Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra ngày 6/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh vừa phải tập trung ứng phó với diễn biến phức tạp của thế giới, khu vực, vừa thúc đẩy cải cách để tạo nền tảng mới cho phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Niềm tin vào những quyết sách ứng phó kịp thời
Trong tháng 4, chính sách thuế đối ứng của Mỹ tạo bất ngờ với hầu hết các quốc gia và ngay lập tức ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu, tăng trưởng kinh tế, thương mại thế giới. Kinh tế Mỹ Quý I giảm 0,3% so với cùng kỳ; các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025.
Trong nước, Việt Nam đã chủ động từ sớm, tăng cường trao đổi, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt, hiệu quả ở tất cả các cấp, tất cả các kênh, đặc biệt là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ, việc Thủ tướng Chính phủ chủ trì 11 cuộc họp về phương án đàm phán và trực tiếp chỉ đạo đã giúp nước ta thuộc nhóm 6 nước được Mỹ ưu tiên đàm phán trong hơn 100 nền kinh tế.
"Qua đó, người dân, doanh nghiệp vững niềm tin vào những quyết sách ứng phó kịp thời, hiệu quả của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tin tưởng hơn vào khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, mạnh dạn chi tiêu hơn trong dịp nghỉ lễ và mùa du lịch hè sắp tới; các doanh nghiệp lớn toàn cầu tiếp tục tin tưởng, gia tăng đầu tư tại Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Đáng chú ý, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nhiều chỉ tiêu, chỉ số tốt hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 8,9% so với cùng kỳ; 4 tháng tăng 8,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 11,1%, 4 tháng tăng 9,9%. Các doanh nghiệp đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 4 lần lượt tăng 21,3%, 19,8% và 22,9%; 4 tháng xuất khẩu tăng 13%, xuất siêu ước đạt 3,8 tỷ USD.
Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng khoảng 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ; vốn thực hiện trên 6,7 tỷ USD, tăng 7,3%. Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, EU tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, cho thấy vị trí quan trọng của nước ta trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
CPI 4 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ. Thu NSNN 4 tháng đạt 48% dự toán, tăng 26,3% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 49,6% dự toán, tăng 29,5%; việc triển khai thuế điện tử, thu thuế thương mại điện tử, nền tảng số đạt kết quả tích cực. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.
Đồng thời, công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, phát triển doanh nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả rõ nét với nhiều cách làm mới, quyết liệt, đột phá.
Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; ngành giáo dục bảo đảm tiến độ chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; ngành y tế bảo đảm khám, chữa bệnh trong dịp lễ, đẩy mạnh đầu tư làm chủ công nghệ và triển khai nhiều kỹ thuật y học tiên tiến…; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai hiệu quả, thể hiện vị thế mới của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức như: Mục tiêu tăng trưởng, hoạt động đầu tư, kinh doanh… gặp nhiều thách thức; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát; việc hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; đời sống của một bộ phận người dân, người lao động còn khó khăn.
Bộ Tài chính dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn từ bên ngoài, trong khi các động lực nội tại về tiêu dùng, đầu tư, đầu tư công…chưa được thúc đẩy hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội, động lực để tập trung cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao.
Nhấn mạnh khối lượng, phạm vi công việc trong tháng 5 và Quý II là rất lớn, nhiều việc mang tính cách mạng, chưa có tiền lệ, phải triển khai đồng thời, nhanh chóng, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung làm ngay trong tháng 5 và Quý II.
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, chuẩn bị tốt nội dung tiếp thu, giải trình việc sửa đổi Hiến pháp, các dự án Luật, Nghị quyết, báo cáo, bảo đảm đồng thuận cao khi Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, nhất là các nội dung Chính phủ dự kiến trình Quốc hội bổ sung tại kỳ họp. Các bộ, ngành khẩn trương ban hành, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Thứ hai, bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo Quyết định số 758/QĐ-TTg, 759/QĐ-TTg, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, thúc đẩy đàm phán với Mỹ, đồng thời chống hàng giả, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ năm, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung phát triển văn hóa, xã hội; tích cực chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, nhất là các chương trình, hoạt động, triển lãm về các thành tựu lớn của đất nước, quyết tâm khởi công và khánh thành đồng loạt 80 công trình, dự án trọng điểm và tổ chức lễ duyệt binh trong dịp Quốc khánh 2/9. Triển khai các giải pháp trong trung và dài hạn về hoàn thiện thể chế, pháp luật, thực hiện 3 đột phá, các chiến lược về khoa học công nghệ, kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế; chú trọng làm tốt an sinh xã hội, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bão lũ...; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Trong suốt gần 40 năm Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào GDP, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, khi lần đầu tiên "kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân".
Trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, với mục tiêu năm 2025 tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết này.
Tập đoàn Hoà Phát sắp phát hành thêm gần 1,28 tỷ cổ phiếu HPG mới để chia cổ tức cho cổ đông, tương đương giá trị phát hành theo mệnh giá là 12.793 tỷ đồng.
Trong suốt gần 40 năm Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào GDP, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, khi lần đầu tiên "kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân".
Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế 20% trên phần lãi từ giao dịch chuyển nhượng bất động sản, thay cho phương án thu thuế 2% trên giá bán như hiện nay, nhằm hạn chế thất thu ngân sách và phản ánh đúng bản chất thu nhập của người nộp thuế.