Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Doanh nghiệp Việt nâng cao sức mạnh nội tại ứng phó với thuế quan Mỹ

Thứ sáu, 18/04/2025 16:59 (GMT+7)

Hội thảo ‘Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam’, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 18/4, các chuyên gia kinh tế đã trao đổi, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tiền lệ chưa từng có

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất áp mức thuế đối ứng lên hơn 180 nền kinh tế thế giới, trong đó Việt Nam chịu mức thuế quan Mỹ 46% đã tạo ra cơn địa chấn, báo hiệu một bước ngoặt mới cho thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu là vô cùng khó khăn và đây là tình huống chưa từng có tiền lệ.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI. (Ảnh: VGP)

Mới đây, Mỹ tạm hoãn áp mức thuế đối ứng trong 90 ngày đối với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.

Chủ tịch VCCI thông tin, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới gần 29% tổng kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như thủy sản, gỗ, điện tử, dệt may...

Trong đó, nhiều ngành xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử...

Nếu chính sách thuế đối ứng được áp dụng, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm việc làm và gây ra nhiều hệ lụy cho thương mại toàn cầu.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI nhận định, chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực, trong đó nhiều mặt hàng trọng điểm của Việt Nam không nằm trong danh sách miễn trừ, trong khi các đối thủ trong khu vực lại được hưởng thuế suất thấp hơn.

Theo ông Tuấn, trong số 15 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, ngành gỗ sẽ chịu tác động lớn nhất. Thuế này cũng sẽ tác động đến chuyển hướng thương mại toàn cầu, cạnh tranh tại thị trường nội địa sẽ gay gắt hơn khi hàng hoá không vào được Mỹ sẽ chuyển hướng qua Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI

Trong nguy luôn có cơ

Trong bối cảnh Mỹ đang tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng 90 ngày đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, trong nguy luôn có cơ, đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại, tìm giải pháp mới. Các doanh nghiệp cần phải coi đây là thời điểm vàng để nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, Chủ tịch VCCI kiến nghị một số nhóm giải pháp như sau:

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ kịp thời đối thoại chiến lược với Mỹ ở cấp cao, nhằm đạt được các thỏa thuận song phương, giảm xung đột, minh bạch thông tin, thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ (LNG, nông sản, công nghệ cao…), cân bằng thương mại và tạo niềm tin chính trị.

Thứ hai, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng. Tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường tại EU, Canada, Australia. Đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh và phát triển thị trường nội địa.

Thứ ba, phát triển, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ. Thị trường nội địa với 100 triệu dân số là trụ đỡ vững chắc cho các doanh nghiệp Việt. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, phát triển công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics, công nghệ cao… nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu và rủi ro thương mại.

Thứ tư, Việt Nam cần tham gia chuỗi cung ứng chiến lược của Mỹ. Đầu tư vào các trung tâm kỹ thuật bán dẫn, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… để trở thành mắt xích đáng tin cậy trong chuỗi giá trị toàn cầu - đây là cơ hội vàng mà Việt Nam cần chủ động nắm bắt. Thậm chí nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào Mỹ.

Thứ năm, nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng. Cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, cải thiện hệ thống logistics và chất lượng nguồn nhân lực để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững..

Đồng quan điểm với VCCI, các chuyên gia đều cho rằng, dù chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình theo hướng tích cực hơn.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh việc đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ và nguồn vốn để thích ứng với chuyển đổi xanh và mô hình kinh doanh tuần hoàn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, từ công nghệ, nhân lực đến quản trị rủi ro và minh bạch hơn nữa về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, mức độ chung chuyển hàng hoá, minh bạch về mức độ nội địa hoá sản phẩm.

Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện mức độ khai thác các FTA tại Việt Nam mới chỉ đạt 31%, còn lại 69% là chưa khai thác được. Do vậy, đây là cũng thời điểm để doanh nghiệp tập trung nghiên cứu nhằm khai thác hiệu quả hơn các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các FTA đã ký kết.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chuyển hướng sang thị trường mới bao giờ cũng khó hơn giữ thị trường cũ vì chi phí mở thị trường mới tốn gấp ba lần giữ thị trường cũ.

“Cần có giải pháp để giữ thị trường xuất khẩu Mỹ đồng thời đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá cũng cần đa dạng hoá thị trường. Tuy nhiên cần có cách thức phù hợp vì Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác quan trọng của Việt Nam”, chuyên gia Phạm Chi Lan khuyến nghị.

Về các giải pháp ứng phó với chính sách thuế của Mỹ, bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Armcham Hanoi) cho biết, hiện Armcham Hanoi có hai hướng để đối phó với vấn đề Mỹ áp thuế đối ứng. Một là tập trung đàm phán và hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến đàm phán. Có 3 hướng Chính phủ đã xác định và doanh nghiệp cũng rất ủng hộ đó là: Thu hẹp thặng dư thương mại đối với Mỹ; Kiểm soát về xuất xứ hàng hóa; Và giải quyết một số rào cản kỹ thuật.

Các chuyên gia kỳ vọng với những chiến lược nêu trên, Việt Nam sẽ vượt “bão” và định vị lại vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngọc Anh
Nguồn: sohuutritue.net.vn