Harvard bị cấm tuyển sinh quốc tế, đại học châu Âu, Á chào đón nhân tài
Chủ nhật, 25/05/2025 13:54 (GMT+7)
Chính sách mới của Tổng thống Trump gây bất ổn cho sinh viên quốc tế tại Harvard, tạo cơ hội để các trường đại học hàng đầu châu Âu và châu Á thu hút nhân tài.
Harvard phản đối và kiện tụng
Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm tước bỏ khả năng tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard đã gây ra làn sóng bất an trong cộng đồng gần 7.000 sinh viên quốc tế tại ngôi trường danh giá này.
Mặc dù một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết tạm thời đình chỉ thi hành lệnh cấm vào ngày 23/5, tương lai học tập của các sinh viên vẫn chưa rõ ràng, buộc nhiều người phải cân nhắc các lựa chọn thay thế.
Ngay cả những nhân vật cấp cao cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách này. Công chúa Bỉ Elisabeth (23 tuổi), người đang theo học chương trình Thạc sĩ Chính sách Công tại Harvard là một trong số đó. Cô là người thừa kế ngai vàng Bỉ và đã hoàn thành năm học đầu tiên.
Trước tình hình này, người phát ngôn của hoàng gia Bỉ, Lore Vandoorne, xác nhận rằng họ đang "tìm hiểu tình hình" và "quan sát" các diễn biến tiếp theo, trong khi Giám đốc truyền thông Xavier Baert cho biết Hoàng gia sẽ theo dõi sát sao trong những ngày và tuần tới.
Đại học Oxford là một trong 24 trường đại học hàng đầu thuộc Nhóm Russell của Vương quốc Anh. Ảnh: Facebook Đại học Oxford
Đại học Harvard đã phản ứng mạnh mẽ, coi đây là hành động "vi phạm pháp luật và vô căn cứ". Hiệu trưởng Alan M. Garber đã gửi thư tới toàn thể nhà trường, cảnh báo rằng lệnh cấm không chỉ đe dọa hàng nghìn sinh viên quốc tế của trường mà còn gây tổn hại cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học Mỹ. Nhà trường đã đệ đơn kiện chính phủ liên bang lên tòa án, lập luận rằng quyết định này là vi hiến. Phán quyết tạm dừng thi hành của tòa án đã mang lại một chút hy vọng, nhưng cuộc chiến pháp lý vẫn đang tiếp diễn.
Cơ hội mở ra cho các trường đại học hàng đầu khác
Trong bối cảnh sinh viên quốc tế tại Harvard đối mặt với khả năng phải chuyển trường hoặc từ bỏ việc học, nhiều trường đại học hàng đầu tại châu Âu và châu Á đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để thu hút nguồn nhân tài này.
Tại Vương quốc Anh, các trường đại học thuộc nhóm "Russell Group" (liên minh 24 trường đại học nghiên cứu hàng đầu, bao gồm Oxford và Cambridge) được cho là sẽ là những nơi hưởng lợi nhiều nhất. Một báo cáo của chính phủ Anh năm 2024 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh viên quốc tế đối với sự bền vững tài chính của các trường đại học, cảnh báo nguy cơ đóng cửa nếu số lượng sinh viên quốc tế giảm sút.
Thụy Sĩ cũng thể hiện sự sẵn sàng. Người phát ngôn của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich (ETH Zurich), Corinne Feuz, cho biết trường đã có khoảng 22 sinh viên có thể bị ảnh hưởng bởi các quy định visa mới của Mỹ và tin rằng "các biện pháp mới của Mỹ đối với Harvard có thể khiến nhiều sinh viên hơn tìm đến chúng tôi", coi đây là "cơ hội tốt để tiếp nhận những sinh viên xuất sắc nhất toàn cầu".
Trong khi đó, Đại học Trinity Dublin của Ireland giữ thái độ thận trọng hơn, cho biết đang quan sát tình hình mà chưa xác nhận việc tiếp nhận một lượng lớn sinh viên Harvard. Bộ Giáo dục Hà Lan cũng bày tỏ quan ngại, Đại học Kỹ thuật Eindhoven (TU/e) cho biết họ đang có sinh viên trao đổi tại Harvard và một sinh viên khác dự định đến đó. Chính phủ Hà Lan đã liên hệ với phía Mỹ để thảo luận về vấn đề này.
Đáng chú ý, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) đã công khai lời mời, cam kết cung cấp quy trình nhập học đơn giản, hỗ trợ học thuật và xét duyệt ưu tiên cho những sinh viên từ Harvard có nguyện vọng chuyển tiếp. Trường sẽ hỗ trợ chuyển đổi tín chỉ, visa và chỗ ở để giúp các sinh viên này ổn định việc học.
Mặc dù phán quyết của tòa án liên bang ở Boston đã tạm thời ngăn chặn lệnh cấm, tương lai của sinh viên quốc tế tại Harvard vẫn rất bất định. Nhà trường thừa nhận số lượng đơn ứng tuyển từ sinh viên Mỹ trong năm nay tăng mạnh (tăng 16% ở bậc đại học và 64% ở bậc sau đại học), cho thấy nhu cầu học tập trong nước vẫn cao. Tuy nhiên, đối với hàng nghìn sinh viên quốc tế, lệnh cấm có thể là khởi đầu của một giai đoạn đầy thách thức và bất an.
Công chúa Elisabeth, người thừa kế ngai vàng Bỉ, đang theo học Thạc sĩ tại Đại học Harvard bất ngờ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm sinh viên nước ngoài do chính quyền Tổng thống Trump ban hành.
Tòa án Mỹ vừa tạm dừng việc chính quyền Tổng thống Trump thu hồi visa hàng nghìn sinh viên nước ngoài, sau khi cho rằng Cơ quan Di trú đã tùy tiện xóa hồ sơ của họ.
Căng thẳng leo thang, chính quyền Tổng thống Donald Trump đình chỉ cấp mới tài trợ cho Đại học Harvard, viện dẫn quản lý thiếu trách nhiệm và các vấn đề nội bộ của trường.
Tân Giáo hoàng Leo XIV đã đưa ra một quyết định đáng chú ý khi tái lập khoản tiền thưởng cho nhân viên Vatican, chấm dứt chính sách thắt chặt chi tiêu kéo dài một thập kỷ.
Nữ nhân viên xuất sắc, từng được coi là tinh hoa ngành chứng khoán gây sốc khi bỏ việc ổn định để làm nhân viên tại hộp đêm Ginza, nhanh chóng trở thành "đầu bảng" nhờ bí quyết độc đáo.
Công chúa Elisabeth, người thừa kế ngai vàng Bỉ, đang theo học Thạc sĩ tại Đại học Harvard bất ngờ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm sinh viên nước ngoài do chính quyền Tổng thống Trump ban hành.