Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nghệ sĩ quảng cáo sai là phản bội công chúng

Thứ năm, 17/04/2025 06:25 (GMT+7)

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cảnh báo, quảng cáo sai là phản bội công chúng, cần xử lý nghiêm, minh bạch danh tính nghệ sĩ vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng.

Gần 600 loại sữa giả, gần 500 tỷ đồng doanh thu bất chính, và hàng loạt nghệ sĩ từng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm vi phạm. Trước vụ việc nghiêm trọng được Bộ Công an triệt phá mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội để bàn về trách nhiệm của nghệ sĩ trong quảng cáo.

- Ông đánh giá thế nào về tình trạng ngày càng nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật, thậm chí là cho các sản phẩm sữa vi phạm?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đây là một thực trạng rất đáng báo động. Việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng như sữa kém chất lượng, không chỉ là vấn đề thị trường mà còn là vấn đề đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm công dân.

Nghệ sĩ, dù hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, truyền hình hay mạng xã hội, đều là người của công chúng. Họ không chỉ tạo ra giá trị nghệ thuật, mà còn định hướng thị hiếu, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, đặc biệt là với giới trẻ và những người ít có khả năng kiểm chứng thông tin. Vì vậy, mỗi lời quảng cáo của nghệ sĩ không đơn thuần là công cụ truyền thông - nó là sự cam kết, là trách nhiệm với cộng đồng.

Khi một nghệ sĩ tiếp tay cho sản phẩm vi phạm, họ không chỉ giúp doanh nghiệp gian lận kiếm lời, mà còn đẩy những người tiêu dùng yếu thế, nhất là trẻ nhỏ, vào nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Đó không còn là vi phạm hành chính - mà là vi phạm đạo đức. Là sự phản bội lòng tin của khán giả. Là đặt lợi nhuận trên cả danh dự và giá trị làm người.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: “Niềm tin là thứ không thể mua lại bằng tiền. Nghệ sĩ không thể vừa hưởng lợi từ uy tín, vừa vô can khi hậu quả xảy ra. Danh tiếng không phải để đổi lấy hợp đồng bạc tỷ, mà là để phụng sự xã hội bằng sự tử tế”. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

- Trong khi Luật Quảng cáo đang được sửa đổi, theo ông, cơ quan quản lý cần làm gì để xử lý kịp thời tình trạng quảng cáo sai sự thật hiện nay?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Luật Quảng cáo sửa đổi là rất cần thiết, nhưng chúng ta không thể ngồi chờ luật mới rồi mới bắt đầu hành động. Thị trường đang nóng từng ngày, vi phạm diễn ra công khai, và đáng tiếc là nhiều nghệ sĩ nổi tiếng lại là người tiếp tay..

Vì vậy, các cơ quan quản lý cần hành động ngay. Thứ nhất, phải áp dụng triệt để các quy định hiện hành trong Luật Quảng cáo 2012, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng các nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, thương mại, văn hóa… Việc chần chừ hay buông lỏng sẽ tạo ra “vùng an toàn” cho hành vi sai trái tiếp diễn.

Thứ hai, cần công bố công khai danh sách nghệ sĩ vi phạm để cảnh báo xã hội. Đây không phải “bêu rếu” ai, mà là một biện pháp răn đe minh bạch và có tác dụng nâng cao nhận thức cộng đồng.

Thứ ba, phải thiết lập cơ chế liên ngành giữa Bộ Văn hóa, Bộ Y tế, Bộ Công Thương... để giám sát quảng cáo trên mạng xã hội - nơi vi phạm ngày càng phổ biến nhưng lại thiếu kiểm soát.

Cuối cùng, các hội nghề nghiệp và hiệp hội nghệ sĩ cần chủ động xây dựng quy chuẩn đạo đức, quy tắc ứng xử trong quảng cáo. Khi giới nghệ sĩ tự giác bảo vệ uy tín ngành nghề, đó là cách làm hiệu quả hơn bất kỳ văn bản pháp lý nào.

- Theo ông, nghệ sĩ cần chuẩn bị những kiến thức gì để tránh bị lừa tham gia quảng cáo sai sự thật?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nghệ sĩ hiện nay không chỉ là người biểu diễn, mà còn là gương mặt đại diện hình ảnh cho thương hiệu. Vì thế, việc trang bị kiến thức pháp lý và hiểu biết về sản phẩm là bắt buộc - không thể viện lý do “tôi chỉ đọc kịch bản” rồi vô can khi có hậu quả..

Trước hết, nghệ sĩ cần nắm được các quy định pháp luật cơ bản về quảng cáo: thế nào là quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm, cần giấy phép kiểm chứng… Những sản phẩm nhạy cảm như sữa, thuốc, thực phẩm chức năng cần kiểm duyệt chặt chẽ.

Thứ hai, nghệ sĩ nên chủ động tìm hiểu về nguồn gốc sản phẩm, giấy phép, quá trình kiểm định, tiền sử khiếu nại… Một thao tác tra cứu đơn giản cũng có thể giúp họ tránh khỏi scandal đáng tiếc.

- Một số nghệ sĩ cho rằng họ không cố tình, chỉ làm theo hợp đồng. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Quan điểm đó là không chấp nhận được. Không thể nói “tôi không biết” khi anh là người trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến hàng triệu người. Việc ký hợp đồng quảng cáo không phải chỉ là trách nhiệm thương mại, mà còn là cam kết đạo đức với công chúng.

Nếu sản phẩm có vấn đề, nghệ sĩ không thể vô can. Không thể vừa nhận tiền quảng bá, vừa chối bỏ hậu quả. Danh tiếng là tài sản lớn nhất của người làm nghệ thuật - và cũng là thứ dễ mất nhất nếu đánh đổi vì lợi nhuận ngắn hạn.

- Vậy theo ông, cần làm gì để lấy lại niềm tin của công chúng vào nghệ sĩ và thị trường quảng cáo?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Niềm tin là tài sản quý giá nhất - và một khi đánh mất thì rất khó lấy lại. Trước hết, nghệ sĩ cần thức tỉnh về vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội. Không phải lời mời nào cũng nên nhận, không phải sản phẩm nào cũng nên gật đầu quảng bá. “Bộ lọc lương tâm” là điều nghệ sĩ cần có trước bất kỳ bản hợp đồng nào.

Cơ quan quản lý cần vào cuộc quyết liệt hơn. Truyền thông cũng cần phản ánh trung thực và liên tục để nâng cao nhận thức xã hội. Và điều quan trọng nhất - công chúng hãy tỉnh táo. Một thị trường quảng cáo gian dối không thể tồn tại nếu người tiêu dùng từ chối tin vào những lời thiếu trung thực.

Chỉ khi nghệ sĩ - công chúng - cơ quan quản lý cùng đồng lòng, chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường nghệ thuật và quảng cáo lành mạnh, tử tế và bền vững.

- Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn!

Xuân Đoàn (thực hiện)
Nguồn: sohuutritue.net.vn