Pharmacity thu hồi 4 loại TPCN liên quan vụ hàng giả của Herbitech
Hệ thống nhà thuốc Pharmacity thông báo thu hồi khẩn cấp 4 sản phẩm thực phẩm chức năng do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Từ chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng đến những vụ phá án lớn trên toàn quốc, cuộc chiến chống hàng giả, buôn lậu đang bước vào giai đoạn cao điểm với hàng loạt “đại án” bị phanh phui, gây rúng động dư luận.
Ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương nhằm đánh giá kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những tháng đầu năm 2025, đồng thời đề ra phương hướng cho thời gian tới.
Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt và mở đợt cao điểm tấn công, truy quét buôn lậu, sản xuất - tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ trong vòng một tháng, từ 15/5 đến 15/6/2025.
Thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm. Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
Giữa tháng 4/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá thành công đường dây sản xuất tân dược giả quy mô lớn, thu giữ gần 10 tấn thuốc tân dược giả và nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Công an bắt giữ bắt giữ 14 người về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Các đối tượng đã dùng vỏ hộp, bao bì, nhãn hiệu của các loại thuốc tân dược nổi tiếng để sản xuất hàng giả, sau đó tuồn ra thị trường tiêu thụ rộng khắp nhiều tỉnh, thành phố. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận từ năm 2021 đến khi bị bắt đã bán ra thị trường số lượng lớn thuốc giả, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng. Vụ việc hiện vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Đáng chú ý tiếp theo là một vụ án quy mô cực lớn được Bộ Công an công bố. Gần 600 loại sữa bột giả được sản xuất tại nhiều cơ sở ở miền Bắc, với tổng doanh thu bất chính ước tính gần 500 tỷ đồng.
Kết quả điều tra của cơ quan công an xác định trong khoảng 4 năm (từ tháng 8/2021), các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột các loại.
Đường dây này sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, bao bì nhái các thương hiệu sữa nổi tiếng, phân phối ra thị trường như hàng thật, đặc biệt nhắm đến đối tượng người già bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai - nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Bộ Công an đã khởi tố hàng loạt đối tượng liên quan, mở rộng điều tra trách nhiệm các đơn vị bao tiêu, phân phối.
Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 13/5, Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Thanh Phong – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) – cùng nhiều đồng phạm trong vụ sản xuất, buôn bán hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả.
Kẻ cầm đầu là Nguyễn Năng Mạnh (SN 1989, Hà Nội), đã thành lập nhiều công ty “ma” từ năm 2016 để nhập nguyên liệu, sản xuất hàng giả, sử dụng 2 hệ thống kế toán để trốn thuế và che giấu thu nhập. Sản phẩm được nguỵ trang dưới mác “hàng nhập khẩu cao cấp”, phân phối rộng khắp toàn quốc.
Không chỉ các vụ án lớn, hàng loạt vụ việc nhỏ khác cũng được phát hiện dồn dập ở nhiều địa phương.
Tại huyện Châu Thành, Sóc Trăng, công an phát hiện 413 thùng và 67 bao chứa sữa, rượu, tinh dầu tỏi, thực phẩm chức năng... tổng trọng lượng hơn 7,7 tấn, đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Đối tượng Đỗ Kiều Hưng (SN 1979, Hà Nội) thừa nhận thuê kho và thuê người tái đóng gói số hàng này.
Tại Kiên Giang, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang vừa phát hiện và tạm giữ 60 tấn đường cát trên tàu biển số KG-58236 tại TP Hà Tiên. Dù có hóa đơn, nhưng lô hàng vi phạm nghiêm trọng về ghi nhãn và xuất xứ hàng hóa. Giá trị lô hàng ước tính hơn 1,2 tỷ đồng.
Tiếp tục 1 vụ việc tại Thanh Hóa, ngày 9/5, lực lượng QLTT Thanh Hóa giám sát việc tiêu hủy 67,2 tấn phân bón của Công ty CP Công nghệ cao Sao Đỏ, bị phát hiện sản xuất không phép và giả mạo nhãn hiệu. Công ty này bị phạt tổng cộng 376 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất trong 2 tháng.
Tại Hải Dương, ngày 5/5, lực lượng QLTT Hải Dương tiêu hủy 424 sản phẩm sữa bột và sữa nước nhập lậu, gồm nhiều thương hiệu nước ngoài như New Milky, Aptamilk Kid, do không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Phải bảo vệ người dân trước tiên, trước hết - đặc biệt là về sức khỏe, quyền lợi tiêu dùng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Hàng giả không chỉ là gian lận kinh tế, mà là tội ác tiềm tàng đối với sức khỏe và tính mạng nhân dân.
Thủ tướng giao các bộ, ngành tăng cường kiểm tra đột xuất, điều tra chuyên án quy mô lớn; Mở rộng phối hợp liên ngành: Công an - Y tế - Công thương - Hải quan. Đồng thời, siết chặt hoạt động bán hàng online, thương mại điện tử - mảnh đất màu mỡ của hàng giả. Bên cạnh đó, phải công khai doanh nghiệp vi phạm, nâng cao nhận thức người tiêu dùng
Tổ công tác đặc biệt sẽ do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo, gồm đại diện các Bộ: Công an, Công thương, Y tế, Tài chính, Nông nghiệp, Khoa học Công nghệ... sẽ tập trung truy vết toàn bộ chuỗi cung ứng hàng giả từ sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ; Rà soát pháp lý và đề xuất sửa luật để xử lý mạnh tay hơn. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cơ quan buông lỏng quản lý.
Loạt vụ án lớn bị phanh phui trong cùng một thời điểm cho thấy thực trạng báo động về sản xuất - buôn bán hàng giả tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như dược phẩm, thực phẩm, sữa bột.
Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm và thành lập tổ công tác đặc biệt là bước đi cứng rắn và cần thiết nhằm làm trong sạch thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.
Trong cuộc chiến này, không chỉ cần lực lượng chức năng mạnh tay, mà còn cần sự cảnh giác, tỉnh táo và hợp tác từ phía người tiêu dùng. Mỗi lựa chọn đúng đắn, mỗi lần từ chối hàng không rõ nguồn gốc chính là một “mũi tên” nhắm thẳng vào gian thương.