Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Các điểm đến du lịch bội thu dịp Tết

Chủ nhật, 02/02/2025 12:05 (GMT+7)

Những ngày Tết Ất Tỵ vừa qua, các điểm đến du lịch trên cả nước đã bội thu nhờ đón đông đảo du khách trẩy hội du xuân.

Nhộn nhịp khách du xuân ở các thành phố lớn

Tại Hà Nội, lượng khách du lịch quốc tế và các tỉnh, thành phố khác đến tham quan di tích, điểm vui chơi, giải trí tăng đột biến. Tại Phủ Tây Hồ - (phường Quảng An, quận Tây Hồ) nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đại diện Ban quản lý di tích cho biết, từ đêm Giao thừa cho đến hết ngày mồng 4 tháng Giêng, trung bình mỗi ngày đón khoảng 10.000 lượt khách. Một trong những điểm đến thu hút khách du lịch lớn nhất Thủ đô là Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Bà Đường Ngọc Hà, đại diện Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: Tính từ mồng 1 đến hết mồng 3, di tích đón khoảng gần 70.000 khách.

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, dịp Tết Ất Tỵ, khách đến các khu, điểm du lịch, các tụ điểm vui chơi giải trí và dịch vụ của thành phố ước đạt 2,1 triệu lượt, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó khách quốc tế đến trong dịp Tết ước khoảng 87.358 lượt, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các điểm tham quan của thành phố thu hút rất đông du khách đến vui chơi, giải trí. Công viên Văn hóa Đầm Sen đã đưa ra một số chương trình đặc sắc thu hút khách tham quan từ 29 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng. Khu du lịch văn hóa Suối Tiên cũng ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ mới, lạ, độc đáo như: Tết Xuyên không - Hành trình về với cội nguồn văn hóa dân tộc cùng các công trình mới, trò chơi mới. Khu Di tích Địa đạo Củ Chi tổ chức triển lãm văn hóa, biểu diễn văn nghệ của người dân tộc Xtiêng tỉnh Bình Phước cùng biểu diễn Lân, Sư, Rồng, viết thư pháp và các trò chơi dân gian. Hệ thống bảo tàng công lập mở cửa và miễn phí vé vào cửa cho khách tham quan từ mồng 1 Tết đến mồng 3 tháng Giêng...

Du khách quốc tế trải nghiệm Tết Việt ở Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Đà Nẵng. (Ảnh ANH ĐÀO)

Các doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm chuẩn bị nhiều sản phẩm du lịch mới, giá cả cạnh tranh như: Du xuân Thủ Đức, Xuân về trên bến Bình Đông, Ăn Tết cùng người nổi tiếng, Hái lộc đầu năm, Quận 1 - Sắc màu đêm, Thưởng ngoạn sông Sài Gòn bằng buýt sông 2 tầng, Ngắm thành phố về đêm trên xe buýt mui trần 2 tầng, Tour xe đạp - Ngày bình yên trên vùng đất thép… Nhiều công ty lữ hành cũng tổ chức các tour liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận.

Theo Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, dịp Tết Ất Tỵ 2025, tổng lượng khách tham quan, du lịch ước đạt hơn 469.000 lượt, tăng 16,7% so với kỳ nghỉ năm 2024; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 228.000 lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.887 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong những ngày Tết Ất Tỵ, hàng nghìn du khách đã đến các điểm tham quan của khu di sản Huế. Thời tiết khá thuận lợi giúp du khách được thưởng thức trọn vẹn chương trình biểu diễn truyền thống đặc sắc trước điện Thái Hòa. Không gian trò chơi cung đình và dân gian cũng thu hút du khách, như: đổ xăm hường, bài vụ, thả thơ, đầu hồ,… Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết: Năm nay, các di tích do đơn vị quản lý áp dụng chính sách miễn phí vé tham quan vào mồng 1 Tết (thay vì 3 ngày Tết như trước). Dù ngày mồng 1 Tết thời tiết có mưa lạnh nhưng lượng khách đến tham quan, du xuân, trải nghiệm tại các điểm di tích thuộc di sản Huế vẫn rất đông. Các ngày mồng 2 và mồng 3 Tết, dù không còn chương trình miễn phí vé nhưng lượng du khách vào Đại Nội Huế tham quan vẫn nhộn nhịp. Tính riêng trong 3 ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các điểm di tích Huế đón khoảng 57.500 lượt khách tham quan. Sở Du lịch thành phố Huế cho biết, dịp Tết Ất Tỵ, lượng du khách đến địa phương ước đạt gần 200.000 lượt, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 62.000 lượt, tăng 33% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 178 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024.

Bội thu du khách khắp các địa phương

Những ngày Tết Ất Tỵ 2025, thời tiết ở Quảng Bình rất đẹp. Hầu hết các điểm tham quan du lịch, di tích văn hóa, lịch sử mở cửa đón khách du lịch xuyên Tết. Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, từ ngày mồng 1 Tết đến mồng 4 tháng Giêng, các điểm du lịch đón gần 100.000 lượt khách, tăng gần 10 % so với dịp Tết 2024. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu xuân mới trong thời tiết thuận lợi, rất đông người dân và du khách đến dâng hương và tham quan ở các điểm du lịch tâm linh và lịch sử như chùa Hoằng Phúc - ngôi cổ tự hơn 700 năm tuổi ở huyện Lệ Thủy; núi Thần Đinh, huyện Quảng Ninh; đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Đường 20 Quyết thắng, huyện Bố Trạch; đền Công chúa Liễu Hạnh dưới chân đèo Ngang ở huyện Quảng Trạch. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Đặng Đông Hà, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sức hút đặc biệt từ cảnh quan kỳ vĩ, Quảng Bình với “trái tim” là Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Tại tỉnh Kon Tum, mùa du lịch Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trùng với thời điểm hoa anh đào nở rộ tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) nên đã thu hút đông du khách. Thời tiết những ngày nghỉ Tết tại Măng Đen rất lý tưởng với khí hậu lạnh, tiết trời quang đãng, có sương mù vào buổi sáng. Tết Nguyên đán năm nay, thị trấn Măng Đen tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ tại 2 địa điểm là Chợ phiên Măng Đen và Khu phố đêm Măng Đen. Khu du lịch Măng Đen hiện có 139 cơ sở lưu trú với 1.250 phòng, dịp Tết Nguyên đán các khách sạn, homestay đều báo “cháy phòng”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Bạch Thị Mân cho biết, du lịch Kon Tum đã và đang xây dựng hình ảnh là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách; lấy sự hài lòng của du khách là thước đo phục vụ; trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi người, mọi nhà.

Ngày 1/2 (tức mồng 4 tháng Giêng), mùa lễ hội xuân Ất Tỵ 2025 ở miền quan họ Bắc Ninh chính thức bắt đầu với sự khởi đầu của 3 lễ hội: Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích (huyện Tiên Du); rước pháo Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn); kéo co Hữu Chấp (thành phố Bắc Ninh)... Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách đã đến trẩy hội chùa Phật Tích và đón dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn tại khu Di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích, xã Phật Tích (huyện Tiên Du).

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ được tổ chức từ ngày 1-3/2 (tức mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng) nhằm thể hiện niềm tôn kính đức Thành Hoàng làng, đồng thời là dịp để người dân ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của ông cha trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lễ rước có sự tham gia của hơn 1.000 người gồm các đội múa lân, đoàn đại nhạc, tiểu nhạc, đồ thờ, cờ lọng, chiêng trống, kiệu pháo tràng, pháo nhất, pháo nhị… Nét độc đáo trong lễ hội rước pháo Đồng Kỵ là nghi thức Dô ông đám - nghi thức nhắc lại sự tích Thánh Thiên Cương kén tướng tiên phong đi dẹp giặc. Chiều cùng ngày, tại khu phố Hữu Chấp (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) đông đảo người dân và du khách đã tham dự nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp, một di sản độc đáo đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa đa quốc gia năm 2015...

Tại thị xã Mộc Châu (Sơn La), các khách sạn, homestay đều kín phòng nghỉ, với gần 19.000 lượt du khách. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Mộc Châu cho biết: Hơn 320 cơ sở phục vụ ăn uống và 250 cơ sở lưu trú du lịch ở thị xã cũng đã đón một lượng khách lớn trong những ngày qua.

Theo Báo Nhân dân
Nguồn: nhandan.vn