Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bát nháo 'chợ đen' mua bán vàng

Thứ tư, 19/03/2025 07:36 (GMT+7)

Thùy Linh (30 tuổi, Hà Nội), mua vàng trực tuyến với giá 300 triệu đồng kèm hóa đơn viết tay, không giấy tờ đảm bảo. Khi kiểm tra tại tiệm vàng uy tín, chị sốc khi phát hiện vàng bị pha trộn, người bán chặn liên lạc.

Vàng tràn lan "chợ đen" online

Giá vàng liên tục phá kỷ lục, nhu cầu mua vàng của người dân cũng tăng lên dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Một số thương hiệu vàng trong nước chỉ giới hạn bán 1-2 chỉ/người và không bán vàng miếng.

Đây cũng là nguyên nhân khiến hoạt động mua vàng trao tay, vàng trôi nổi trên chợ mạng trở nên sôi động dù tiềm ẩn nguy cơ mua phải vàng giả, vàng nhái, vàng kém chất lượng.

Chỉ cần gõ tìm kiếm "mua bán vàng" trên mạng xã hội, hàng chục diễn đàn như "Giá vàng", "Buôn bán vàng", "Giao lưu vàng miếng không qua trung gian" sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, đa phần người rao bán trong các hội nhóm này đều sử dụng tài khoản ẩn danh, khiến việc xác minh thông tin trở nên khó khăn.

Thị trường vàng online hiện tràn lan những bài đăng với nội dung, như: "Bán 5 chỉ nhẫn 9999 ở Hà Đông" hay "Cần bán 10 lượng vàng Doji, thương lượng ít". Những bài viết này nhanh chóng thu hút bình luận hỏi về cách thức giao dịch. Không chỉ rao bán, nhiều tài khoản còn chuyên thu mua vàng nhẫn, vàng miếng từ các thương hiệu lớn như Bảo Tín Minh Châu, Doji, PNJ với giá cao.

Thùy Linh, nhân viên văn phòng tại quận Đống Đa, Hà Nội, quyết định đầu tư vàng vào thời điểm giá đang tăng mạnh. Vì công việc bận rộn và không muốn mất thời gian chờ đợi tại các tiệm vàng, chị tham gia vào một nhóm mua bán vàng trên Facebook. Trong nhóm này, một số người rao bán vàng nhẫn tròn 9999 với mức giá thấp hơn ngoài tiệm. Người bán tự giới thiệu là đại lý của một thương hiệu lớn và cam kết vàng đảm bảo chất lượng.

Tin tưởng vào những lời quảng cáo hấp dẫn, Thùy Linh chuyển khoản 300 triệu đồng mua 3 cây và 2 chỉ vàng. Khi nhận hàng, chị chỉ được cung cấp một biên lai mua bán đơn giản mà không có bất kỳ chứng nhận nào từ thương hiệu chính hãng. Ban đầu, chị không mảy may nghi ngờ, nhưng sau khi đọc được thông tin cảnh báo vàng giả, nỗi lo lắng bắt đầu ập đến.

“Khi tôi hỏi về giấy tờ đảm bảo, người bán chỉ gửi một hóa đơn viết tay từ một cửa hàng không có tên tuổi. Lúc đó, tôi đã hơi băn khoăn nhưng vẫn quyết định mua”, Linh chia sẻ.

Cảm giác bất an ngày càng, chị Linh quyết định đem số vàng này đi kiểm tra tại một cửa hàng uy tín. Tại đây ,chị nhận được tin sốc: Vàng có dấu hiệu bị pha trộn và không đạt chuẩn chất lượng như cam kết ban đầu. Khi liên hệ lại người bán, chị nhận được câu trả lời mơ hồ, thậm chí người này sau đó đã chặn tài khoản của chị.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Phương Ly, một chủ cửa hàng thời trang tại Hà Nội quyết định mua vàng qua mạng sau nhiều lần không mua được ngoài tiệm. Chị liên hệ với một người rao bán vàng trên Facebook, người này tự nhận có mối quan hệ với các tiệm vàng lớn và có thể cung cấp giá tốt hơn thị trường. Tin tưởng vào những hình ảnh giao dịch và phản hồi tích cực từ các thành viên khác trong nhóm, Ly mạnh dạn đặt mua 500 triệu đồng vàng miếng.

Số vàng chị Ly đã mua từ một người bán trên mạng xã hội, chỉ có duy nhất giấy tờ cam kết đó là giấy mua bán tại cửa hàng. Ảnh nhân vật cung cấp

“Tôi đã hỏi kỹ về nguồn gốc vàng và được đảm bảo rằng đây là vàng thật, có thể giao dịch tại bất kỳ cửa hàng nào. Người bán cũng khẳng định họ chỉ làm trung gian, lấy hàng trực tiếp từ tiệm vàng lớn”, Phương Ly kể lại.

Sau khi giao dịch hoàn tất, Ly nhận được số vàng cùng với một tờ hóa đơn đơn giản, không có dấu xác nhận từ thương hiệu lớn nào. Cảm thấy bất an, chị mang vàng đi kiểm định và nhận được kết quả: Vàng không đạt tiêu chuẩn, có lẫn tạp chất. Lúc này, Ly mới nhận ra mình có thể đã bị lừa.

“Tôi liên hệ lại người bán thì họ liên tục trì hoãn, nói rằng vàng của tôi hoàn toàn đạt chuẩn và có thể bán lại nếu không hài lòng. Nhưng khi tôi thử bán ở một tiệm vàng khác, họ từ chối mua vì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc”, Ly nói.

Những câu chuyện như của Thùy Linh và Phương Ly không phải là hiếm trong thời gian gần đây. Sự phát triển của các nền tảng trực tuyến đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo lợi dụng, khiến nhiều người mất trắng số tiền lớn vì thiếu sự kiểm chứng khi giao dịch.

Trên facebook có rất nhiều hội nhóm mua bán vàng, nhưng đa số người đăng bài đều để chế độ ẩn danh. Ảnh chụp màn hình

Cần siết chặt quản lý

Theo bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Bảo Tín Minh Châu, để phân biệt vàng thật và vàng giả, khách hàng cần lưu ý một số đặc điểm quan trọng: Vàng thật có tem và logo thương hiệu rõ nét, màu sắc chính xác. Bên trong nhẫn hoặc miếng vàng phải có trọng lượng, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Vàng giả thường có màu nhạt, không có độ ánh kim đặc trưng. Tem vàng thật sắc nét, dễ đọc, trong khi vàng giả thường bị nhòe, mờ.

Bà Hạnh khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua vàng tại các cửa hàng uy tín, được cấp phép hợp pháp, tránh giao dịch qua mạng xã hội mà không có giấy tờ đảm bảo.

Người dân chỉ nên mua vàng tại các địa chỉ uy tín, đã được cấp phép và có giấy đảm bảo chất lượng vàng đúng theo quy định của pháp luật.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, người tiêu dùng khi mua vàng trên "chợ đen" phải đặc biệt lưu ý đến chất lượng và tính thanh khoản. Vàng mua ở cửa hàng nào tốt nhất nên bán lại tại chính cửa hàng đó để tránh tình trạng mất giá.

Tình trạng vàng giả không chỉ gây thiệt hại tài chính cho người mua mà còn làm xói mòn lòng tin vào thị trường vàng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính. Để bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu hóa đơn đầy đủ. Các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Hoàng Văn Hà - Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội nhận định, hành vi mua bán vàng giả có thể bị xử lý theo nhiều chế tài khác nhau, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định hành vi sản xuất, buôn bán vàng giả có thể bị phạt tù từ 1 đến 15 năm, tùy theo mức độ vi phạm.

“Ngoài ra, theo Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, kinh doanh hàng giả có thể bị phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng, thậm chí lên đến 200 triệu đồng và đình chỉ hoạt động nếu vi phạm liên quan đến vàng giả”, luật sư Hà cho biết.

Hôm nay (18/3), giá vàng miếng tiệm cận mốc 97 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn đã vượt 97 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn từ 95,90-97,50 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Công ty Phú Quý, giá vàng nhẫn niêm yết từ 95,80-97,40 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Tương tự, vàng miếng SJC các thương hiệu cũng được điều chỉnh tăng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Công ty Doji cùng điều chỉnh giá vàng SJC ở ngưỡng 95,40-96,90 triệu đồng/lượng ở chiều mua và bán.

Theo Công Thành, Xuân Đoàn (Tạp chí Lao động & Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn