Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Vietcombank tiết lộ lộ trình tái cấu trúc VCBNeo sau chuyển giao

Thứ bảy, 26/04/2025 14:21 (GMT+7)

Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại Ecopark (Hưng Yên).

Chuyển giao nhiều công nghệ, nền tảng và nhân lực cho VCBNeo

Trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về phương án tái cấu trúc ngân hàng VCBNeo (đổi tên từ CBBank), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Vietcombank đã và đang tích cực rà soát toàn bộ hoạt động của VCBNeo ngay sau khi tiếp nhận ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, ngân hàng cũng tiến hành nhận diện các rủi ro tiềm ẩn, điểm yếu và xây dựng lộ trình hành động phục hồi phù hợp.

Vị lãnh đạo này cũng thông tin về lộ trình thực hiện, tính đến cuối tháng 4, nhiều công nghệ, nền tảng và nhân lực đã được chuyển giao cho VCBNeo. Cụ thể, Vietcombank đã hoàn tất chuyển đổi hệ thống core banking cho ngân hàng xây dựng, đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin và toàn bộ dữ liệu khách hàng cho đơn vị này.

Ngân hàng Xây Dựng (CB) đổi tên thành VCBNeo sau khi chuyển giao về Vietcombank

Với mục tiêu xây dựng để vận hành ngân hàng này theo mô hình ngân hàng số, VCBNeo đang được định hướng phát triển dựa trên công nghệ hiện đại, tối ưu chi phí, giảm phụ thuộc vào nhân lực truyền thống.

"Vietcombank cho biết đang tiếp tục hoàn thiện chiến lược toàn diện để tái cấu trúc ngân hàng, sẽ thông tin thêm khi có kết quả cụ thể", Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng nói.

Đánh giá về tác động của chính sách thuế quan Trump đến ngành ngân hàng và Vietcombank, Chủ tịch Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Vietcombank chịu tác động đặc biệt rõ rệt bởi các lý do chính sau:

Thứ nhất, ngân hàng đang chiếm khoảng 20% thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại toàn thị trường. Thêm vào đó, nhiều khách hàng của Vietcombank đều là những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế cao, bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ trong các lĩnh vực như điện tử, gỗ, thuỷ sản, nhựa...

Thứ hai, danh mục khách hàng FDI tại Vietcombank chiếm phần lớn so với các ngân hàng khác, chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và hơn 50% về doanh số hoạch toán quốc tế tài trợ thương mại.

Về giải pháp đối phó, ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin, Vietcombank đã tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý để có định hướng phù hợp theo từng ngành nghề, từng đối tượng khách hàng. Đồng thời, ngân hàng cũng chủ động phối hợp với các khách hàng để đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động như hỗ trợ tài chính, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

(Ảnh: VCB)

Dùng toàn bộ lợi nhuận chia cổ tức

Tại đại hội ngân hàng kiến trình ĐHĐCĐ phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 với lợi nhuận sau thuế riêng lẻ năm 2024 đạt hơn 33.084 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là hơn 23.149 tỷ đồng.

Theo tờ trình, Vietcombank sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) không được nêu trong văn bản. Đồng thời, ngân hàng cũng cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có thể chia cổ tức.

Ngân hàng cũng dự kiến trình đại hội cổ đông phương án chào bán tối đa 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm của đợt chào bán (hoặc tại thời điểm của đợt chào bán đầu tiên trong trường hợp có nhiều đợt chào bán).

Dự kiến tổng số cổ phiếu chào bán riêng lẻ tối đa 543,1 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000/cp cho tối đa 55 nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tối đa 5.431 tỷ.

Nếu hoàn thành cấu phần trên, vốn điều lệ Vietcombank dự kiến được nâng từ 83.557 tỷ đồng lên gần 88.988 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh, ngân hàng cho biết sẽ cập nhật sau khi có phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại đại hội năm nay là việc Vietcombank sẽ miễn nhiệm 1 thành viên Hội đồng quản trị, và bầu bổ sung 2 người.

Cụ thể, Vietcombank miễn nhiệm ông Shojiro Mizoguchi, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Vietcombank theo đề xuất của Ngân hàng Mizuho về việc thay thế người đại diện giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị tại Vietcombank và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Vietcombank sẽ bầu bổ sung 2 người, là ông Kohei Matsuoka (quốc tịch Nhật Bản), và bà Hoàng Thanh Nhàn. Ngoài ra, Vietcombank dự kiến bầu bổ sung ông Trần Sỹ Mạnh làm Thành viên Ban BKS nhiệm kỳ 2023-2028. 

VCB mới đây cũng cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Trịnh Ngọc An khỏi vị trí Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023–2028, theo nguyện vọng cá nhân.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 25/4, thị giá VCB ở mức 57.500 đồng/cp.

Linh Trang
Nguồn: sohuutritue.net.vn