí số 1. Điều này như “một cơn gió mát”. Mong muốn này của Bí thư Đinh La Thăng được rất nhiều người dân TP.HCM đồng tình, bởi không ai là không muốn sống trong một môi trường mà ở đó sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau được đặt lên hàng đầu.
Là một công dân đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM, chị Hoàng Ngọc Lan cho biết: “Tôi cũng như mọi người thân, bạn bè đều mong muốn TP.HCM sẽ trở thành một thành phố đáng sống. Ở đây thực phẩm an toàn, kinh doanh đặt cái tâm lên hàng đầu. Người dân khỏe mạnh. Có thể sống trong một môi trường trong lành, đồ ăn thức uống không sợ bị bỏ hóa chất”.
Cũng theo chị Lan thì muốn TP.HCM trở thành một thành phố đáng sống thì chưa cần làm những việc làm to tát mà hãy bắt đầu ngay từ chợ Kim Biên. Nếu như ngôi chợ “thần chết” này không còn bán các hóa chất độc hại cho TP.HCM và cả các tỉnh lân cận nữa. Làm được điều này thì có thể sẽ cứu được hàng nghìn người mỗi năm. Người Việt sẽ không còn phải đối mặt với thảm họa ung thư nữa. Và đặc biệt TP.HCM sẽ trở thành một thành phố đáng sống mà ai cũng ao ước được sống ở đây.
Mai Trinh