Ước mơ ngày Tết tại mái ấm An Lạc

Thứ tư, 17/01/2018, 11:29 AM

Bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ nhưng những các bé tại mái ấm An Lạc (tỉnh Long An) vẫn được hưởng một mùa xuân ấm áp và trọn vẹn trong tình thương của nhiều người.

Mái ấm An Lạc - ngôi nhà của những đứa bé không nhà

Nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ trên trục đường Quốc lộ 50, tổ 10, ấp Kim Điền, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; mái ấm An Lạc thuộc chùa Pháp Tánh là nơi nuôi dưỡng và chăm sóc những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi.

Chùa Pháp Tánh - mái ấm An Lạc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Chùa Pháp Tánh - mái ấm An Lạc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Được thành lập từ tháng 4/2012, sư cô Thích Nữ Tắc Bảo (trụ trì chùa Pháp Tánh) cho biết hiện nay mái ấm đang nuôi dưỡng 25 đứa bé, trong đó có 2 bé 5 tuổi, 1 bé 9 tuổi, bé nhỏ tuổi nhất hiện nay chưa đến 1 tháng tuổi và số còn lại từ 1 đến 4 tuổi. Hoàn cảnh chung của các bé là đều bị cha mẹ để lại trước cổng chùa và có một số bé bị bỏ rơi trong bệnh viện được chính quyền địa phương mang đến nhờ mái ấm chăm sóc.

Do trong chùa chỉ có 4 sư cô nên không thể chu toàn chăm sóc cho các bé, các sư cô đã kêu gọi sự giúp đỡ của các Phật tử gần xa đến làm công việc bảo mẫu để lo cho các bé tốt hơn. Mái ấm An Lạc được chia thành 2 khu vực, 1 khu dành cho các bé dưới 1 tuổi và khu còn lại dành cho các bé lớn hơn. Mỗi ngày sẽ có 2 ca trực là ca sáng và ca đêm, mỗi ca thì có 2 cô bảo mẫu, mỗi cô sẽ phụ trách một khu.

Khu vực của các em bé dưới 1 tuổi trong mái ấm An Lạc.

Khu vực của các em bé dưới 1 tuổi trong mái ấm An Lạc.

Khu vực dành cho các bé lớn hơn một tuổi trong mái ấm An Lạc

Khu vực dành cho các bé lớn hơn một tuổi trong mái ấm An Lạc

Chị Trang (38 tuổi), bảo mẫu của khu các bé dưới 1 tuổi cho biết: “Các bé ở hai khu có những nhu cầu khác nhau nên cách chăm sóc cũng phải khác nhau. Ví dụ như với các bé dưới 1 tuổi chưa biết đi, chưa biết nói thì phải bồng bế các bé khi các bé khóc, thường xuyên thay tã để các bé không bị khó chịu và phải đưa võng cho các bé ngủ. Còn các bé lớn hơn thì không cần thay tã hay bồng bế nhưng lại vô cùng hiếu động, hay chạy giỡn khắp nơi phải để ý kĩ để các bé không té hay gặp nguy hiểm”.

Chị Trang (bảo mẫu) đang chăm sóc đứa bé chưa tròn 1 tháng tuổi bị bỏ rơi trước cổng chùa

Chị Trang (bảo mẫu) đang chăm sóc đứa bé chưa tròn 1 tháng tuổi bị bỏ rơi trước cổng chùa

Chi phí để chăm lo cho các bé và hỗ trợ một phần nhỏ cho các cô bảo mẫu là do các mạnh thường quân, những người dân xung quanh biết đến mái ấm cùng nhau đóng góp. Ngoài ra, các sư cô trong chùa còn tự tay làm các loại mứt như mứt me, mứt bưởi, mứt gừng, mứt thơm…để trang trải kinh phí hoạt động cho chùa cũng như mái ấm.

Những loại mứt do chính tay các sư cô làm được đóng gói kĩ lưỡng, sạch sẽ

Những loại mứt do chính tay các sư cô làm được đóng gói kĩ lưỡng, sạch sẽ

Được nuôi dưỡng và phát triển như những đứa trẻ bình thường

Khi được hỏi về việc chăm sóc các bé ở chùa có khác gì với những trẻ em bình thường, sư cô An Hiếu chia sẻ: “Các bé ở đây vẫn được chăm sóc như những trẻ em bình thường, vì các bé còn quá nhỏ nếu cho các bé ăn chay thì sẽ không đủ sức phát triển nên chùa vẫn nhờ các cô bảo mẫu nấu riêng phần ăn mặn và các bé chỉ ăn chay vào những ngày rằm. Đến tuổi đi học sẽ được đưa đến trường học để các bé có thể hoà nhập với cuộc sống bình thường. Về vấn đề sức khoẻ, thì định kỳ sẽ có đoàn bác sĩ từ thiện của bệnh viện Đại học Y Dược đến thăm khám và phát thuốc cho các bé”.

Sư cô An Hiếu - người chăm sóc những đứa bé mồ côi ở mái ấm

Sư cô An Hiếu - người chăm sóc những đứa bé mồ côi ở mái ấm

Ngoài ra, dù được nuôi dưỡng tại chùa nhưng nhà chùa hoàn toàn không định hướng cho các bé sau này sẽ trở thành những tu sĩ Phật giáo. Khi các bé đã đủ tuổi trưởng thành đủ khả năng chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình thì nhà chùa sẽ tôn trọng quyết định của các bé là sống cuộc đời của những người bình thường hay sẽ đi xuất gia.

Những băn khoăn về câu chuyện cho đi hay giữ lại

Đến thăm chùa vào một ngày trong tuần, các bé lớn thì đang đi học nên phóng viên không có dịp hỏi thăm trực tiếp các bé, nhưng chúng tôi đã hỏi thăm các sư cô về việc có bao giờ các bé hỏi thăm về cha mẹ của mình hay không? Sư cô An Hiếu chia sẻ: “Có chứ. Các bé đi học thấy các bạn khác có cha mẹ đưa đón còn mình thì không nên thỉnh thoảng hay hỏi cô Bảo cha mẹ của tụi con đâu? Lúc đó cô Bảo trả lời lời cha mẹ của tụi con là cô rồi ôm các bé vào lòng là tụi nhỏ cười ngay”.

Sư cô Thích Nữ Tắc Bảo - trụ trì chùa Pháp Tánh và là người quản lí mái ấm.

Sư cô Thích Nữ Tắc Bảo - trụ trì chùa Pháp Tánh và là người quản lí mái ấm.

Về chuyện xin nhận nuôi các bé, sư cô Tắc Bảo chia sẻ: “Có rất nhiều gia đình hiếm muộn đến đây để xin nhận con nuôi nhưng nhà chùa thường từ chối, không phải vì ích kỉ hay không muốn các bé có được một cuộc sống tốt hơn khi có cha, có mẹ nhưng nhà chùa vẫn không thể an tâm khi trao bất cứ đứa trẻ nào cho ai đó. Phần khác, có rất nhiều cha mẹ - những người đã bỏ rơi các bé vẫn luôn dõi theo con của mình. Có thể vì một lí do nào đó họ không thể chăm sóc tốt và nghĩ rằng khi đưa đứa bé vào đây thì cuộc sống đầy đủ hơn. Nhiều khi, có những cha mẹ vào chùa cùng với những đoàn Phật tử để nhìn mặt con từ xa. Nếu như nhà chùa cho đứa trẻ đi thì họ sẽ không còn gặp được con mình nữa. Thêm vào đó là tình trạng cho bé này được thì cũng phải cho bé khác được, như vậy thì mọi thứ sẽ trở nên khó kiểm soát”.

Ước mơ của các bé trong mùa xuân mới

Nếu như công việc chuẩn bị cho một cái Tết luôn khiến người lớn đắn đo, suy nghĩ thì với trẻ con lại hoàn toàn ngược lại, chúng mong đợi từng ngày để được mặc đồ đẹp, được ăn bánh kẹo, được uống nước ngọt, được lì xì…và những đứa bé ở mái ấm An Lạc cũng không ngoại lệ. Hằng năm, vào dịp năm mới, các sư cô luôn chuẩn bị cho các bé những bộ đồ mới, bánh kẹo, nước ngọt thì được các mạnh thường quân ủng hộ, mọi người luôn cố gắng cho các bé có một cái Tết ấm áp nhất, sung túc nhất. Nhưng Tết năm nay lại khác, các bé đã dần một lớn, ý thức về Tết cũng nhiều hơn, rõ ràng hơn. Các bé nói với cô Bảo là các bé thích hoa và mong rằng trong mấy ngày Tết các bé sẽ được ngắm hoa đẹp trong khuôn viên nhà chùa. Thương các bé, nên các sư cô cũng đang lên kế hoạch, tính toán chi tiết để có thể trang trí hoa trong chùa vào dịp Tết, vừa để các bé đón Tết thật vui vừa để chùa đẹp hơn, có không khí Tết hơn trong dịp năm mới.

Bé trai 4 tuổi bị bệnh Down đang được chăm sóc tại chùa Pháp Tánh.

Bé trai 4 tuổi bị bệnh Down đang được chăm sóc tại chùa Pháp Tánh.

Cậu bé nhỏ đang vừa uống sữa vừa ngủ trưa.

Cậu bé nhỏ đang vừa uống sữa vừa ngủ trưa.

Các bé rồi sẽ lớn hơn, rồi sẽ suy nghĩ nhiều hơn về số phận của mình nhưng tin chắc rằng với sự bao bọc chở che của các Sư cô trong mái ấm An Lạc, các bé sẽ trưởng thành, vượt qua mọi mặt cảm, kiêu hãnh với cuộc đời. Còn với Tết Mậu Tuất 2018, các bé trong mái ấm An Lạc – chùa Pháp Tánh sẽ được mặc quần áo đẹp, sẽ được vui xuân trong tình yêu của mọi người.

Bài viết: Đức Tiến
Ảnh: Ngọc Ngân

Theo NTD

largeer