Startup AI 1,3 tỷ USD phá sản vì 'kỹ sư giả dạng AI', Microsoft cũng bị qua mặt
Thứ hai, 26/05/2025 15:23 (GMT+7)
Từng được xem là ngôi sao sáng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với định giá tỷ đô và sự hậu thuẫn từ gã khổng lồ Microsoft, startup Builder.ai bất ngờ tuyên bố phá sản, hé lộ một câu chuyện đáng báo động về sự thổi phồng công nghệ.
Thành lập vào năm 2016, Builder.ai nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ quảng bá khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo để "bình dân hóa" việc phát triển phần mềm, tuyên bố giúp ngay cả những người không có kinh nghiệm lập trình cũng có thể tạo ra các ứng dụng phức tạp một cách dễ dàng. Với lời hứa hẹn hấp dẫn này, công ty đã thành công huy động được hơn 445 triệu USD trong vòng 8 năm, nhận được sự bảo chứng danh giá từ Microsoft và Quỹ đầu tư quốc gia Qatar, đưa giá trị định giá lên tới đỉnh điểm 1,3 tỷ USD vào năm 2023.
Sự sụp đổ bất ngờ và bí mật đằng sau "công nghệ AI đột phá"
Tuy nhiên, câu chuyện thành công đột ngột kết thúc vào tháng 5/2025, khi Builder.ai chính thức tuyên bố phá sản. Sự kiện này diễn ra sau khi chủ nợ chính của công ty, Viola Credit, phong tỏa 37 triệu USD từ tài khoản, khiến Builder.ai chỉ còn vỏn vẹn 5 triệu USD tiền mặt. Giám đốc điều hành mới nhậm chức chỉ 2 tháng, Manpreet Ratia, buộc phải đóng cửa hoạt động và nộp đơn xin bảo hộ phá sản, thừa nhận rằng "áp lực tài chính do các quyết định trong quá khứ đã không thể cứu vãn".
Sự sụp đổ của Builder.ai làm nổi bật một vấn đề nhức nhối trong ngành công nghệ, đó là sự khác biệt giữa lời quảng cáo và thực tế. Tuyên bố về nền tảng "AI-driven modular development" (phát triển mô-đun dựa trên AI) với trợ lý kỹ thuật số "Natasha" từng là cốt lõi trong chiến lược marketing của Builder.ai. Tuy nhiên, một cuộc điều tra của The Wall Street Journal vào năm 2019 đã bóc trần sự thật, công nghệ cốt lõi không phải là trí tuệ nhân tạo AI tự động như quảng cáo mà phần lớn dựa vào công sức làm việc thủ công của đội ngũ kỹ sư tại Ấn Độ. Sự thật "toàn kỹ sư, không có AI" này đã làm lung lay niềm tin và được xem là yếu tố đẩy nhanh sự suy tàn của công ty.
Khủng hoảng leo thang và vấn đề minh bạch tài chính
Năm 2024 chứng kiến khủng hoảng tại Builder.ai bùng phát mạnh mẽ. Khách hàng phàn nàn về việc dự án phát triển bị trì trệ, nhân viên lên tiếng cáo buộc đồng sáng lập Sachin Dev Duggal quản lý hỗn loạn. Bản thân Duggal còn vướng vào cuộc điều tra rửa tiền tại Ấn Độ (dù ông phủ nhận và cho biết chỉ là nhân chứng). Financial Times cũng đưa tin về mối quan hệ cá nhân giữa Duggal và công ty kiểm toán mà Builder.ai thuê, dấy lên nghi ngờ về tính minh bạch trong báo cáo tài chính của công ty.
Tất cả những vấn đề này đã dẫn đến tình trạng tài chính kiệt quệ. Khi Manpreet Ratia tiếp quản, số tiền trong các tài khoản quan trọng đã gần như cạn kiệt. Ông đã phải cắt giảm mạnh dự báo doanh thu năm 2024 xuống còn một nửa, từ 140 triệu USD xuống 70 triệu USD, trước khi hành động siết chặt dòng tiền của chủ nợ Viola Credit chính thức châm ngòi cho sự phá sản.
Bài học về AI và rủi ro thị trường
Tài liệu nội bộ của Builder.ai, theo tiết lộ từ báo chí, cho thấy công ty đã áp dụng chiến lược "tẩy trắng AI" để thu hút đầu tư. Điều này bao gồm việc trình bày hoạt động thuê ngoài truyền thống như là tự động hóa bằng AI, phóng đại hiệu quả mở rộng thị trường tại Đông Nam Á và Trung Đông, che giấu sự phụ thuộc vào nguồn nhân lực kỹ sư giá rẻ tại Ấn Độ.
Sự sụp đổ của Builder.ai không phải là trường hợp cá biệt. Mặc dù các công ty AI đang thu hút lượng vốn đầu tư khổng lồ (chiếm 40% tổng vốn startup Mỹ năm 2024), phần lớn vẫn chưa có khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững. Ngành công nghiệp đang đối mặt với sự đào thải khốc liệt do nhiều yếu tố: rào cản kỹ thuật (như "ảo giác AI" làm tăng chi phí bảo trì), mô hình kinh doanh yếu kém (quá phụ thuộc vốn mạo hiểm, thiếu khả năng kiếm tiền thực tế) và rủi ro pháp lý (marketing phóng đại dễ vi phạm luật).
Vụ việc của Builder.ai là một lời cảnh tỉnh rõ ràng. Dù thị trường low-code/no-code được Gartner dự đoán sẽ đạt 26 tỷ USD vào cuối năm 2024, nhưng nếu một công ty không thể biến lời hứa về "chuyển đổi bằng AI" thành hiện thực, dù câu chuyện có được tô vẽ đến đâu, cuối cùng cũng sẽ sụp đổ. Sự sụp đổ này nhắc nhở các nhà đầu tư và thị trường rằng quy mô và sự hiện diện không đồng nghĩa với bền vững hay năng lực cạnh tranh thực sự. Khi bức màn ảo ảnh AI sụp đổ, những gì còn lại của Builder.ai chỉ là đống đổ nát và khoản tiền 1.3 tỷ USD bị thổi bay, mà nhà đầu tư khó lòng thu hồi.
Một nhà đầu tư tiền ảo người Ý đã trải qua cơn ác mộng bị bắt cóc, tra tấn trong một căn hộ sang trọng tại Manhattan, mục đích của những kẻ thủ ác là đòi mật khẩu ví Bitcoin.
Jony Ive và nhóm cộng sự thân cận sẽ cùng OpenAI phát triển một thế hệ thiết bị AI hoàn toàn mới, được mô tả là có khả năng "cách mạng hóa" cách mọi người sử dụng thiết bị công nghệ.
Một nhà đầu tư tiền ảo người Ý đã trải qua cơn ác mộng bị bắt cóc, tra tấn trong một căn hộ sang trọng tại Manhattan, mục đích của những kẻ thủ ác là đòi mật khẩu ví Bitcoin.
Chính sách mới của Tổng thống Trump gây bất ổn cho sinh viên quốc tế tại Harvard, tạo cơ hội để các trường đại học hàng đầu châu Âu và châu Á thu hút nhân tài.