Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Thấy gì từ ‘game’ tăng vốn của các ngân hàng?

Thứ ba, 13/05/2025 16:29 (GMT+7)

Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng ngày càng nóng lên sau ĐHĐCĐ thường niên 2025, thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu và trái phiếu để củng cố nền tảng vốn.

Rầm rộ tăng vốn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho ba ngân hàng tăng vốn điều lệ. Các ngân hàng thương mại này sẽ tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và các hình thức khác để nâng cao năng lực tài chính.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa được NHNN phê duyệt tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Phương án tăng vốn điều lệ này đã được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 của NCB thông qua vào cuối tháng 3/2025 và được hội đồng quản trị NCB triển khai theo quy định. Đây là lần tăng vốn thứ 3 trong vòng 4 năm liên tiếp (2022-2025) của NCB

Cụ thể, NCB sẽ thực hiện chào bán 750 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán được xác định không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đợt chào bán diễn ra thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ mức 11.780 tỷ đồng hiện tại lên 19.280 tỷ đồng. Thời gian dự kiến triển khai phương án chào bán này từ quý 2 đến quý 4 năm nay.

Theo kế hoạch, toàn bộ số tiền khoảng 7.500 tỷ đồng thu được từ việc chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cấp tín dụng và nâng cao năng lực tài chính.

NCB vừa được NHNN phê duyệt tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng. (Ảnh: NCB)

Cùng thời điểm, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng vừa có thông báo về việc chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho ACB tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 6.700 tỷ đồng, lên mức gần 51.367 tỷ đồng.

Đây cũng là phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra vào ngày 8/4 thông qua. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên tối đa 51.367 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2025.

ACB cho biết, việc tăng vốn điều lệ nhằm thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ; có thêm nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính, thích ứng với biến động của thị trường.

Ở diễn biến tương tự, NHNN cũng đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 4.249 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Theo kế hoạch, VIB dự kiến phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng. Cùng với đó, VIB cũng phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho CBNV, tương ứng tỷ lệ 0,26%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành 2 phương án trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%.

Không đứng ngoài làn sóng này, một số ngân hàng khác cũng đang rục rịch tăng vốn như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) dự kiến tăng tối đa 1.320,9 tỷ đồng, từ 26.420 tỷ đồng lên hơn 27.740 tỷ đồng thông qua kế hoạch phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ; Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) nâng mức vốn điều lệ từ hơn 13.700 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng…

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn. (Ảnh: Vietnam+)

Đằng sau cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, việc tăng vốn qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu mới dường như là hoạt động củng cố vốn tự có tại các ngân hàng, tuy nhiên, đằng sau bước đi này là những chiến lược sâu xa hơn.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc tăng vốn điều lệ không chỉ để đáp ứng Basel III, mà còn để nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng khả năng ứng phó với rủi ro, tăng cường năng lực tài chính… Hiện nay, chỉ một số ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Basel III, do đó, phần lớn ngân hàng đang đối mặt với áp lực tăng vốn trong những năm tiếp theo. Việc tiến tới Basel III - một bộ khung tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng và lượng vốn - là động lực rõ rệt thúc đẩy các ngân hàng hành động sớm.

Bên cạnh đó, mặc dù ồ ạt tăng vốn, song Hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 8/2024, Hệ số CAR của các ngân hàng thương mại nhà nước là 10,72%, của ngân hàng thương mại cổ phần là 12,02%. Trong khi đó, CAR trung bình của các ngân hàng Indonesia là 23,27%, Thái Lan là 20,24%, Myanmar là 18,9%, Singapore là 17,1%, Australia là 16,6%...

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu không có chiến lược hợp lý, cuộc đua tăng vốn có thể dẫn đến rủi ro pha loãng cổ phiếu, mất cân đối tài sản - nguồn vốn, suy giảm hiệu quả sinh lời và nguy cơ che giấu nợ xấu.

“Nếu vốn tăng thêm được sử dụng để mang lại mức sinh lợi cao hơn chi phí vốn thì giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu công ty sử dụng vốn không hiệu quả hay mang lại mức sinh lợi thấp hơn chi phí vốn thì công ty đó không những không làm gia tăng giá trị cho cổ đông của mình mà còn làm suy giảm giá trị của cổ đông”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận xét.

Theo ông Ivan Tan, Giám đốc Xếp hạng định chế tài chính, S&P Global Ratings, việc ngân hàng Việt chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu, nguyên nhân khiến nhà đầu tư ngoại thờ ơ với cổ phiếu ngân hàng Việt.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoài Ân – CFA Charterholder, nhà sáng lập IFSS, đồng sáng lập WiResearch – đơn vị nghiên cứu thuộc WiGroup nhận định, trong bối cảnh hệ thống tài chính hội nhập, cạnh tranh gay gắt và yêu cầu minh bạch gia tăng, việc tăng vốn trở thành điều kiện tiên quyết cho các bước đi dài hạn. Ngân hàng chậm chân không chỉ mất thị phần tín dụng mà còn bỏ lỡ cơ hội xác lập vị thế trong hệ sinh thái tài chính tương lai - nơi năng lực quản trị và nền tảng vốn sẽ quyết định sức cạnh tranh.

Linh Trang
Nguồn: sohuutritue.net.vn