Xuất khẩu gạo khó khăn, cổ phiếu ngành gạo lao đao

Thứ ba, 04/06/2019, 12:53 PM

Hầu hết cổ phiếu ngành gạo đều đang “dập dìu” theo khó khăn của hoạt động xuất khẩu gạo. Ngay cả doanh nghiệp lớn nhất trong ngành là Tập đoàn Lộc Trời (LTG) cũng đang loay hoay tìm lối ra.

Lộc Trời đang chuyển hướng sang kinh doanh gạo từ thuốc bảo vệ thực vật vì bị cạnh tranh lớn từ Trung Quốc. Dù vậy, hiện tại mảng gạo chưa đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của tập đoàn.

Lộc Trời đang chuyển hướng sang kinh doanh gạo từ thuốc bảo vệ thực vật vì bị cạnh tranh lớn từ Trung Quốc. Dù vậy, hiện tại mảng gạo chưa đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của tập đoàn.

Kẻ giải thể, người lao đao

Trong số các doanh nghiệp kinh doanh gạo niêm yết trên sàn chứng khoán, Lộc Trời là “anh cả”, nhưng kết quả kinh doanh cũng không mấy khả quan. Cụ thể, Lộc Trời vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2019 với 1.568 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hơn 58 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này giảm 21% so với cùng kỳ do biên lợi nhuận mảng gạo giảm mạnh.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu LTG nằm trong xu hướng giảm, hiện chỉ còn trên 23.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 10% so với mức giá hồi đầu năm. Vốn hóa thị trường của tập đoàn này cũng giảm chóng mặt đến một nửa, tính từ lúc lên sàn vào cuối tháng 7/2017, hiện còn xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu AGM (CTCP Xuất nhập khẩu An Giang) may mắn hơn khi duy trì được vùng giá 9.000-10.000 đồng/cổ phiếu từ đầu năm đến nay. May mắn này nhờ lợi nhuận quý 1/2019 của AGM đạt gần 9 tỷ đồng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu không đến từ thị trường, mà do AGM mua được nguyên liệu giá rẻ từ công ty con (CTCP Dịch vụ Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp).

Ảm đạm nhất là cổ phiếu FDG (CTCP Docimexco) hiện giá chỉ còn 1.000 đồng/cổ phiếu. FDG cũng như một vài cổ phiếu ngành gạo khác bị hạn chế giao dịch từ tháng 8/2016 do kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Cổ phiếu VLF (CTCP Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long) hiện chỉ còn 700 đồng/cổ phiếu cũng là một trường hợp như vậy.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn là Tổng công ty Lương thực Miền Nam - Vinafood 2 (VSF) vừa cổ phần hóa trong năm 2018 cũng báo lỗ khủng. VSF cho biết, quý cuối năm 2018 lỗ gần 1.500 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 2.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp trên đều giao dịch trên sàn Upcom. Một số doanh nghiệp chưa niêm yết cũng lâm vào tình trạng bí bách, thể hiện phần nào bức tranh kinh doanh xuất nhập khẩu gạo hiện nay. Mới đây, Tập đoàn Vĩnh Hoàn (VHC) đã quyết định giải thể Công ty TNHH Lương thực Vĩnh Hoàn 2. Đây là doanh nghiệp được thành lập vào năm 2011, giai đoạn doanh nghiệp tư nhân được phép trực tiếp xuất khẩu gạo. Thế nhưng 8 năm qua, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này khá lu mờ.

Các thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt cũng đang xuất hiện thêm nhiều rào cản mới.

Các thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt cũng đang xuất hiện thêm nhiều rào cản mới.

Triển vọng khó đoán

Việc xuất khẩu gạo khó khăn còn có thể thấy ở các doanh nghiệp vùng Tây Nam bộ. Công ty TNHH Lương Thịnh Phát (Bến Tre) và CTCP Cờ Đỏ (Cần Thơ) cho biết gần đây công ty không xuất khẩu gạo nữa do thị trường khó khăn. Sự khó khăn này đến từ tình hình chung của ngành.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá xuất khẩu gạo trong tháng 4/2019 đã giảm 4,3% so với tháng 3/2019 và giảm 13% so với tháng 2/2019, đạt trung bình gần 500 USD/tấn. Tính cả 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo đã  giảm gần 11% so với cùng kỳ. Trong tháng 5/2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sụt giảm rất mạnh về sản lượng ở nhiều thị trường như Indonesia, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ...

Các thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt cũng đang xuất hiện thêm nhiều rào cản mới. Chẳng hạn, trong năm 2019, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Trung Quốc thông báo xả kho gạo hơn 100 triệu tấn và siết chặt các điều kiện nhập khẩu. Thị trường lớn nhất của gạo Việt là Philippines cũng thông qua Đạo luật tự do hóa nhập khẩu gạo khiến các công ty xuất khẩu gạo Việt gánh thêm áp lực cạnh tranh với các nước khác, nhất là Thái Lan đang chào giá gạo rẻ hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, các nước châu Phi (chiếm gần 1/3 tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam) đang quyết liệt triển khai các chương trình tự cung lương thực, ảnh hưởng không nhỏ tới ngành gạo xuất khẩu Việt Nam.

Trong khi đó, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt vẫn còn thấp vì thương hiệu chưa lớn mạnh. Trong số 22 doanh nghiệp được xuất khẩu trực tiếp vào Trung Quốc có Lộc Trời và Vinafood 2. Lộc Trời đang tìm cách tăng sức cạnh tranh bằng cách liên doanh với Tập đoàn Viên Thị Hồ Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ điều đó cũng chưa khiến nhà đầu tư hết lo.

Xuất thân là công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại An Giang với tăng trưởng lợi nhuận khá cao, Lộc Trời đang chuyển hướng sang kinh doanh gạo vì sản phẩm chính bị cạnh tranh lớn từ Trung Quốc. Dù vậy, hiện tại mảng gạo chưa đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của tập đoàn. Trong năm 2018, biên lợi nhuận gộp của mảng gạo giảm hơn phân nửa, chỉ còn 1,8%.

Trong năm 2019, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo trong thận trọng rằng, doanh thu mảng gạo của Lộc Trời chỉ tăng khoảng 5%. Triển vọng còn mờ mịt nhưng Lộc Trời vẫn đang loay hoay với khá nhiều rủi ro nội tại. Đó là dòng tiền kinh doanh của tập đoàn này đã âm liên tục trong 2 năm qua và tiếp tục âm trong quý 1/2019. Đồng thời, khoản phải thu khó đòi trị giá 311 tỷ đồng mới được Lộc Trời trích lập dự phòng một phần. Nếu trích lập hết, có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả lợi nhuận của tập đoàn trong năm 2019.

Hoàng Yến

Theo NTD

largeer