Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Việt Nam đối mặt áp lực lạm phát khi giá dầu thế giới leo thang

Thứ năm, 24/07/2025 16:12 (GMT+7)

Giá dầu leo thang mạnh trong thời gian gần đây đã làm dấy lên lo ngại về áp lực lạm phát. Trước tình hình đó, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định và khuyến nghị chiến lược nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Biến động giá dầu toàn cầu và tác động đến lạm phát tại Việt Nam

Đợt tăng giá dầu gần đây trên thị trường thế giới, có thời điểm vượt mốc 80 USD/thùng, chủ yếu xuất phát từ căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông và nỗi lo ngày càng lớn về khả năng phong tỏa eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển quan trọng chiếm hơn 20% nguồn cung dầu toàn cầu. Dù sau đó giá dầu đã hạ nhiệt xuống mức 65 - 70 USD/thùng nhờ các tín hiệu lắng dịu từ Iran, cú sốc ban đầu vẫn để lại tác động lan rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 ghi nhận mức tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 3,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết 192/2025/QH15 (4,5%–5%), những con số này cho thấy áp lực lạm phát chi phí đẩy vẫn còn hiện diện – mà nguyên nhân chủ yếu là do chi phí năng lượng, đặc biệt là nhiên liệu nhập khẩu, tăng cao. Đây là yếu tố có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ chuỗi cung ứng trong nước.

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Nhung - giảng viên Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam vốn dễ bị tổn thương trước các cú sốc giá dầu. Mặc dù có xuất khẩu dầu thô, năng lực lọc dầu trong nước còn hạn chế và trữ lượng nội địa khiêm tốn, khiến nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế.

Chính sự phụ thuộc này khiến nền kinh tế trong nước trở nên nhạy cảm với các biến động giá dầu toàn cầu. Tiến sĩ Nhung nhận định: “Khi giá dầu tăng trên thị trường quốc tế, chi phí nhiên liệu trong nước chịu tác động gần như ngay lập tức, kéo theo ảnh hưởng lên vận tải, logistics, sản xuất và cuối cùng là giá tiêu dùng”.

Bà dẫn chứng, khoảng 9,67% rổ CPI của Việt Nam là nhóm giao thông, vốn bao gồm các dịch vụ vận tải. Trong khi đó, nhóm thực phẩm và dịch vụ ăn uống chiếm khoảng 33,56% - đều là những lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn, nên dễ bị tác động bởi biến động giá nhiên liệu. Xăng và dầu diesel là hai loại nhiên liệu phổ biến nhất trong vận tải nội địa, đồng thời được sử dụng rộng rãi trong các ngành như xay xát lúa gạo, đánh bắt thủy sản và tưới tiêu nông nghiệp. Logistics chiếm 10–15% chi phí sản xuất trong nhiều ngành, trong khi giá phân bón lại gắn liền với biến động của giá dầu và khí đốt trên thị trường quốc tế. Những mối liên hệ này không chỉ mang tính lý thuyết, mà đã được chứng minh qua thực tế nhiều lần.

Nền kinh tế Việt Nam “cực kỳ nhạy cảm” với biến động giá dầu. Hình: Pexels

Lịch sử cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa giá dầu và lạm phát tại Việt Nam. Năm 2008, khi giá dầu toàn cầu đạt đỉnh 147 USD/thùng, lạm phát trong tám tháng đầu năm tại Việt Nam tăng 21,65% so với cùng kỳ – mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm tăng cùng với quá trình cắt giảm trợ giá nhiên liệu. Năm 2011, làn sóng Mùa xuân Ả Rập đẩy giá dầu lên 120 USD/thùng, và lạm phát tại Việt Nam tính đến tháng 4/2011 tăng 17,51% so với cùng kỳ năm trước. Gần đây nhất, trong tháng 3/2022, giá dầu tiến sát ngưỡng 120 USD/thùng do xung đột Nga–Ukraine, kéo theo lạm phát ở Việt Nam tăng 2,41% so với cùng kỳ; đến tháng 6/2022, con số này tăng lên 3,37%.

Những dẫn chứng trên nhấn mạnh rằng rủi ro hiện tại vẫn hiện hữu. Dù giá dầu đã hạ nhiệt, chi phí năng lượng và logistics vẫn neo ở mức cao. Tiến sĩ Nhung khuyến cáo: “Căng thẳng địa chính trị hoàn toàn có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào, kéo giá dầu lên cao và khiến lạm phát gia tăng trở lại”.

Bà cũng lưu ý rằng nếu thiếu những chính sách hỗ trợ đủ mạnh, nền kinh tế sẽ khó tránh khỏi tác động từ những cú sốc năng lượng đột ngột.

“Biến động giá nhiên liệu ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của người dân – đặc biệt là nhóm thu nhập thấp – đồng thời thu hẹp dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước”, bà nói.

Giải pháp chính sách nhằm giảm tác động của giá dầu tăng đối với kinh tế Việt Nam

Để đối phó hiệu quả với tình trạng giá dầu tăng cao, Tiến sĩ Phan Thanh Chung – giảng viên Kinh tế tại Đại học RMIT cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược hai chiều: vừa triển khai biện pháp ngắn hạn để xử lý tức thời, vừa thúc đẩy các cải cách dài hạn để nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Ông khuyến nghị, về ngắn hạn, Chính phủ nên có các gói hỗ trợ có mục tiêu cho các nhóm dễ bị tổn thương và những ngành chịu tác động nặng”.

Cụ thể, có thể tạm thời giảm thuế môi trường và thuế nhập khẩu nhiên liệu nhằm hạ giá bán lẻ. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu để ứng phó khi giá tăng đột ngột. Chính sách hỗ trợ trực tiếp như trợ cấp tiền mặt hoặc phiếu mua nhiên liệu cần được ưu tiên cho hộ thu nhập thấp, nông dân và lao động ngành vận tải – những nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất. Ngoài ra, việc miễn hoặc giảm thuế cho các ngành tiêu tốn nhiều nhiên liệu như logistics và thủy sản cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực chi phí đầu vào.

Tiến sĩ Chung cũng cho rằng: “Chính phủ cần cân nhắc hoãn triển khai các chính sách thuế, phí mới trong thời điểm bất ổn, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và tạo điều kiện để họ điều chỉnh theo chi phí vận hành đang tăng”.

Về phía chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần duy trì lập trường cẩn trọng, hài hòa giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Đảm bảo doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn tín dụng giá rẻ để vượt qua áp lực chi phí là yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, kiểm soát tạm thời giá một số hàng hóa thiết yếu như thực phẩm cơ bản và dịch vụ công cộng cũng là biện pháp nên cân nhắc để hạn chế hiệu ứng lan tỏa của lạm phát.

Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Nhung (trái) và Tiến sĩ Phan Thanh Chung (phải), Đại học RMIT Việt Nam

Theo Tiến sĩ Chung, về dài hạn, cải cách cơ cấu là yếu tố then chốt.

“Việc đa dạng hóa nguồn năng lượng - thông qua thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và năng lượng sinh khối - sẽ giúp giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu”.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, khuyến khích chuyển đổi sang xe điện và các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu sẽ góp phần giảm áp lực từ phía cầu. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động thăm dò dầu khí trong nước và xây dựng kho dự trữ dầu chiến lược để tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

“Cuối cùng, đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng đô thị sẽ góp phần cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu trong dài hạn”, Tiến sĩ Chung kết luận.

Linh Trang
Nguồn: sohuutritue.net.vn