Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

TPBank: 'Không liên quan đến lô trái phiếu Hưng Thịnh Quy Nhơn'

Thứ năm, 24/04/2025 11:39 (GMT+7)

Sáng nay (24/4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Đại hội sẽ trình bày kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch tăng trưởng năm 2025, chia cổ tức, tăng vốn điều lệ...

Mục tiêu lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú đánh giá, năm 2025 vô cùng thách thức, thậm chí là rất thách thức khi thế giới đứng trước sự phân hóa và đối đầu, không chỉ các loại hình chiến tranh truyền thống mà còn cả nguy cơ thương chiến.

Trong đó, Chủ tịch TPBank chỉ ra các hệ lụy của chiến tranh thương mại như thuế nhập khẩu cao, giá vàng tăng sốc. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam với độ mở lớn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt ngành tài chính ngân hàng tác động sẽ còn lớn hơn.

Về chiến lược phát triển tại TPBank, Chủ tịch Đỗ Minh Phú nhấn mạnh, TPBank kiên định theo đuổi chiến lược số hóa toàn diện - từ hạ tầng công nghệ đến mô hình vận hành, nhằm mang đến trải nghiệm tài chính thông minh và cá nhân hóa tới từng khách hàng.

“Ngay từ quý I năm 2025, TPBank đã tiếp tục phát huy bản sắc riêng để tạo bứt phá mạnh mẽ trong kinh doanh, kiến tạo giá trị cho khách hàng, cổ đông và cộng đồng”, ông Phú nói.

Ông Phú cũng thông tin, công tác kiểm soát rủi ro tại TPBank được chú trọng và thực hiện tốt nhất. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chỉ 1,12%. TPBank chủ động xử lý các khoản nợ xấu tiềm ẩn, riêng 2024 đã xử lý khoảng 3.700 tỷ đồng. 

Năm 2025, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2024. Tổng tài sản năm 2025 dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng. Nói về kế hoạch năm nay, Chủ tịch TPBank chia sẻ, việc tăng lợi nhuận trước thuế từ 7.600 tỷ lên 9.000 tỷ trong thời điểm này là “khá tham vọng”. Đây vừa thách thức nhưng cũng là trách nhiệm và quyết tâm của ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú. (Ảnh: TPB)

Không liên quan đến lô trái phiếu Hưng Thịnh Quy Nhơn

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về trái phiếu Hưng Thịnh Quy Nhơn (Mã HQCNH2124005), Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng khẳng định, TPBank không có bất kỳ liên quan hay thủ tục gì với tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này.

Ông Hưng thông tin, tổ chức phát hành là Công ty giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này được lưu ký tại Vietcombank Bình Định. Việc xác định việc quản lý tài sản của lô trái phiếu này có đúng pháp luật hay không thuộc thẩm quyền và không liên quan đến TPBank.

Theo Tổng Giám đốc TPBank, việc đòi hỏi ngân hàng phải xử lý lô trái phiếu này là vô lý. Phía TPBank đã có văn bản trả lời không liên quan đến vụ việc nói trên.

"Bất kỳ tranh chấp nào không thỏa thuận được cần được giải quyết thông qua pháp luật (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan hành pháp)", Tổng Giám đốc TPBank nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng thông tin, Công ty chứng khoán TPS chỉ là đơn vị tư vấn, môi giới, phát hành và phân phối. TPBank chỉ sở hữu 9,02% vốn tại TPS, TPS không phải là công ty liên kết hoặc công ty con của TPBank, do vậy TPBank không thể xử lý các vấn đề của TPS.

Toàn ảnh ĐHĐCĐ 2025 TPBank. (Ảnh: TPB)

Chia cổ tức tiền mặt năm thứ 3 liên tiếp

Về phương án phân phối lợi nhuận, ĐHĐCĐ 2025 trình thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt và phương án tăng vốn điều lệ năm 2025.

TPBank đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (01 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của Ngân hàng. 

Đồng thời, TPBank dự kiến phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 5 cổ phiếu). Mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tối đa là gần 1.321 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 26.420 tỷ đồng lên hơn 27.740 tỷ đồng.

Đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trước đó, năm 2024, TPBank đã thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 5%.

HĐQT cũng trình miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 đối với ông Đỗ Anh Tú. Trước đó, ông Tú – Phó Chủ tịch HĐQT đã có đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân ngày 18/3 và HĐQT đã chấp thuận vào ngày 20/3.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng nay, cổ phiếu TPB đang giao dịch ở vùng giá 13.400 - 13.600 đồng/cp. Theo dữ liệu công bố, PYN Elite Fund – quỹ đầu tư đến từ Phần Lan chuyên rót vốn vào các thị trường châu Á – không còn là cổ đông lớn sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TPBank tính đến ngày 17/4/2025.

Năm 2025, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2024. Tổng tài sản năm 2025 dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6%; huy động vốn đạt 420.000 tỷ đồng (tăng 12,3%); dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế dự kiến đạt 313.750 tỷ đồng, tăng 20%. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được thực hiện theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao.
Về kết quả kinh doanh quý I/2025, TPBank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động đạt gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ trở thành điểm sáng khi tăng 27% so với quý I/2024, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 7.599 tỷ đồng, hoàn thành 101,33% kế hoạch ĐHĐCĐ giao.

Linh Trang
Nguồn: sohuutritue.net.vn