Cần hoàn thiện pháp luật để quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư của công ty đa quốc gia

Thứ hai, 11/06/2018, 11:31 AM

Với sự phát triển mạnh mẽ, các công ty đa quốc gia đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, pháp luật Việt Nam cũng cần tiếp tục cải thiện để có các chế tài đủ sức răn đe khi xử lý các vi phạm, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ môi trường đối với các công ty này.

d1

Đối với các công ty đa quốc gia, đặc biệt là trong ngành công nghiệp nặng, vấn đề về môi trường được xem trọng và quan tâm sâu sắc. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng hệ thống quy định pháp luật về việc bảo vệ môi trường cũng như tham gia các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường và thay đổi khí hậu như Nghị định thư Tokyo năm 2002, Công ước của Liên Hợp quốc về thay đổi khí hậu năm 1994, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Liên quan tới quy định về các nghĩa vụ đối với bảo vệ môi trường, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.

Đối với các hành vi cố tình vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái và môi trường cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, các công ty đa quốc gia sẽ phải đối mặt với các chế tài quy định tại Luật Đầu tư, Luật Môi trường. Đồng thời thực hiện bồi thường thiệt hại đối với các chủ thể bị thiệt hại do các hành vi của doanh nghiệp này gây ra theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường và pháp luật dân sự. Ngoài ra, nhằm củng cố tính răn đe và ngăn chặn các hành vi xâm hại môi trường, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã đưa ra các quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự của các công ty đa quốc gia. 

Mặc dù đã bổ sung các trách nhiệm pháp lý đối với pháp nhân thương mại nhưng qua thực tế, có thể thấy các quy định áp dụng trách nhiệm hình sự đối với các công ty đa quốc gia trong vấn đề môi trường còn chưa thực sự linh động. Việc xác định pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự đối với một công ty đa quốc gia là vấn đề còn phức tạp vì các tập đoàn này đã có sự liên kết phức tạp cả về tổ chức lẫn địa vị pháp lý của các doanh nghiệp. 

Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những quy định cụ thể về các quy chuẩn, điều kiện cũng như các mức chế tài. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định đòi hỏi cải thiện hệ thống pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động đầu tư của các công ty đa quốc gia.

Theo đó, cần bổ sung thêm các quy định chi tiết, cụ thể hơn đối với việc xác định các thiệt hại đối với môi trường, làm căn cứ để yêu cầu các bên gây ô nhiễm phải bồi thường theo Luật Bảo vệ môi trường. Mặt khác, cũng cần xem xét chế tài đối với các cá nhân, cơ quan có chức năng quyền hạn trong việc phê duyệt các đánh giá tác động môi trường của các dự án, cấp giấy phép xây dựng, hoạt động đối với công trình có khả năng ảnh hưởng đến môi trường.

Ở khía cạnh các quy định pháp lý, cần đưa ra các mức phạt hành chính mang tính răn đe cao, không chỉ bao gồm các chế tài phạt tiền mà còn bổ sung thêm các chế tài mang tính cưỡng chế đối với các nghĩa vụ thực hiện các hoạt động cải tạo môi trường.

Thực tiễn cho thấy khi xảy ra các vụ việc gây ảnh hưởng đến môi trường, các biện pháp mà doanh nghiệp thực hiện thường chỉ là bồi thường dân sự đối với các chủ thể bị ảnh hưởng, cấm hoặc tạm dừng các hành vi gây ô nhiễm môi trường mà chưa có các mức xử phạt cao hơn từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động và kinh doanh của công ty đa quốc gia.

Các biện pháp trên có hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình song lại tỏ ra kém hiệu quả khi áp dụng với các công ty đa quốc gia. Vì vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính cần có hướng sửa đổi cụ thể, tập trung bằng một hệ thống văn bản hướng dẫn với các mức phạt và các chế tài không chỉ bao gồm chế tài tài chính, mà còn các chế tài ngăn cấm, hạn chế các hoạt động của các công ty đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, địa vị pháp lý của các công ty đa quốc gia trong quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cần có sự chỉnh sửa và xem xét lại, đặc biệt trong việc nhận định mối quan hệ giữa các doanh nghiệp thành viên trong tổ chức của một công ty đa quốc gia. Từ đó, phân loại cụ thể địa vị pháp lý của từng doanh nghiệp cũng như mức độ liên quan, ảnh hưởng của chúng đối với các hoạt động vi phạm pháp luật môi trường để việc áp dụng pháp luật hình sự và xử phạt hành chính sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.

Phạm Văn Dùng

Theo PLVN