Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Hà Nội: Thu giữ hơn 5.000 lọ mỹ phẩm nhập lậu 'Made in Korea'

Chủ nhật, 01/06/2025 10:15 (GMT+7)

Hơn 5.000 lọ mỹ phẩm gắn mác “Made in Korea” không hóa đơn, chứng từ đã bị phát hiện tại cơ sở kinh doanh của Công ty Ngân Korea ở Gia Lâm, Hà Nội. Trị giá lô hàng nhập lậu lên tới hơn 2 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng phát hiện 5.400 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không hóa đơn, chứng từ hợp pháp tại một cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Ngân Korea. Ảnh: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước

Trong một cuộc kiểm tra đột xuất ngày 31/5/2025, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8 huyện Gia Lâm, Hà Nội phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP Hà Nội đã phát hiện 5.400 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không hóa đơn, chứng từ hợp pháp tại một cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Ngân Korea.

Điểm kinh doanh này nằm trong khuôn viên Trường mầm non Yên Thường cũ, thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội, một vị trí hết sức “kín đáo” nhưng lại chứa lượng lớn hàng nhập lậu.

Toàn bộ số mỹ phẩm bị phát hiện đều mang nhãn hiệu Dr.Melaxin Peel Shot exfoliant với hai dòng sản phẩm: 2.520 lọ dưỡng da rice ampoule (gạo trắng); 2.880 lọ dưỡng da black rice ampoule (gạo đen).

Cả hai loại đều có dung tích 80ml/lọ, được quảng cáo là "hàng Hàn Quốc chính hãng". Tổng trị giá theo giá niêm yết lên tới 2,16 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện công ty thừa nhận toàn bộ số hàng được thu gom trôi nổi ngoài thị trường, không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào chứng minh nguồn gốc. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh nói trên chưa được đăng ký hoạt động hợp pháp với cơ quan chức năng, vi phạm nghiêm trọng pháp luật thương mại.

Từ 15/5/2025 đến nay, Đội QLTT số 8 đã xử lý 16 vụ vi phạm lớn nhỏ, chủ yếu tại xã Ninh Hiệp và vùng giáp ranh. Tổng số tiền xử phạt hành chính lên tới 336 triệu đồng, hàng hóa buộc tiêu hủy trị giá gần 2,46 tỷ đồng.

Chỉ riêng trong tháng 5/2025, Đội QLTT số 8 đã liên tục phát hiện các vụ vi phạm nghiêm trọng khác. Ngày 12/5 tại xã Yên Viên, Gia Lâm, một cơ sở kinh doanh do Đặng Thành Nam (trú tại Bắc Ninh) làm chủ đã bị kiểm tra, phát hiện 16.840 sản phẩm thời trang giả mạo các thương hiệu Adidas, Nike, Burberry, Lacoste; 220 áo nam do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn. Tổng trị giá hơn 900 triệu đồng. Hồ sơ đã được chuyển cho Công an TP Hà Nội xử lý theo hướng hình sự.

Ngày 8/5 tại xã Ninh Hiệp, lực lượng chức năng đã phát hiện 1.971 sản phẩm thời trang mang nhãn hiệu LV, Dior, Chanel, Gucci… bị làm giả tinh vi. Lô hàng trị giá hơn 227 triệu đồng.

Trước đó, trong năm 2024, Đội QLTT số 8 cũng đã phối hợp kiểm tra một loạt cơ sở do bà Trần Thị Kim Cúc (trú tại Gia Lâm) làm chủ. Qua đó phát hiện 3.000 lon thực phẩm bổ sung không nhãn mác; 2.633 sản phẩm có dấu hiệu tẩy xóa hạn sử dụng.

Tại xưởng sản xuất ở Đông Anh, phát hiện thêm 88.834 hộp thực phẩm và hàng ngàn kg nguyên liệu bị làm giả, tẩy sửa hạn sử dụng. Kết quả giám định cho thấy 87/89 mẫu không đạt chất lượng, xác định là hàng giả, tổng trị giá hơn 2,25 tỷ đồng. Vụ việc đã được khởi tố và chuyển sang tòa án để xét xử.