Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Kinh tế toàn cầu rúng động vì chính sách thuế mới của Mỹ

Thứ năm, 03/04/2025 09:19 (GMT+7)

Công bố của Mỹ áp thuế 10% lên hàng nhập khẩu toàn cầu và tăng mạnh thuế với nhiều quốc gia, dấy lên lo ngại về xung đột thương mại và tác động kinh tế sâu rộng.

Thuế quan nhập khẩu áp dụng toàn cầu

Ngày 2/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động giới thương mại quốc tế khi chính thức công bố áp dụng thuế quan mới, bao gồm mức thuế cơ bản 10% đánh vào tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đáng chú ý, chính quyền Trump còn thiết lập một hệ thống thuế suất cao hơn đáng kể, nhắm vào hàng chục quốc gia mà Washington cáo buộc đang duy trì thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Tổng thống Trump gay gắt chỉ trích tình trạng mà ông cho là "thuế nhập khẩu cao hơn nhiều" mà các quốc gia khác đang áp dụng đối với hàng hóa Mỹ, so với mức thuế quan mà nền kinh tế số một thế giới này áp lên hàng xuất khẩu từ các nước. Theo ông Trump, đây là sự bất công và cần phải được điều chỉnh.

Tổng thống Trump đã sử dụng biểu đồ trực quan để minh họa mức thuế cụ thể mà Mỹ dự kiến áp dụng đối với từng quốc gia. Ảnh: Yonhapnews

Bên cạnh mức thuế quan cơ bản 10%, chính quyền Mỹ còn công bố cơ chế "thuế đối đẳng". Theo đó, đối với các quốc gia bị Nhà Trắng xác định là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ, Washington sẽ áp dụng mức thuế bổ sung, bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Mỹ.

Thông báo này được xem là nỗ lực mạnh mẽ của Tổng thống Trump nhằm đảo ngược các thỏa thuận thương mại vốn đã định hình quan hệ kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp nước ngoài đang bán hàng hóa vào thị trường Mỹ nhiều hơn là mua hàng hóa từ nước này. Mục tiêu chính thức của Washington là gây áp lực buộc các quốc gia khác phải giảm thiểu thuế quan và các rào cản thương mại mà họ cho là nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ, ước tính lên tới 1.200 tỷ USD trong năm 2023.

Tuy nhiên, giới phân tích và truyền thông Mỹ bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả thực tế của chính sách này. Thay vì tạo ra cú hích tức thời cho nền kinh tế Mỹ như kỳ vọng của chính quyền Trump, nhiều ý kiến lo ngại rằng thuế quan mới sẽ gây ra những tổn thất đáng kể cho các công ty Mỹ có hoạt động sản xuất phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp này có thể sẽ phải đối mặt với tình thế khó khăn: hoặc tăng giá bán sản phẩm, đẩy gánh nặng lên người tiêu dùng, hoặc chấp nhận thu hẹp biên lợi nhuận vốn đã mỏng manh.

Ông Alex Jacquez, Giám đốc chính sách và vận động tại Groundwork Collaborative, một tổ chức nghiên cứu chính sách công theo khuynh hướng cánh tả, đã chỉ ra những thách thức hành chính to lớn trong việc thực thi cơ chế thuế đối ứng. Với hàng chục nghìn mã thuế khác nhau quy định mức thuế suất cho vô vàn loại sản phẩm, việc thiết lập thuế quan đối ứng một cách chính xác và công bằng cho toàn bộ danh mục hàng hóa với từng đối tác thương mại là một nhiệm vụ gần như bất khả thi đối với năng lực hành chính của Mỹ.

Một số chuyên gia khác còn đưa ra nhận định rằng, mục tiêu thực sự của chính sách thuế quan mới này có thể không hẳn là thúc đẩy các công ty chuyển hoạt động sản xuất trở về Mỹ hay tăng nguồn thu cho ngân sách chính phủ. Thay vào đó, động thái này có thể là một đòn bẩy chính trị, nhằm gây sức ép buộc các quốc gia khác phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận ký kết các thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho chính quyền Trump.

Việt Nam chịu mức thuế quan rất cao, phản ứng quốc tế thận trọng

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã sử dụng biểu đồ trực quan để minh họa mức thuế cụ thể mà Mỹ dự kiến áp dụng đối với từng quốc gia. Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế suất cao nhất, với mức thuế lên tới 46% áp dụng cho 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.

Theo biểu đồ này, Mỹ dự kiến áp thuế 34% đối với 67% tổng lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% đối với 39% hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), 25% đối với 50% hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, 24% đối với 46% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản và 32% đối với 64% hàng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc).

Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Thái Lan cũng chịu mức thuế đáng kể là 36% đối với 72% hàng hóa, tiếp theo là Indonesia (32% đối với 64%), Malaysia (24% đối với 47%), Philippines (17% đối với 34%), và Singapore (10% đối với 10%).

Nhóm các quốc gia chịu mức thuế thấp nhất, 10% đối với 10% hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, bao gồm Vương quốc Anh, Australia, Colombia, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều đáng chú ý là Canada và Mexico, hai đối tác thương mại quan trọng trong khu vực Bắc Mỹ của Mỹ, không nằm trong danh sách các quốc gia bị áp thuế đối ứng lần này.

Phản ứng trước động thái thuế quan mới của Mỹ, các quốc gia trên thế giới đã thể hiện sự thận trọng và dè dặt. Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds, trong một tuyên bố ngày 2/4, khẳng định London vẫn kiên trì mục tiêu đạt được một thỏa thuận kinh tế với Washington, với hy vọng có thể giảm nhẹ tác động của mức thuế 10% áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Anh sang Mỹ.

Tuyên bố của Bộ trưởng Reynolds nhấn mạnh: "Cách tiếp cận của chúng tôi là giữ bình tĩnh và nỗ lực xây dựng thỏa thuận này, chúng tôi hy vọng sẽ giảm nhẹ tác động từ những gì đã được công bố". Mặc dù Tổng thống Trump cho rằng Anh sẽ nằm trong số các quốc gia chịu mức thuế quan thấp nhất, quan chức chính phủ Anh cũng lưu ý: "Chúng tôi có nhiều công cụ và chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động". London cam kết tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp Vương quốc Anh để "đánh giá tác động của bất kỳ bước đi nào tiếp theo mà chúng tôi thực hiện".

Cùng ngày 2/4, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã lên tiếng chỉ trích mức thuế mới của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ EU là một "sai lầm". Tuy nhiên, bà Meloni cũng cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại sẽ chỉ làm suy yếu phương Tây, mang lại lợi ích cho các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu. "Việc Mỹ công bố các mức thuế quan đối với EU là biện pháp mà tôi cho là sai lầm và không phù hợp với bất kỳ bên nào", Thủ tướng Meloni tuyên bố, đồng thời khẳng định Italy sẽ "làm mọi việc có thể để đạt được thỏa thuận với Mỹ nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ làm phương Tây suy yếu theo hướng có lợi cho các bên tham gia khác trên toàn cầu".

Từ Sydney, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã bày tỏ sự thất vọng và khẳng định chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ đối với đồng minh thân cận Australia là "hoàn toàn không có cơ sở", không phải là "hành động của một người bạn" và có thể làm thay đổi nhận thức về mối quan hệ song phương giữa hai nước. Mặc dù vậy, ông Albanese khẳng định Australia sẽ không áp dụng các biện pháp thuế quan trả đũa đối với Mỹ.

Nhà Trắng đã chính thức xác nhận rằng "mức thuế 10% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 00h01 phút ngày 5/4 (11h01 phút cùng ngày theo giờ Hà Nội), trong khi những mức thuế cao hơn đối với các đối tác khác nhau sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 00h01 phút ngày 9/4 (11h01 phút cùng ngày theo giờ Hà Nội)".

Thời gian biểu thực thi chính sách thuế quan mới của Mỹ đang đến gần và những tác động kinh tế - chính trị của nó đối với thương mại toàn cầu vẫn còn là một ẩn số lớn.

Lê Nguyên
Nguồn: sohuutritue.net.vn