Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc từ ngày 6/7

Chủ nhật, 06/07/2025 07:00 (GMT+7)

Bắt đầu từ ngày 6/7, Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá từ 23,1% đến 27,83% đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc, với thời hạn kéo dài 5 năm. Đây là động thái nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước đang chịu nhiều sức ép.

Sau nhiều tháng điều tra, Bộ Công Thương vừa công bố quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2025 và kéo dài trong 5 năm.

Mức thuế được áp dụng dao động từ 23,1% đến 27,83%, tuỳ vào từng nhà sản xuất, thể hiện rõ nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn tình trạng thép giá rẻ "lấn sân" thị trường nội địa, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bắt đầu từ ngày 6/7, Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá từ 23,1% đến 27,83% đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng thông báo chấm dứt điều tra đối với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Ấn Độ, do lượng nhập khẩu từ nước này chỉ chiếm dưới 3% tổng kim ngạch nhập khẩu, không đủ để tạo ra tác động đáng kể đến thị trường.

Loại hàng hóa bị áp thuế là thép hoặc thép hợp kim cán phẳng, cán nóng, có độ dày từ 1,2 đến 25,4mm, chiều rộng không quá 1.880mm, chưa qua xử lý bề mặt như tẩy gỉ, mạ kẽm hay phủ dầu. Sản phẩm cũng có hàm lượng carbon không vượt quá 0,3%. Một số mặt hàng như thép không gỉ, thép dạng tấm cán nóng nằm trong danh mục loại trừ, không bị áp thuế.

Trước đó, từ tháng 3, Bộ Công Thương đã áp thuế tạm thời từ 19,38% đến 27,83% với thép cán nóng nhập khẩu từ cả Trung Quốc và Ấn Độ trong thời gian chờ kết luận cuối cùng của cuộc điều tra.

Với những nhà sản xuất từ Ấn Độ hoặc phía Trung Quốc không nằm trong danh sách áp thuế chính thức lần này, Bộ Công Thương cho biết sẽ hoàn trả khoản thuế tạm thời mà họ đã nộp trước đó.

Cuộc điều tra chống bán phá giá được Bộ Công Thương khởi xướng vào năm 2024, sau khi nhận được yêu cầu từ hai doanh nghiệp đại diện ngành thép nội địa là Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.

Kết quả điều tra cho thấy có hành vi bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng mức độ và tác động từ hàng Trung Quốc vượt trội, trực tiếp gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương khẳng định, giá thép rẻ tràn vào không chỉ làm méo mó cạnh tranh, mà còn khiến nhiều doanh nghiệp thép trong nước đối mặt nguy cơ đóng cửa, cắt giảm sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm và nguồn thu ngân sách.

Thép cán nóng (HRC) là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, từ chế tạo ô tô, thiết bị gia dụng, đến xây dựng cơ bản. Trong bối cảnh nhu cầu trong nước đang tăng trưởng mạnh, sự cạnh tranh từ thép giá rẻ nhập khẩu khiến nhiều nhà máy trong nước khó bán hàng, không đủ biên lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất.

Việc áp thuế chống bán phá giá không chỉ là biện pháp phòng vệ thương mại, mà còn thể hiện thông điệp mạnh mẽ: Ngành sản xuất trong nước cần được bảo vệ một cách công bằng trước làn sóng hàng nhập khẩu giá thấp.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, đảm bảo việc áp thuế không tạo ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc làm tăng giá đột biến trên thị trường trong nước. Sự cân bằng giữa bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng luôn là mục tiêu hàng đầu trong chính sách phòng vệ thương mại của Việt Nam.