Zara, H&M về Hà Nội, dân xách tay vẫn “sống khoẻ”
Zara, H&M dồn dập đổ về Hà Nội khiến nhiều người lo lắng. Nhưng thực tế cho thấy, dân kinh doanh hàng xách tay các nhãn hiệu thời trang này vẫn sống khỏe.
Dừng hay bước tiếp?
Gần đây, trên fanpage tại Việt Nam, thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới H&M thông báo sẽ chính thức mở cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội. Cửa hàng này đã mở cửa vào 10h30 ngày 11/11 vừa qua. Địa điểm được H&M lựa chọn là trung tâm thương mại Vincom Royal City.
Việc mở cửa hàng tại Việt Nam trong năm 2017 đã được H&M đăng tải trên trang chủ của mình từ năm 2016. Khi đó, nhiều người từng đồn đoán, chờ đợi nhãn hiệu này về. Ngày 9/9, cửa hàng đầu tiên của H&M tại Việt Nam được khai trương tại trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM). Việt Nam là thị trường thứ 68 trên toàn cầu và là thị trường thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á của H&M.
Không chỉ H&M, Zara cũng khai trương cửa hàng tại Hà Nội trong ngày 9/11. Địa điểm được Zara chọn là trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu. Đây là cửa hàng đầu tiên của Zara tại Hà Nội và là cửa hàng thứ hai tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 9 năm ngoái, Zara đã khai trương cửa hàng đầu tiên đặt tại trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi, TP.HCM.
Zara và H&M là hai thương hiệu bình dân được các tín đồ thời trang yêu thích vì những sản phẩm hợp mốt, kèm theo đó là giá thành tương đối rẻ hơn so với những nhãn hàng khác.
Sự xuất hiện của Zara và H&M ít nhiều gây áp lực cho dân buôn hàng xách tay…
Là người bán hàng xách tay gần 2 năm, chị Tú Linh (Tân Mai, Hà Nội) khá lo lắng khi các hãng thời trang quốc tế lần lượt đổ bộ vào thị trường miền Bắc. “Thực sự tôi khá ái ngại, trước đây tôi nhập cả kiện hàng vài trăm sản phẩm về bán nhưng tháng này tôi chỉ nhập một lượng ít cầm chừng để nín thở xem mình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào”, chị tâm sự.
Zara, H&M là một trong những dòng sản phẩm bên chị kinh doanh, chị nói thêm, quần áo của hãng thời trang này được nhiều khách hàng ưa chuộng, bởi kiểu cách hợp mốt, dễ mặc, giá thành hợp túi tiền.
Chị Thu Lệ, chủ một cửa hàng chuyên hàng xách tay ở phố Tuệ Tĩnh, Hà Nội cho hay, chị kinh doanh hàng xách tay được 2 năm, cửa hàng của chị khách vào tấp nập. “Tôi rất tỉ mỉ trong từng khâu, chọn sản phẩm, nhập hàng, vận chuyển, mang về thuê mẫu mặc và chụp lên thành những bộ lookbook kết hợp sản phẩm, và tôi quảng cáo trên mạng xã hội mạnh khiến thương hiệu của cửa hàng rất uy tín, không chỉ phục vụ cho khách Hà Nội mà các khách tỉnh cũng đặt mua. Việc một loạt thương hiệu thời trang đổ bộ về khiến tôi cũng có phần lo lắng, đôi khi tôi nghĩ sẽ kinh doanh thêm một mặt hàng sản phẩm nào đó cho thức thời, đỡ “cho trứng cùng 1 giỏ”.
Dân buôn hàng xách tay vẫn "sống khoẻ"
Không quá lo lắng trước việc các thương hiệu thời trang vào Việt Nam, chị Nguyệt Hà - chuyên hàng thời trang xách tay Anh, Mỹ, Tây Ban Nha cho rằng, “Trước đây, tôi cũng lo lắng nhưng hiện tại, tôi vẫn sống khoẻ. Khách hàng vẫn order thường xuyên, hàng tôi nhập về vẫn bán rất tốt”.
Chị Liên Thuỳ (Hàng Đường, Hà Nội) – một tín đồ hãng thời trang Zara, H&M chia sẻ: "Tủ đồ của tôi đa phần là hàng của Zara và H&M, giá thành rẻ, hợp dáng. Tôi đã mong ngóng từng ngày khi hai thương hiệu này về Hà Nội để mình đỡ mất công chờ đợi order về và được chọn tận tay những mẫu mới nhất. Thế nhưng tôi nhận thấy, hàng được trưng bày tại những showroom này nhiều mẫu mã từ năm cũ, ít hàng mới, chất liệu cũng không tốt như tôi order hay mua hàng xách tay về”.
Lý giải về điều này, chị Bích Minh (chủ một cửa hàng xách tay trên phố Huế) cho biết: "Trước đây, khi tìm hiểu, tôi đã nhận thấy, chất liệu của những sản phẩm hàng hiệu này khi phân phối về thị trường Châu Á không cao cấp bằng thị trường khác”.
Chị cũng nói thêm, hàng đặt mua từ website nước ngoài thường có nhiều mẫu mã mới và đa dạng hơn, nên chị Minh vẫn có một lượng khách riêng.
Anh Phan Tú - chủ cửa hàng xách tay ở Nghĩa Dũng cho biết, trung bình một món đồ nhập về đến tay người tiêu dùng giá rẻ hơn từ 100.000 – 160.000 đồng.
Các sản phẩm xách tay thường có giá rẻ hơn sản phẩm bán tại cửa hàng hoặc đại lý chính hãng vì thường không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế kinh doanh các loại.
Một thương hiệu thời trang cùng phân khúc là Mango, dù đã vào Việt Nam từ rất lâu nhưng chưa thực sự tạo được một cơn sốt đáng kể trên thị trường đầy tiềm năng này. Các shop nhận đặt hàng Mango xách tay vẫn sống tốt. Điều đó cho thấy, không phải cứ là hàng hiệu nổi tiếng vào Việt Nam là sẽ chiếm lĩnh được thị trường.
Theo Tú Thị - NTD
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm