Tổng cục Quản lý thị trường "vạch" chiêu nguỵ trang giấu hàng giả

Thứ ba, 15/10/2024, 10:01 AM

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, kho hàng vi phạm thường được các đối tượng giấu ở vị trí khó tìm nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Đầu tháng 10 vừa qua, hơn 10 ngàn chai nước hoa không rõ nguồn gốc bán trên tài khoản Tiktok "Phan Thủy Tiên" với hơn 4 triệu lượt follow đã bị lực lượng quản lý thị trường thu giữ tại Hà Nội.

Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa vi phạm

Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa vi phạm

Mặt sàn rộng hàng trăm m2 nằm tại tầng 1, CT3, Tòa nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, là nơi các nhân viên thực hiện chốt đơn và "cày view" cho các video giới thiệu về các sản phẩm như nước hoa, son, bàn chải điện đăng bán chủ yếu trên Tiktok và Facebook.

Địa điểm này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali, do ông C.V.T. làm tổng giám đốc.

Tại đây, Đoàn kiểm tra ghi nhận địa điểm kinh doanh được bố trí bài bản với đầy đủ các khu vực livestream, chốt đơn và khu máy tính phục vụ việc tăng lượt xem ảo cho các video, khu vực đóng gói và kho hàng. Các khu vực được bố trí riêng biệt, nằm tất cả trên mặt sàn rộng khoảng 1.000 m2.

Xác định vị trí kho hàng của Công ty, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục thùng carton được xếp thành từng chồng cao, vẫn nguyên đai nguyên kiện.

Kiểm đếm thực tế, đoàn ghi nhận trên 10.000 sản phẩm là nước hoa các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri…

Tuy vậy, trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết việc tìm kiếm kho hàng này không hề dễ dàng bởi các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.

"Vụ việc tạm giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu. Đối tượng hết sức tinh vi trong việc cất giấu hàng hóa vi phạm. Đối tượng đã thuê 1 gian hàng phía sau trụ sở làm việc của 1 công ty để ngụy trang, nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng"- đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết.

Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết ngày 18-6-2024, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store do bà Nguyễn Thị Mai (SN 1993), thường trú tại tỉnh Cà Mau, làm chủ.

Bên ngoài địa điểm kiểm tra này là địa chỉ của quán tạp hóa kinh doanh sữa, bỉm và nhiều đồ tiêu dùng thiết yếu khác.

Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động livestream, chốt đơn sản phẩm và đóng gói hàng hóa được thực hiện phía sâu bên trong quán tạp hóa, rất khó để lực lượng chức năng tiếp cận và phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Các sản phẩm được giới thiệu trên livestream chủ yếu là quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm.

Phần lớn hàng hóa tại cơ sở kinh doanh không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ; ước tính số lượng tang vật và hàng hóa vi phạm bị tạm giữ lên tới 10 tấn.

Trước nhiều thủ đoạn tinh vi, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nói cung cũng như hoạt động livestream nói riêng.

Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Tổ Thương mại điện tử và chủ động xây dựng Kế hoạch kiểm tra về hoạt động thương mại điện tử.

Theo Lê Thúy (Người lao động)

largeer