Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú: Thuế quan không ảnh hưởng quá lớn
Lãnh đạo BIDV thông tin, tổng dư nợ khối khách hàng của BIDV bị ảnh hưởng bởi tác động thuế quan chiếm 15% dư nợ của BIDV, khoảng 300.000 tỷ đồng.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Vấn đề Mỹ áp thuế đối ứng trở thành chủ đề nóng của các doanh nghiệp tại đại hội cổ công thường niên. Nhiều doanh nghiệp quan ngại, thận trọng về kế hoạch kinh doanh 2025, đồng thời chuẩn bị các kịch bản chủ động ứng phó cho những khó khăn có thể xảy ra.
Các ngân hàng linh hoạt ứng phó
Đánh giá về tác động của chính sách thuế quan Mỹ, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng nhận định, nhận định, nếu Mỹ áp dụng thuế ở mức 15% thì sẽ tác động giảm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ. Nếu áp dụng đến 46% thì sẽ khiến giảm 55-56% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Theo ông Tùng, đối với tác động đến ngành ngân hàng, Vietcombank chịu tác động đặc biệt rõ rệt bởi ngân hàng đang chiếm khoảng 20% thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại toàn thị trường.
Về giải pháp đối phó, ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin, Vietcombank đã tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý để có định hướng phù hợp theo từng ngành nghề, từng đối tượng khách hàng. Đồng thời, ngân hàng cũng chủ động phối hợp với các khách hàng để đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động như hỗ trợ tài chính, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2025, Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV cho rẳng, các ảnh hưởng bởi thuế quan không quá lớn. Trước những biến động khó lường trong thương mại quốc tế, đặc biệt là chính sách áp thuế từ phía Mỹ, lãnh đạo BIDV cho biết đã rà soát kỹ lưỡng mức độ rủi ro để tính toán chi phí ứng phó phù hợp.
Để chuẩn bị các kịch bản đối phó, ban lãnh đạo BIDV đã thành lập một ban chỉ đạo ngay sau khi Tổng thống Trump công bố việc áp thuế. Đồng thời, ngân hàng đã tiến hành triển khai nghiên cứu những khó khăn cụ thể, cá thể hoá khó khăn để cùng doanh nghiệp tháo gỡ. BIDV đang yêu cầu các chi nhánh làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp.
Lãnh đạo ngân hàng ViettinBank cũng thông tin, ngân hàng đã xây dựng các kịch bản bất lợi và phương án ứng phó phù hợp. Kịch bản kinh doanh của ngân hàng về cơ bản không thay đổi nhiều, ngay cả khi có biến động kinh tế toàn cầu.
Dự báo, tăng trưởng tín dụng 2025 sẽ khó khăn hơn so với 2024 nhưng VietinBank vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Đồng thời, ngân hàng chủ động tiếp cận các dự án đầu tư công để bù đắp tác động tiêu cực từ thương mại quốc tế.
“Chúng
tôi cam kết kết quả kinh doanh năm 2025 của VietinBank sẽ rất ấn tượng so với
năm 2024", Chủ tịch
Viettinbank Trần Minh
Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, lãnh đạo các ngân hàng thương mại tư nhân cũng chủ động các kịch bản đối phó sớm.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển trấn an cổ đông mức độ ảnh hưởng từ chính sách thuế Mỹ là không lớn do khách hàng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng nhỏ. Đồng thời SHB cũng đã chủ động đưa ra các kịch bản để ứng phó với các kịch bản trên.
LPBank ghi nhận mức độ ảnh hưởng thấp, khi dư nợ của khách hàng liên quan trực tiếp tới thị trường Mỹ chỉ dưới 0,3%. Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LPBank Bùi Thái Hà chia sẻ, Ban lãnh đạo ngân hàng đã họp, thống kê, đánh giá đưa ra nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp là thành lập AMC.
Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, MSB cũng tập trung quản trị rủi ro của mình. Tổng dư nợ của MSB là 191.000 tỷ trong đó một số ngành nghề gỗ, cá tra, máy ảnh, hóa chất, hạt điều,... chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ (3.900 tỷ đồng), chiếm 9,5% tổng dư nợ.
Tổng Giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh chia sẻ, nhà băng cũng đã triển khai chính sách quản trị rủi ro cân bằng và đa dạng hóa danh mục để đối phó với tác động từ thuế quan. Ngân hàng cũng điều chỉnh các chính sách tài trợ và cấu trúc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng.
Thép, dệt may, xăng dầu… ngóng kết quả đàm phán
Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ, ngành thép đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục đang gia tăng tại nhiều khu vực và quốc gia, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài của thép Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng xuất khẩu.
“Tuy nhiên, với Hòa Phát luôn hoạt động dự trên tinh thần phòng thủ trong các tình huống xấu, lấy phát triển bền vững làm đầu. Nếu việc đàm phán diễn ra tốt, nền kinh tế thế giới thích ứng tốt thì kinh tế vẫn đi lên bao gồm cả Hòa Phát", tỷ phú Trần Đình Long nhận định.
Đối với ngành dệt may, mặc dù chịu rủi ro lớn từ thuế quan Mỹ, Chủ tịch May Việt Tiến Vũ Đức Giang cho biết, HĐQT vẫn định hướng không thay đổi mục tiêu kinh doanh. Công ty tiếp tục thúc đẩy sự ứng phó linh hoạt, bên cạnh đó là triển khai khánh thành chi nhánh và trung tâm kho ở Hà Nội.
Chủ tịch Vũ Đức Giang cho rằng thuế suất 46% là con số ban đầu, sau đó Mỹ giữ quan điểm 10% cho các nước. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với phía Mỹ và đã có những tín hiệu rất tốt, nên ở góc độ Công ty, lãnh đạo Việt Tiến cho biết sẽ có sự linh hoạt và thích ứng trước các thách thức bên ngoài.
“Chúng ta không thể đoán trước được điều gì sẽ diễn ra ngày mai, nếu ngành dệt may mà bị đánh thuế 46% thì doanh nghiệp đóng cửa hết, không ai bán hàng qua Mỹ được”, Chủ tịch Vũ Đức Giang cảm thán.
Ở góc độ khác, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm thông tin, Petrolimex khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và công bố báo cáo tài chính Quý 1/2025 vào cuối tháng 4 để cổ đông hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng và các giải pháp đối phó. Đồng thời, để vượt qua khó khăn, Tập đoàn cũng đã có nhiều giải pháp chiến lược quan trọng phù hợp với tình hình thực tiễn.