Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Vụ gần 600 loại sữa giả bán suốt 5 năm: Ai chịu trách nhiệm?

Thứ tư, 16/04/2025 11:46 (GMT+7)

Gần 600 loại sữa giả được tuồn ra thị trường từ năm 2021 đến nay, nhưng không bị phát hiện, đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất 573 nhãn sữa bột giả, bao gồm sữa cho người tiểu đường, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai.

Theo Bộ Công an, Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất 573 nhãn sữa bột giả, bao gồm sữa cho người tiểu đường, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai... Những sản phẩm này được dán mác “cao cấp”, quảng cáo có chứa đông trùng hạ thảo, tổ yến, bột mắc ca... nhưng thực tế không hề có các thành phần đó.

Vụ việc không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang mà còn phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong giám sát thực phẩm.

Cơ quan quản lý… né trách nhiệm

Sáng 15/4, đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng, mặt hàng do các công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất “không thuộc nhóm sản phẩm Bộ trực tiếp quản lý”, mà thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông Linh cũng thừa nhận Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông hàng hóa, đặc biệt với mặt hàng nhạy cảm như sữa. Việc các sản phẩm giả mạo tràn lan trên thị trường suốt thời gian dài cho thấy dấu hiệu buông lỏng giám sát.

Về phía Bộ Y tế, trưa cùng ngày (15/4), bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, đã triển khai hậu kiểm theo quy định. Nhưng thực tế, Nghị định 15/2018 cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, trong khi công tác hậu kiểm phụ thuộc nhiều vào báo cáo từ địa phương. Hậu quả là hàng giả vẫn lọt lưới, thậm chí xuất hiện trong cả hệ thống y tế và được người nổi tiếng quảng bá.

Việc các bộ ngành đùn đẩy trách nhiệm, người nói “không thuộc chuyên ngành”, người lại viện dẫn “đã chỉ đạo hậu kiểm”, khiến người tiêu dùng trở thành nạn nhân của sự buông lỏng quản lý. Nếu không có sự phát hiện và vào cuộc của cơ quan điều tra, các sản phẩm kém chất lượng này có thể vẫn còn ngang nhiên tung hoành trên thị trường.

Cả hai Bộ đều không thể chối bỏ trách nhiệm

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty luật ARC Hà Nội cho rằng, cả hai Bộ đều không thể chối bỏ trách nhiệm. Theo Nghị định 40/2025/NĐ-CP và các thông tư liên quan, Bộ Công Thương có nghĩa vụ kiểm tra, xử lý hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giám sát chất lượng hàng hóa. Lực lượng Quản lý thị trường có quyền tổ chức kiểm tra đột xuất, tiếp nhận phản ánh từ báo chí và người dân.

Theo luật sư Hoàng Văn Hà, cả hai Bộ đều không thể chối bỏ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật thực phẩm, phân loại sữa, hậu kiểm chất lượng và đảm bảo sản phẩm lưu thông đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm đã cố tình mập mờ giữa "thực phẩm bổ sung" và "sữa công thức" nhằm lách luật, đánh lừa người tiêu dùng. Đây là dấu hiệu cho thấy Bộ Y tế đã không kiểm soát được quy trình phân loại và hậu kiểm.

Luật sư Hà nhấn mạnh, nếu cán bộ quản lý buông lỏng trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu hình sự theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt cao nhất lên tới 12 năm tù, đồng thời bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong 5 năm.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

“Không thể để người dân tiếp tục bị đầu độc bởi sự thờ ơ của cơ quan chức năng. Đây không chỉ là vụ án hàng giả, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm quản lý và sự minh bạch trong hệ thống giám sát an toàn thực phẩm”, luật sư Hà nêu quan điểm.

Ở một diễn biến liên quan đến vụ gần 600 loại sữa giả được bày bán công khai trên thị trường trong suốt 4 năm qua, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ: “Đây là hành vi hình sự, không thể chấp nhận được. Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là trẻ nhỏ, bà bầu và người bệnh, những người yếu thế nhất trong xã hội. Hội sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, không thể có vùng cấm”.

Ông Trung cũng cho biết Hội sẽ sớm gửi văn bản kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan nhằm siết chặt hậu kiểm và truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, kể cả cơ quan buông lỏng quản lý.

Xuân Đoàn
Nguồn: sohuutritue.net.vn